Áp dụng mô hình hay, công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp

Cập nhật ngày: 04/02/2021 05:25:08

ĐTO - Thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp đạt nhiều thành tựu nổi bật trên các lĩnh vực, trong đó có sự đóng góp của đảng viên, nông dân về những cải tiến, sáng kiến, cách làm hay được áp dụng trong sản xuất nông nghiệp, góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.


Đồng chí Lâm Trọng Nghĩa và thiết bị bay phun thuốc bảo vệ thực vật

* Đồng chí Lâm Trọng Nghĩa - đảng viên Chi bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tam Nông chia sẻ: “Việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đạt kết quả tích cực, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn và nâng cao thu nhập của người dân. Có được những thành tựu to lớn ấy, phải kể đến vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng, cùng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Mọi chủ trương, chính sách đều thật sự xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân. Đó chính là cơ sở, gốc rễ củng cố và tăng cường niềm tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước”.

Có nhiều năm công tác trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là tìm ra giải pháp thay thế sức lao động trong khâu phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên cây lúa tại quê hương mình, qua nghiên cứu của bản thân và đến tháng 5/2019, đồng chí Nghĩa mạnh dạn đầu tư thiết bị bay không người lái (gọi tắt là máy bay) đầu tiên, trị giá gần 500 triệu đồng để thực hiện dịch vụ phun thuốc bằng máy bay tại địa phương. Sau 18 tháng triển khai ở huyện Tam Nông, diện tích lúa được ứng dụng thiết bị bay phun xịt thuốc BVTV khoảng 20.000ha. Đến nay, số lượng máy bay phun thuốc tăng lên 12 chiếc, với 25 lao động làm việc thường xuyên.

Đồng chí Lâm Trọng Nghĩa cho biết: “Qua thực tế cho thấy, máy bay phun thuốc có những ưu điểm vượt trội so với phương pháp truyền thống. Đây là giải pháp bù đắp cho tình trạng thiếu hụt lao động trong nông nghiệp; hiệu suất làm việc cao gấp 10 lần so với phun xịt thủ công (máy bay phun được 30ha/ngày). Đồng thời giảm 20% thuốc BVTV và 90% lượng nước sử dụng, không thất thoát lúa do giẫm đạp khi phun xịt; có khả năng phun thuốc dập dịch nhanh trên diện tích lớn (chỉ 20 phút/ha)... Quan trọng là không ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động vì không tiếp xúc trực tiếp với hóa chất; giảm lượng hóa chất phát thải ra môi trường, thu gom vỏ chai, bao bì thuốc BVTV dễ dàng do pha thuốc tập trung tại một điểm”.


Thành viên Minh Tâm Hội quán tham gia sinh hoạt, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất xoài

* Minh Tâm Hội quán (MTHQ) tại xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh được thành lập vào ngày 9/9/2016 với 25 thành viên, đến nay đã có 53 thành viên. Theo ông Nguyễn Văn Truyện – đảng viên, Chủ nhiệm MTHQ, từ ngày thành lập đến nay, MTHQ đã duy trì tổ chức tổ chức được 45 kỳ sinh hoạt định kỳ. Đồng thời được các ngành chuyên môn của tỉnh, huyện hỗ trợ kiến thức khoa học, kỹ thuật, góp phần làm chuyển biến nhận thức của thành viên trong việc đưa ra cách làm mới, tăng hiệu quả canh tác. Đến nay, 100% thành viên MTHQ đều sản xuất xoài tiêu chuẩn VietGAP; thực hiện “Sổ nhật ký canh tác” tạo điều kiện thuận lợi cho việc truy xuất nguồn gốc sau này; tăng cường liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp để tiêu thụ xoài dễ dàng và hiệu quả. Hiện tại, MTHQ cũng đang thực hiện mô hình “Sản xuất xoài theo hướng công nghệ cao” với diện tích 10ha, từ đó nâng cao chất lượng, năng suất, tăng khả năng cạnh tranh của xoài trên thị trường.

Ngoài ra, Ban Chủ nhiệm MTHQ còn kết hợp với Hợp tác xã xoài Mỹ Xương triển khai thực hiện mô hình “Cây Xoài nhà tôi” thông qua website: xoaicaolanh.com.vn, góp phần tạo mối liên kết giữa nhà vườn và khách hàng, tăng thu nhập từ 2,5 - 3,5 triệu đồng/cây xoài so với sản xuất bình thường. Đến nay, MTHQ đã bán được 358 cây xoài, với số tiền hơn 2,1 tỷ đồng. Đặc biệt, từ năm 2019, MTHQ cũng kết hợp sản xuất xoài với mở điểm tham quan trải nghiệm, qua đó đã tiếp 32 đoàn với 387 lượt khách đến tham quan, trong đó có 14 lượt khách quốc tế.

Ông Nguyễn Văn Truyện - Chủ nhiệm MTHQ nhấn mạnh: “Đến bây giờ, chúng tôi có thể khẳng định, MTHQ đã phát huy vai trò tập hợp đông đảo nhà vườn tham gia sinh hoạt. Sự liên kết, hợp tác của các nhà vườn thêm chặt chẽ, sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả. Đạt được những kết quả trong thời gian qua là những tín hiệu đáng mừng. Dù vậy, chúng tôi biết rằng mỗi thành viên Hội quán còn phải cố gắng nhiều hơn nữa thì trái xoài sản xuất ra mới có thể cạnh tranh được trên các thị trường lớn, góp phần thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của xã Mỹ Xương, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương...”.

N.AN - P.LỘC

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn