Định hướng để quân nhân xuất ngũ khởi nghiệp thành công

Cập nhật ngày: 21/02/2021 06:39:57

ĐTO - Đây là mô hình được Đảng ủy - Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Đồng Tháp triển khai thực hiện từ năm 2017 đến nay, giúp cho quân nhân sau khi rời quân ngũ về địa phương có được việc làm với mức thu nhập ổn định, góp phần xây dựng lực lượng dự bị động viên vững mạnh và sẵn sàng huy động thực hiện nhiệm vụ khi có yêu cầu.


Trường Cao đẳng nghề Số 9 (Quân khu 9) tư vấn, hướng nghiệp cho bộ đội chuẩn bị xuất ngũ tại Trung đoàn 320, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Tháp

Trăn trở từ thực tế

Năm 2017, Đảng ủy Quân sự tỉnh Đồng Tháp phối hợp cùng Ban Tổ chức Tỉnh ủy tổ chức hội thảo “Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động, hạn chế vi phạm kỷ luật, giải quyết việc làm cho lực lượng dự bị động viên và dân quân tự vệ” với sự tham gia của các đồng chí là Bí thư, Phó bí thư Đảng ủy Quân sự 12 huyện, thị, thành phố cùng các sở, ngành liên quan của tỉnh. Tại hội thảo, các đại biểu đã chỉ ra một thực trạng tồn tại từ nhiều năm, đó là phần lớn quân nhân sau khi xuất ngũ về địa phương phải đi làm ăn xa nên việc huy động tập trung huấn luyện hay thực hiện nhiệm vụ đột xuất gặp nhiều khó khăn. Đáng nói hơn, tỉ lệ đảng viên trong lực lượng này bị xóa tên, khai trừ khỏi Đảng chiếm tỉ lệ khá cao (tính từ năm 2013 - 2017, bình quân hàng năm có khoảng 46 đảng viên bị xóa tên, khai trừ khỏi Đảng).

Từ thực tế này, các đại biểu đã thảo luận, đưa ra nhiều giải pháp căn cơ, mà trọng tâm là làm thế nào để giải quyết tốt công ăn việc làm cho quân nhân sau khi xuất ngũ. Để làm được điều đó, Đại tá Trịnh Hoàng Phong - Chính ủy Bộ CHQS tỉnh cho rằng, các đơn vị phải có sự định hướng nghề cũng như việc làm cho bộ đội ngay từ khi còn tại ngũ.

Theo Trung tá Nguyễn Tuấn Anh - Chính ủy Trung đoàn 320, để việc định hướng hiệu quả, đơn vị đã lồng ghép vào chương trình giáo dục chính trị, tuyên truyền trên chương trình phát thanh nội bộ, gặp gỡ và đối thoại trực tiếp đối với các chiến sĩ nhằm tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, từ đó định hướng về ngành nghề, việc làm thu hút lao động tại thị trường trong tỉnh với điều kiện sinh hoạt làm việc tốt, mức lương hấp dẫn. Các mô hình sản xuất, kinh doanh, nuôi trồng cho lợi nhuận cao có thể áp dụng tại hộ gia đình, hay những mô hình khởi nghiệp thành công của thanh niên địa phương mở ra triển vọng phát triển kinh tế cho thu nhập bình quân ấn tượng cũng được lựa chọn giới thiệu.

Nói về dự định cho tương lai, Hạ sĩ Trần Phúc Hậu - Tiểu đoàn 502, Trung đoàn 320, Bộ CHQS Đồng Tháp tâm tình: “Dự định của tôi là học nghề điện lạnh, nếu không đi làm tại các cơ sở, doanh nghiệp được thì tôi sẽ mở tiệm làm tại nhà và cải tạo 3 công đất ruộng trồng mít Thái, chanh không hạt. Bởi từ các mô hình khởi nghiệp của các anh đi trước, tôi thấy rất hiệu quả, chi phí thấp, lợi nhuận kinh tế cũng ổn định”. Còn Hạ sĩ Lê Minh - Tiểu đoàn 502 cho biết sẽ học nghề hàn tiện và về làm tại địa phương, kết hợp thuê đất trồng kiểng công trình. “Lợi thế của quê tôi là hoa kiểng nên không lo chuyện đầu ra. Vừa làm nghề, vừa sản xuất kinh doanh, tôi nghĩ cuộc sống sẽ ổn định hơn đi làm xa nhà”, Hạ sĩ Lê Minh nói.

Truyền cảm hứng cho phong trào khởi nghiệp

Song song với tuyên truyền hướng nghiệp do các cơ quan, đơn vị tự tổ chức, hàng năm, Bộ CHQS tỉnh Đồng Tháp đều phối hợp với Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Đồng Tháp, Trường Cao đẳng nghề Số 9 tư vấn, giới thiệu học nghề giải quyết việc làm cho bộ đội chuẩn bị xuất ngũ. Đặc biệt, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh thường xuyên có những buổi nói chuyện với bộ đội về vấn đề này, từ đó đã truyền cảm hứng, tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ trong phong trào khởi nghiệp đối với quân nhân xuất ngũ.

Như anh Lê Long Hồ ngụ xã An Bình A (TP.Hồng Ngự), trước khi nhập ngũ, anh chủ yếu sống bằng nghề làm thuê theo mùa vụ tại địa phương với mức thu nhập chỉ tạm đủ sống. Thế nhưng chỉ hơn 3 năm sau khi xuất ngũ, cuộc sống của gia đình anh giờ đã có nhiều thay đổi nhờ vào cách làm ăn hiệu quả, mà bước đệm ban đầu không thể không kể đến đó là quá trình anh được tư vấn, hướng nghiệp khi còn tại ngũ. Anh Lê Long Hồ tâm sự: “Trước đây, qua tâm sự với Chỉ huy đơn vị về công việc sau này. Nhờ sự tư vấn của các anh, tôi đã tận dụng lợi thế vốn có ở địa phương là nuôi cá trong lồng bè. Ngoài ra, tôi còn tận dụng nguồn cá thương phẩm làm khô giao cho các bạn hàng trong và ngoài tỉnh. Hiện nay, mỗi năm tôi thu lãi từ 200 - 300 triệu đồng”.

Còn anh Nguyễn Hồng Quân ngụ xã Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười, sau khi được sự tư vấn, hướng nghiệp khi còn tại ngũ, với số vốn ban đầu gần 20 triệu đồng, anh chọn trồng chanh tàu chùm – giống chanh mới cho năng suất cao, công chăm sóc cũng như chi phí sản xuất thấp. Sau 1 năm rưỡi, 3 công chanh của anh Quân đã cho thu hoạch với lợi nhuận 200 triệu đồng mỗi năm từ việc bán trái và chiết nhánh bán cho các nhà vườn. Hay mô hình trồng các loại nấm của anh Trần Văn Đông (huyện Tam Nông) với diện tích gần 1.000m2 cho thu nhập bình quân 300 triệu đồng/năm; mô hình nuôi lươn thịt của anh Nguyễn Hoàng Luân (TP.Hồng Ngự) lợi nhuận mỗi năm trên 250 triệu đồng; mô hình trồng hoa kiểng kết hợp làm du lịch của anh Nguyễn Quốc Thịnh (TP.Sa Đéc) với thu nhập gần 200 triệu đồng/năm... Và còn rất nhiều mô hình khởi nghiệp thành công của quân nhân xuất ngũ, đóng góp không nhỏ vào quá trình phát triển kinh tế và giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động cũng là bộ đội xuất ngũ tại địa phương.

Đánh giá về hiệu quả của mô hình này, Đại tá Phạm Văn Mười - Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Qua khảo sát, bình quân mỗi năm có khoảng 20% quân nhân học nghề làm việc tại các doanh nghiệp, xí nghiệp trên địa bàn; hơn 50% quân nhân áp dụng những mô hình nuôi trồng, sản xuất, kinh doạnh tại hộ gia đình với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. “Nếu tính trong 5 năm (từ năm 2013 - 2017), tỉ lệ đảng viên trong lực lượng dự bị động động viên bị xóa tên, khai trừ khỏi đảng chiếm trên 22% so với tỉ lệ kết nạp, thì đến nay con số này đã giảm chỉ còn dưới 10%. Việc huy động, kiểm tra sẵn sàng động viên, huấn luyện, diễn tập hàng năm đối với lực lượng này đạt trên 95%. Ngoài tham gia phát triển kinh tế ở địa phương, lực lượng dự bị động viên còn đóng vai trò quan trọng trong phòng, chống khắc phục thiên tai, đảm bảo quân số tham gia huấn luyện hàng năm và sẵn sàng động viên khi có tình huống”, Đại tá Phạm Văn Mười thông tin thêm.

Trúc Mai

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn