Bài phát biểu của Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Đồng Tháp
Cập nhật ngày: 28/04/2025 21:07:32
ĐTO - Tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) và 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Đồng Tháp, đồng chí Lê Quốc Phong - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp có bài phát biểu quan trọng. Báo Đồng Tháp trân trọng giới thiệu toàn văn.
.jpg)
Đồng chí Lê Quốc Phong phát biểu tại buổi lễ
Hoà trong không khí hào hùng, phấn khởi và đầy tự hào của cả dân tộc đón chào Ngày “Non sông thống nhất”. Hôm nay, tỉnh Đồng Tháp long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Đồng Tháp.
Vào ngày 30/4 cách đây 50 năm, Nhân dân Đồng Tháp cùng đồng bào cả nước tràn ngập niềm vui khi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giành thắng lợi cuối cùng, giải phóng Sài Gòn - Gia Định, giải phóng miền Nam, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kéo dài hơn 20 năm.
Chiến thắng 30/4 là mốc son lịch sử mang tầm vóc thời đại, đã chấm dứt vĩnh viễn ách đô hộ của chủ nghĩa đế quốc, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, thống nhất đất nước, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập, thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Trong niềm vui hoà bình, độc lập, thống nhất của hôm nay, chúng ta thành kính tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, người dày công bồi dưỡng bao thế hệ cách mạng, Người trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, Người luôn yêu quý miền Nam, luôn mong chờ ngày miền Nam giải phóng, Bắc Nam sum họp một nhà. Ngày mà Người mong chờ có thể đi thăm đồng bào miền Nam và chắc chắn sẽ đến viếng nơi an nghỉ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, người cha kính yêu của mình, trên quê hương Đồng Tháp chúng ta. Giây phút trang trọng này, chúng ta cũng dành những tình cảm quý trọng đặc biệt để tưởng nhớ bao cán bộ, chiến sĩ, quân và dân Việt Nam đã góp sức mình, tận hiến đời mình, theo Đảng, theo Bác Hồ làm cách mạng, đánh thắng bao kẻ thù xâm lược.
Để có được Đại thắng mùa xuân 1975 là một hành trình nhiều gian khó nhưng rất vẻ vang của quân và dân trên mọi miền Tổ quốc. Hoà chung dòng thác cách mạng miền Nam, phong trào đấu tranh cách mạng ở Đồng Tháp hình thành rất sớm và liên tục phát triển.
Ngay từ khi Mỹ - Diệm đặt ách thống trị, Nhân dân Đồng Tháp đã anh dũng đứng lên đấu tranh qua các phong trào như: Đòi hiệp thương tổng tuyển cử, diệt ác trừ gian, chống khủng bố, bắt bớ, giam cầm người yêu nước. Đặc biệt, trận thắng ở Giồng Thị Đam - Gò Quản Cung trở thành bước ngoặt quan trọng, góp phần thổi bùng phong trào đồng khởi trên toàn miền Nam và làm thất bại Kế hoạch Staley - Taylor của địch. Bên cạnh đó, là những chiến công vang dội, làm thất bại các chiến thuật hiện đại của địch như “trực thăng vận”, “thiết xa vận”, tiêu biểu là trận đánh chìm 37 tàu Mỹ trên kênh Nguyễn Văn Tiếp, phá sản chiến thuật “hạm đội nhỏ trên sông”, khẳng định tinh thần kiên cường và tài mưu lược của quân dân ta trên chiến trường Đồng Tháp Mười.
Trong suốt 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân Đồng Tháp đã kiên cường chiến đấu qua hơn 16.000 trận lớn nhỏ, chiến công nối tiếp chiến công góp phần cùng cả nước làm nên ngày 30/4/1975 lịch sử. Với những hy sinh, đóng góp to lớn trong kháng chiến, Nhân dân và lực lượng vũ trang nhiều địa phương trên địa bàn Đồng Tháp vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân”; 68 tập thể, 41 cá nhân được tuyên dương anh hùng, 1.151 Mẹ Việt Nam anh hùng và hơn 27.000 Huân, Huy chương các loại. Mỗi danh hiệu, mỗi tấm huy chương, mỗi chiến công đều thấm đẫm mồ hôi, xương máu của bao thế hệ quân và dân Đồng Tháp.
Chúng ta mãi mãi không quên, mãi mãi ghi nhớ và tri ân 18.410 liệt sĩ; 7.730 thương binh, bệnh binh, 2.158 người bị bắt, tù đày vì lý tưởng cách mạng và biết bao người dân Đồng Tháp với lòng yêu nước đã yêu quý, nuôi dưỡng, che chở cho cán bộ, chiến sĩ trong những năm kháng chiến. Những người con ưu tú của Đất Sen hồng đã viết tiếp những trang sử hào hùng, đầy tự hào của mảnh đất Đồng Tháp kiên trung, giàu truyền thống, trở thành biểu tượng cho lòng yêu nước, sẵn sàng dấn thân, hy sinh vì Tổ quốc, vì Nhân dân; là minh chứng thuyết phục cho sự gắn bó máu thịt giữa Đảng với dân, giữa quân với dân; là những tấm gương sáng để các thế hệ nối tiếp, đặc biệt là thế hệ trẻ noi theo.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy khó khăn, gian khổ và ác liệt nhưng đã để lại cho Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Đồng Tháp nhiều bài học quý giá còn nguyên giá trị đến hôm nay và cả mai sau. Đó là: bài học về nắm vững và tuyệt đối tin tưởng vào đường lối, phương pháp cách mạng đúng đắn của Đảng; tin dân, dựa vào dân, xây dựng thế trận lòng dân, phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng; sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, chiến tranh Nhân dân; sự sáng tạo, năng động, tự lực, tự cường, kiên trì “bám trụ”; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì Đảng, vì dân.
Những tháng năm đầu sau ngày giải phóng, Đồng Tháp gặp nhiều khó khăn, thách thức. Điều kiện tự nhiên với nhiều yếu tố không thuận lợi, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, sản xuất manh mún, hạ tầng tất cả các lĩnh vực đều thuộc nhóm yếu kém so với cả nước. Sản lượng lúa năm 1975 ước khoảng 270 ngàn tấn, không đủ ăn, tỷ lệ hộ nghèo, thiếu đói rất cao. Phát huy những bài học quý báu từ thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Đồng Tháp đã từng bước vượt qua khó khăn, tận dụng thế mạnh, tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng, đưa Đồng Tháp ngày càng phát triển.
Sau 50 năm, chúng ta đã đạt những thành tựu lớn, toàn diện trên nhiều mặt. Từ một địa phương thiếu hạ tầng, nhân lực kỹ thuật và gần như không có hoạt động nghiên cứu khoa học. Nay đã có bước tiến rõ nét, đặc biệt trong nông nghiệp, công nghiệp chế biến. Chuyển đổi số có nhiều bước tiến rõ rệt, đặc biệt là trong nông nghiệp, ứng dụng canh tác lúa thông minh, tự động hóa được triển khai hiệu quả; nhiều dự án nghiên cứu tập trung vào giống cây trồng, vật nuôi và bảo quản sau thu hoạch; sản lượng lúa đã đạt 3,34 triệu tấn/năm (gấp 12,3 lần so với cách đây 50 năm); các chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực của Tỉnh phát triển mạnh mẽ; các ngành hàng lúa gạo, cá tra, trái cây, hoa kiểng, không chỉ đóng góp nhiều vào sự phát triển kinh tế của Đồng Tháp mà còn giữ vai trò chủ đạo trong phát triển ngành trong phạm vi cả nước.
Nông sản của tỉnh đã có mặt tại hơn 150 quốc gia, kể cả các thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và EU… Đến nay, tất cả các xã, huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới, nhiều xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và đang tiến nhanh đến hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu. Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo được hình thành, chuyển đổi số được thúc đẩy mạnh mẽ, là 1 trong 3 địa phương toàn quốc nhận danh hiệu “Địa phương tiêu biểu xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp”; là một trong số ít địa phương duy trì được năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong nhóm 5 tỉnh dẫn đầu cả nước hơn 15 năm. Công tác chăm lo cho người nghèo, người yếu thế thu hút sự quan tâm, tham gia của nhiều lực lượng trong xã hội với nhiều cách làm hay, sáng tạo. Nhờ đó tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh và dự kiến đến hết tháng 7/2025 chúng ta sẽ hoàn thành việc xoá nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo toàn tỉnh.
Trong lĩnh vực y tế và giáo dục, từ hơn 80% người dân mù chữ, cơ sở vật chất thiếu thốn; đội ngũ thiếu, trình độ chưa cao. Đến nay, hệ thống giáo dục phát triển mạnh cả về quy mô, chất lượng và dạy nghề; trường đạt chuẩn quốc gia tăng, đội ngũ giáo viên đáp ứng được yêu cầu mới. Thành phố Cao Lãnh và thành phố Sa Đéc là 02 trong 05 thành phố cả nước được UNESCO công nhận là thành viên “Mạng lưới học tập toàn cầu”. Hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở ngày càng hoàn thiện; đội ngũ y tế được tăng cường về số lượng và chuyên môn; chất lượng khám chữa bệnh nâng cao, triển khai nhiều kỹ thuật mới.
Môi trường văn hóa được cải thiện, giá trị văn hoá truyền thống được phát huy với việc quan tâm dành nguồn lực bảo tồn các di sản văn hoá, di tích lịch sử; phục hồi, phát triển các lễ hội dân gian. Thể thao thành tích cao và thể thao quần chúng đạt nhiều kết quả tích cực. Du lịch phát triển, sản phẩm ngày càng phong phú, có nét đặc sắc riêng của Đất Sen hồng. Các khu di tích, điểm du lịch trọng điểm cơ bản đã định vị được sản phẩm đặc trưng, phát triển thị trường khách du lịch nội địa thông qua các sự kiện, lễ hội như Lễ hội Sen, Lễ hội Xoài, Ngày hội Cá tra, Festival Hoa - Kiểng. Tinh thần, hình ảnh “Đồng Tháp - Thuần khiết như hồn sen” được lan tỏa mạnh mẽ và ngày càng khẳng định, góp phần hình thành một trong những giá trị nhận diện địa phương thành công nhất của Việt Nam.
Có thể nói, hành trình 50 năm của Đồng Tháp, từ xuất phát điểm rất thấp nhưng với những nỗ lực vượt bậc của Đảng bộ, chính quyền và người dân Đồng Tháp, bằng chinh phục tự nhiên không thuận lợi, bằng khai phá tài nguyên bản địa, bằng cách kế thừa phát huy những phẩm chất của con người Đồng Tháp: “Yêu nước, đoàn kết, trung thực, tự lực, chăm chỉ, hợp tác, nghĩa tình, năng động, sáng tạo”; chúng ta đã biến khát vọng thoát nghèo đói, khát vọng phát triển, khát vọng khẳng định giá trị riêng có của đất sen hồng trong sự phát triển chung của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và của cả nước thành hiện thực.
Đất nước đang bước vào một hành trình mới, một kỷ nguyên vươn mình, đột phá phát triển mạnh mẽ, góp phần hoàn thành sứ mệnh lịch sử chung của cả dân tộc, Đồng Tháp cũng đang chuyển mình trong một chặng đường mới với những đòi hỏi cao hơn trong phát triển, khát vọng mạnh mẽ hơn trong một không gian phát triển mới hơn, rộng lớn hơn, tiềm năng được mở rộng hơn.
Trong giai đoạn mới, Đồng Tháp sẽ tập trung huy động mọi nguồn lực, tháo gỡ các điểm nghẽn, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh đặc trưng để bứt phá, hướng đến trở thành tỉnh tiên phong trong xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; đổi mới và chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, mở ra cơ hội cho các ngành kinh tế mới: Kinh tế sinh thái, kinh tế xanh, kinh tế biển, kinh tế nước ngọt, nông nghiệp thích ứng, vận tải đa phương thức và trung tâm chăm sóc sức khỏe. Trong tầm nhìn đến 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và năm 2045, tròn 100 năm thành lập Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà (nay là Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam), Đồng Tháp phấn đấu trở thành địa phương có mức tăng trưởng tích cực, hai con số, nằm trong nhóm dẫn đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long trên nhiều lĩnh vực: Nông nghiệp, công nghiệp chế biến, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chuyển đổi số, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và sẽ không còn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Để đạt mục tiêu lớn đó, có nhiều việc cần triển khai, thực hiện. Đồng Tháp sẽ tập trung triển khai nhanh chóng, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Trung ương, đánh giá, bổ sung quy hoạch không gian phát triển mới. Xác định các nhóm đột phá chiến lược mới về khoa học công nghệ, nông nghiệp, hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng cho giai đoạn mới, tập trung cho phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hình thành khu kinh tế tổng hợp tại khu cửa khẩu quốc tế, thúc đẩy giao thương biên giới và phát triển kinh tế biển trong điều kiện phát triển mới; nâng chất, hoàn thiện hạ tầng giao thông, liên kết vùng và mở rộng không gian phát triển trên tinh thần tỉnh Đồng Tháp mới với những tiềm năng mới, lợi thế mới, đây được xem là một bước ngoặt phát triển mới.
Đồng Tháp sẽ phát huy mọi nguồn lực để phát triển, trong đó tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân, một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, chú trọng cả thúc đẩy các doanh nghiệp mạnh, dẫn đầu trong các nhóm ngành hàng chủ lực và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cả về số lượng, chất lượng hoạt động và phát triển.
Cùng với phát triển kinh tế, Đồng Tháp tiếp tục dành sự ưu tiên, đầu tư nguồn lực cho phát triển giáo dục, y tế. Chúng ta phấn đấu trở thành địa phương có sự quan tâm đến giáo dục, y tế hàng đầu khu vực với chất lượng nâng cao, mọi người dân đều được tiếp cận các dịch vụ cần thiết để bảo đảm sức khoẻ. Bằng sự nỗ lực của Tỉnh, sức khoẻ của người dân, điều kiện học tập của người dân đất sen hồng sẽ nhận được sự đầu tư và kêu gọi nguồn lực đầu tư cao nhất, hỗ trợ kịp thời nhất. Trong không gian phát triển mới, các giá trị văn hoá và con người Đồng Tháp, trọng tâm là nghĩa tình, năng động, sáng tạo sẽ tiếp tục được giữ gìn, bồi đắp và phát triển.
Để chặng đường mới nhiều thành công mới, sự đoàn kết, đồng lòng, tích cực tham gia của người dân giữ vai trò quan trọng, là yếu tố quyết định. Người Đồng Tháp đã được Nhân dân cả nước biết đến với nhiều mô hình phát huy tinh thần tự lực, tự chủ, vượt khó, chăm chỉ, hợp tác, liên kết cùng nhau phát triển, thì hơn lúc nào hết, trong giai đoạn phát triển mới này, những kinh nghiệm, phẩm chất quý giá ấy cần tiếp tục được phát huy tạo nên sức mạnh nội sinh to lớn, cùng sự giúp sức của bạn bè xa gần để tạo nên những kỳ tích mới, những thành tựu mới.
Cùng với sự đồng lòng của Nhân dân, tôi mong muốn toàn bộ hệ thống chính trị của tỉnh, từ tỉnh đến cơ sở tăng cường sâu sát, tận tâm, đổi mới tư duy, phương pháp làm việc, nâng cao tính trách nhiệm, năng lực, sáng tạo, đồng hành cùng dân, dám làm vì dân, vì sự phát triển chung của Đồng Tháp - Đất Sen hồng. Hãy cùng nhau quyết tâm cao nhất, xây dựng Đồng Tháp trở thành nơi đáng sống, đáng đến, đáng đầu tư - nơi hội tụ của sự văn minh, hiện đại nhưng vẫn giữ gìn được nét đẹp văn hóa, nghĩa tình của con người Đồng Tháp Mười, miền Tây Nam Bộ.
Với những gì chúng ta đã làm được để có được ngày 30/4/1975 hoà bình, thống nhất; với những gì chúng ta đã làm được qua 50 năm xây dựng, bảo vệ, phát triển Đồng Tháp, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào chặng đường mới, trước mắt là thực hiện tốt đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã trên địa bàn Đồng Tháp, chuẩn bị chu đáo cho công tác hợp nhất Tỉnh, chuẩn bị và tổ chức thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp nhiệm kỳ 2025 - 2030, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Một Đồng Tháp mới với chính quyền địa phương hai cấp, tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ tốt hơn cho Nhân dân, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, sẽ phát triển ngày càng nhanh, góp phần xứng đáng cùng cả nước tiến vào “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi xin trân trọng gửi tới quý Mẹ Việt Nam anh hùng, các anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ và toàn thể Nhân dân tỉnh nhà những lời chúc tốt đẹp, mạnh khoẻ, hạnh phúc và thành công.
Chúc quê hương Đồng Tháp ngày càng phát triển, giàu đẹp.
Trân trọng cảm ơn!
Đồng chí Lê Quốc Phong
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng,
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp,
Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp