“Mấy lời” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc đi xa

Cập nhật ngày: 01/09/2019 16:52:33

Lễ Quốc khánh năm 1969, lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh không có mặt trong 14 lần tổ chức mừng Đại lễ của dân tộc, từ ngày Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 2/9/1945.


Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu (Nguồn VOV)

Cả dân tộc linh cảm, lo âu về sức khỏe của Bác.

9 giờ 47 phút ngày 2/9/1969, Bác đã về thế giới bên kia, “đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác”.

“Dân tộc ta và Đảng ta mất một vị lãnh tụ thiên tài và một người thầy vĩ đại.

Phong trào cộng sản quốc tế, phong trào giải phóng dân tộc và cả loài người tiến bộ mất một chiến sĩ lỗi lạc, một người bạn chiến đấu kiên cường và thân thiết”.

Bác ra đi trong bộ đồ ka - ki, trên ngực không một tấm huân chương. Như cả cuộc đời bình dị, trước lúc đi xa, Người chỉ để “sẵn mấy lời”.

“Mấy lời” đó chứa đựng tất cả mục tiêu, lý tưởng suốt cuộc đời Người là “hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”, là ý chí và niềm tin không gì lay chuyển: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn”.

“Mấy lời” đó là phương châm, kim chỉ nam về công tác xây dựng Đảng.

Bác nhắc nhở: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta”, do đó “cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.

Theo Bác, “thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”.

Trong điều kiện Đảng cầm quyền, Bác căn dặn: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”.

“Mấy lời” đó là niềm tin vào thế hệ trẻ, đồng thời Bác dặn dò Đảng ta: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.

Đó là sự trân trọng, tuyên dương đồng bào cả nước đã gian khổ, hy sinh đi theo Đảng làm cách mạng, mong muốn “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.

Đó còn là tinh thần quốc tế cộng sản trong sáng, thủy chung.

Trước lúc đi xa, Bác “để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”.

Cho thấy, Di chúc của Bác, chỉ “mấy lời” nhưng đã bao quát, thể hiện tầm nhìn chiến lược về những việc trọng đại của Đảng, của quốc gia, dân tộc Việt Nam và của bạn bè quốc tế và đều có liên quan đến vai trò của Đảng ta.

Viết từ việc chung đến việc riêng, nhưng phần lớn nội dung của Di chúc là về Đảng và công tác xây dựng Đảng, trong đó quan tâm hàng đầu của Bác vẫn là việc rèn luyện phẩm chất đạo đức và việc nêu gương về phẩm chất đạo đức của đảng viên, cán bộ, bởi đây là vấn đề có vị trí cốt lõi trong công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Trước khi thành lập Đảng, Bác đã quan tâm việc rèn luyện đạo đức. Mở đầu tác phẩm “Đường kách mệnh” (năm 1927), Bác viết về “Tư cách của một người cách mệnh”, đó là “Cần kiệm”, “Hòa mà không tư”, “Cả quyết sửa lỗi mình”, “Vị công vong tư”, “Không hiếu danh, không kiêu ngạo”, “Nói thì phải làm”, “Ít lòng ham muốn về vật chất”...

Sau này, Bác thường xuyên nêu lên việc rèn luyện phẩm chất đạo đức của đảng viên.

Trong khi Đảng tập trung lãnh đạo và cùng nhân dân tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, Bác viết bài “Sửa đổi lối làm việc” (10/1947) nêu lên 12 điều về tư cách của Đảng và 5 tính tốt của đảng viên, cán bộ là “nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm”.

Khi Đảng cầm quyền, trong tác phẩm “Đạo đức cách mạng” (12/1958), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”.

Cả cuộc đời Bác là tấm gương về đạo đức cách mạng, từ những việc làm bình thường trong cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày cho đến những việc trọng đại, tất cả vì nước vì dân.

Theo Di chúc, Bác “suốt cuộc đời phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”, không có điều gì phải hối hận. Bác “chỉ tiếc là tiếc rằng không còn được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Bác căn dặn: “Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức phúng điếu linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”.

Tại lễ truy điệu trọng thể Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 9/9/1969, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã thay mặt Đảng và nhân dân ta trang trọng đọc 5 lời thề trước anh linh của Người.

Đến nay, Đảng và nhân dân ta đã thực hiện xong lời thề thứ nhất, đó là “Giương cao mãi mãi ngọn cờ độc lập dân tộc, quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước để thỏa lòng mong ước của Người”.

Bốn lời thề còn lại, chúng ta đã và đang ra sức thực hiện và đạt nhiều thành tựu quan trọng.

Năm 2018, Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 7,08%, là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới; thu nhập bình quân đầu người đạt xấp xỉ 2.500 USD, trở thành quốc gia có thu nhập trung bình; tỷ lệ dân số sống ở đô thị 35%; tỷ lệ người sử dụng internet 67%.

Nếu so với 50 năm trước, nhất là sau năm 1975, khi nhân dân ta còn chịu những hậu quả nặng nề sau hơn 100 năm xâm lược của thực dân, đế quốc; bị bao vây, cấm vận; lại phải bước vào cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và chống xâm lược ở biên giới phía Bắc, mới thấy đời sống vật chất, tinh thần, tiếp cận và hòa nhập thế giới của nhân dân ta hiện nay đã có sự phát triển vượt bậc.

Đảng ta đã vượt qua không ít khó khăn, thử thách nhưng vẫn là một khối đoàn kết thống nhất, vẫn là hạt nhân lãnh đạo và là niềm tin của nhân dân.

Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam vững chắc.

Dân chủ được phát huy và mở rộng.

Biên giới Quốc gia giữ vững. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định.

Về quan hệ quốc tế, Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của nhiều tổ chức quốc tế và khu vực với vị thế ngày càng tăng. Bên cạnh đó, Đảng ta có quan hệ với hàng trăm chính đảng của nhiều nước, trong đó có 96 đảng cộng sản, 63 đảng cầm quyền...

Tuy nhiên vẫn còn nhiều việc phải làm để thực hiện trọn vẹn lời thề với Bác, như đem lại phồn vinh cho đất nước; suốt đời học tập đạo đức, tác phong của Người, bồi dưỡng phẩm chất cách mạng, không sợ gian khổ, không sợ hy sinh, rèn luyện mình thành những chiến sĩ trung thành với Đảng, với dân, xứng đáng là đồng chí, là học trò của Bác.

Thực hiện trọn vẹn lời thề với Bác cũng chính là thực hiện Di chúc của Người, thực hiện điều mong muốn cuối cùng của Bác là “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Trước lúc đi xa, Bác không kịp thực hiện được mong ước lớn lao nhưng giản dị, đó là sau khi đất nước độc lập, thống nhất “sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng; thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta”. Nhưng tấm gương cuộc đời, đạo đức, phong cách và tư tưởng vĩ đại của Người đã thấm đậm vào nhận thức và hành động của bao thế hệ người Việt Nam, cả trong nước và nước ngoài và đông đảo bạn bè quốc tế.

Tấm gương cuộc đời, đạo đức, phong cách và tư tưởng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua những lời căn dặn cùng những tình cảm, niềm tin của Bác đối với chúng ta và các thế hệ mai sau được cô đọng “mấy lời” trong Di chúc của Người, một bảo vật Quốc gia, nhất định sẽ trường tồn cùng với đất nước và dân tộc Việt Nam.

Hữu Ý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn