Cách nhìn chung, nhìn riêng về thành tựu và thiếu sót

Cập nhật ngày: 06/02/2017 09:39:07

Chung và riêng đề cập ở đây không phải khái niệm triết học. Cách nhìn chung riêng là nhìn cái tổng quát và cái cụ thể, nhìn toàn diện và nhìn từng mặt hay nhìn “vĩ mô” và “vi mô” theo cách nói của các nhà kinh tế. Vào cuối năm, các cấp theo đơn vị hành chính và các ngành theo lĩnh vực công tác đều tiến hành tổng kết để kiểm điểm công việc của năm qua và đề ra nhiệm vụ cho năm tới. Và, đơn vị nào cũng nhận ra: nhìn chung là tốt, nhìn cụ thể một sự việc thì có những vấn đề không ổn. Xem ra, điều gì đó chưa thật sự thấu đáo bắt nguồn từ cách nhìn nhận và cả bản thân sự vật.

Trên bình diện cả nước, hầu như các nhận định đều cho rằng, đất nước đang trên đà phát triển về mọi mặt. Nền kinh tế tăng trưởng khá và ổn định, văn hóa và xã hội có nhiều tiến bộ, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, chủ quyền Quốc gia được bảo vệ, hệ thống chính trị được tăng cường. Tuỳ theo tình hình cụ thể, các địa phương (cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã - cách nói chung về 3 cấp hành chính), có những đánh giá khá tương đồng về những nội dung ấy nhưng khi đề cập các hạn chế, những vấn đề được nêu đã gây nên nỗi lo lắng đối với những ai quan tâm đến thời cuộc. Tăng trưởng kinh tế thiếu bền vững, nhất là yếu tố năng suất lao động và kết cấu hạ tầng là những điểm nghẽn; loay hoay với thoát nghèo và phân tầng xã hội gia tăng; thất nghiệp, tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông và ùn tắt giao thông ở các đô thị lớn, thực phẩm bẩn, ô nhiễm môi trường chưa có hồi kết; an ninh chính trị và hệ thống chính trị tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ổn định. Ở cấp địa phương, mỗi nơi có những vấn nạn như nêu trên với mức nặng nhẹ khác nhau nhưng có vài trường hợp bị đặt vào thế “ngã ba đường” và trong một ít vụ việc gần như bất lực với nó. Tuy không lạc “quan tếu”, khi đứng trước những bế tắt, con người đều có cách để tiến lên, thậm chí là làm lại từ đầu. Vấn đề chính ở chỗ, không được dễ dãi trong nhìn nhận vấn đề và phải “nói thẳng, nói thật”. Nền tảng của vấn đề thiếu vững chắc thì không thể xem vài kết quả là thành tựu được. Thực tế, bức tranh kinh tế - xã hội của cả nước hay từng đơn vị hành chính đều có những mảng sáng, tối và có màu nhạt nữa. Khi nói nhìn chung, phải chăng hầu hết các lĩnh vực của toàn bộ đời sống xã hội hay gần như toàn bộ các yếu tố của một lĩnh vực ấy căn bản đạt mức khá trở lên mới có thể xem là tốt. Đa phần gia đình đạt chuẩn (không phải tiêu chí với cách đánh giá hiện hành) văn hóa thì xã hội mới tốt, mới văn minh. Cũng như mọi người có nền nếp sắp hàng ở nơi công cộng thì xã hội mới trật tự. Xã hội Việt Nam đang trong trạng thái khập khễnh ở mỗi tế bào của nó. Nói cách khác, đất nước đang biến đổi sâu sắc và có lẽ còn khá lâu dài mới phát triển hài hoà, lành mạnh được. Để dễ hình dung, tất cả người tiêu dùng (thượng đế) và phần lớn người sản xuất, kinh doanh đều có chung một mong muốn là sử dụng hay làm ra thực phẩm chất lượng cao và an toàn, nhưng hiện thời còn đầy rẫy mặt hàng dỏm, bẩn.

Các nước đều đang tìm kiếm con đường hòa bình và phát triển thịnh vượng với các quan niệm và trạng thái khác nhau. Loài người đang đứng trước thời cơ mới của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hòa nhập lẫn nhau song trùng với thách thức khắc nghiệt của những tranh chấp và biến đổi khí hậu. Thế giới đang vươn đến “vương quốc tự do” trong trạng thái đầy những yếu tố bất định. Tất cả những nhân tố khách quan và chủ quan của thế giới nói chung và từng quốc gia nói riêng như đang trộn lẫn vào nhau và dội đến từng địa phương, ngay cả từng gia đình. Cũng cần nhận rõ rằng, trong lịch sử phát triển của xã hội, có những giai đoạn tăng tốc (các cuộc cách mạng) và những giai đoạn đình trệ, cả những lúc tụt lùi nhưng phần căn bản là những bước tiệm tiến, những nhịp bước đều trăm năm, ngàn năm cho một tương lai tươi sáng hơn, cho thế hệ sau tốt đẹp hơn. Đó là chuỗi vĩnh cửu của cuộc sống.

Thay cho nhận định chung chung với kế hoạch ít khả thi cùng với chỉ tiêu đồ sộ, mỗi một người và từng đơn vị cần kiên trì thực hiện những mong muốn cụ thể theo lộ trình nhất định với tiêu chí hôm nay tốt hơn hôm qua một chút và ngày mai tốt hơn hôm nay một chút nữa...

DÂN BIỆN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn