Tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại
Cập nhật ngày: 24/05/2023 17:27:13
ĐTO - UBND tỉnh vừa có công văn yêu cầu các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố khẩn trương triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, các ngành và địa phương cần tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống bệnh dại ở động vật theo đúng quy định của Luật Thú y, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, các văn bản hướng dẫn thi hành các Luật, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ theo Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 21/4/2023; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về phòng, chống bệnh dại.
UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức thực hiện các giải pháp kỹ thuật nhằm nhanh chóng kiểm soát bệnh dại theo mục tiêu đã đề ra trong Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại, giai đoạn 2022 – 2030 trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, cần chủ trì, phối hợp với UBND huyện, thành phố và đơn vị có liên quan triển khai chủ trương, chính sách và quy định về quản lý nuôi chó, mèo và tiêm vắc-xin dại cho chó, mèo; thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dại, triển khai tiêm phòng vắc-xin dại cho chó, mèo theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT.
Đặc biệt, để công tác phòng ngừa bệnh dại ở cơ sở được hiệu quả, UBND tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT cần chỉ đạo đơn vị chuyên môn theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình bệnh dại ở chó, mèo; khi phát hiện hoặc nhận được thông tin về các trường hợp người bị chó, mèo mắc bệnh dại hoặc nghi mắc bệnh dại cắn, chủ động phối hợp với cơ quan y tế và địa phương tổ chức điều tra, xác định nguyên nhân ổ dịch và thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.
Nhằm đảm bảo tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế xây dựng kế hoạch sử dụng vắc-xin phòng dại cho người bị chó, mèo cắn, người có nguy cơ cao phơi nhiễm bệnh dại trên địa bàn tỉnh; cần kiện toàn, mở rộng số lượng các điểm tiêm vắc-xin và huyết thanh kháng dại (kể cả y tế công và cơ sở tiêm chủng dịch vụ) để phục vụ công tác điều trị dự phòng, bảo đảm mỗi huyện có ít nhất 1 điểm tiêm có đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư và nguồn nhân lực cho điều trị dự phòng; đảm bảo đủ trang thiết bị, vắc-xin và huyết thanh kháng Dại đã được cấp phép sử dụng…
UBND các huyện, thành phố thành lập các đoàn công tác do lãnh đạo UBND cấp huyện làm trưởng đoàn phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh dại. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tổ chức tuyên truyền để người nuôi chó có trách nhiệm thực hiện nghiêm các quy định về quản lý chó, không để chó chạy rông, khi đưa chó ra ngoài cần thực hiện nghiêm việc đeo rọ mõm và có người dắt, chấp hành tiêm vắc-xin phòng bệnh dại…
Mỹ Lý