KỶ NIỆM 40 NĂM THÀNH LẬP HUYỆN THÁP MƯỜI (5/1/1981 - 5/1/2021)

Huyện Tháp Mười: Một tầm nhìn xa, hai đột phá, một khâu then chốt và một “sợi chỉ đỏ”

Cập nhật ngày: 06/01/2021 09:55:49

Tháp Mười được thành lập vào ngày 5/1/1981, là huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Đồng Tháp. Qua 40 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Tháp Mười đạt nhiều thành tích nổi bật, nhất là được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới vào năm 2000 và được công nhận đạt chuẩn Huyện nông thôn mới vào năm 2020.


Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Tháp Mười nhiệm kỳ 2020-2025

Một trong những dấu ấn trong phát triển kinh tế của huyện Tháp Mười là sản xuất nông nghiệp. Nếu như sản lượng lúa vào năm 1982 của địa phương này chỉ đạt 50.000 tấn, bình quân lương thực đầu người đạt 300kg lúa/năm thì đến năm 2020 sản lượng lúa đạt 732.000 tấn, bình quân lương thực đầu người đạt 5.500kg lúa/năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 1990 chưa đến 1 triệu đồng thì đến năm 2020 đạt 55 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh, từ tỷ trọng khu vực nông – lâm - thủy sản chiếm trên 90%, khu vực công nghiệp - xây dựng và thương mại- dịch vụ chiếm chưa đến 10% thì nay đã chiếm gần 50%. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển rất mạnh, nhất là hạ tầng giao thông trên địa bàn. Trước đây từ huyện đi đến trung tâm tỉnh phải mất trên 3 giờ đồng hồ thì nay chỉ mất 30 phút. Đặc biệt, từ Tháp Mười đi đến TP.HCM mất gần 5 giờ đồng hồ thì nay chỉ mất trên 2 giờ đồng hồ. Riêng từ trung tâm huyện đi các xã phải mất hàng giờ thì nay chỉ tính bằng phút, có trên 80% nhà ở của nhà dân trong huyện có đường xe 4 bánh đi đến tận cổng nhà. Với sự quyết tâm vượt khó vươn lên và những thành tích vượt trội, huyện Tháp Mười được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới vào năm 2000 và được công nhận đạt chuẩn Huyện nông thôn mới năm 2020.


Một góc thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười (ảnh: T.Liệu)

Kết quả trên có thể cô đọng thành cụm từ: Một tầm nhìn xa, hai đột phá, một khâu then chốt và một “sợi chỉ đỏ”. Khi mới thành lập, trên địa bàn huyện chỉ có 1 cụm dân cư tập trung gần 100 nóc gia với cái chợ tại thị tứ Mỹ An, rải rác ở một số xã là chợ nhỏ với vài chục ngôi nhà ở chung quanh. Để chuẩn bị cho sự phát triển mạnh, lâu dài cần phải hình thành khu trung tâm huyện và các khu trung tâm xã làm hạt nhân. Năm 1985 - 1986 mặc dù còn rất nhiều khó khăn nhưng huyện đã mạnh dạn đầu tư san lấp mặt bằng trung tâm thị trấn Mỹ An trên 100ha và trung tâm các xã: Đốc Binh Kiều, Mỹ An, Mỹ Đông, Mỹ Quý mỗi xã gần 5ha với khối lượng đào lắp trên 2 triệu m3 đất. Lúc đó, nhìn gần chục chiếc xáng thổi tự hành, ống xả dài hàng trăm mét hoạt động ngày đêm, thấy Tháp Mười như một đại công trình. Nhờ sự chuẩn bị từ xa này mới hình thành được thị trấn Mỹ An và các trung tâm xã đẹp, sầm uất như ngày nay. Khi đầu tư xây dựng chợ mới, hình thành nên phố chợ và các khu dân cư tại thị trấn Mỹ An trên mặt bằng trước đây, huyện đã thu được nguồn ngân sách khá lớn từ nguồn tiền sử dụng đất để đầu tư cho các trung tâm xã còn lại. Năm 2010, thị trấn Mỹ An được công nhận đạt tiêu chí đô thị loại IV, vài năm sau, trung tâm xã Trường Xuân được công nhận đạt tiêu chí đô thị loại V, gần 50% trung tâm xã còn lại đang tiếp cận một số tiêu chi đô thị loại V.

Về 2 khâu đột phá, đến nay, huyện Tháp Mười có trên 96% diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới tiêu bằng điện trên cơ sở hình thành 130 tiểu vùng gắn với trạm bơm điện tập trung. Trạm bơm điện không chỉ để giải quyết khâu tưới tiêu mà còn là điều kiện để thâm canh tăng vụ, chuyển dịch cơ cấu vật nuôi cây trồng. Làm trạm bơm điện phải kéo điện nên có điện cho dân sử dụng, làm đê bao cũng là đường giao thông, cũng là nơi để lắp đặt ống nước nên đã góp phần cho trên 90% hộ dân được sử dụng nước máy. Trạm bơm điện còn giúp tăng năng suất lao động trong nông nghiệp, hỗ trợ cho chuyển dịch cơ cấu sản xuất, cơ cấu lao động, các tiểu vùng trạm bơm điện còn là mô hình sống chung với lũ góp phần hình thành làng mới ở nông thôn. Còn nhớ trước đây, khi đến mùa vụ phải huy động hàng ngàn máy bơm với cả chục ngàn nhân công để vận hành bơm nước thì nay chỉ cần hơn trăm người đi ấn mấy các nút điện là đã đảm bảo khâu tưới tiêu cho mấy chục ngàn ha. về chợ, trước đây, khi nói đến huyện Tháp Mười là nghĩ ngay đến huyện thuần nông, độc canh cây lúa. Muốn phá thế thuần nông có nhiều cách làm, trong đó giải pháp phát triển thương mại - dịch vụ là lựa chọn đầu tiên. Để có thương mại - dịch vụ thì phải có chợ mà muốn xây chợ thì phải có kinh phí trong khi ngân sách nhà nước không có khoản kinh phí đầu tư xây dựng chợ. Không “bó tay” trước khó khăn này, huyện đã vận dụng phương châm “Lấy chợ nuôi chợ”. Từ sự thành công tự lực xây dựng chợ Tháp Mười, huyện đã đẩy nhanh xây dựng các chợ xã còn lại. Mô hình chợ ở huyện Tháp Mười không chỉ là nhà lồng chợ với các quầy, sạp để tiểu thương mua bán mà là chợ kết hợp nền phố chợ, tạo nên như một khu thương mại - dịch vụ.


Đầu tư phát triển các trạm bơm điện phục vụ sản xuất nông nghiệp được xem là khâu đột phá của huyện Tháp Mười

Quá trình phát triển của huyện Tháp Mười có vai trò quyết định của đội ngũ cán bộ. Nhìn vào sự tận tâm, tận lực của đại bộ phận 365 lượt Ủy viên Ban Chấp Đảng bộ huyện của 10 nhiệm kỳ qua từ năm 1981 - 2020 và cùng với sự làm việc, hoạt động có trách nhiệm, hiệu quả của hàng ngàn cán bộ, đảng viên mới thấy hết vai trò quyết định của cán bộ. Tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, sáng tạo, quyết tâm vượt khó, sát dân, sát việc, lấy hiệu quả làm thước đo công việc luôn thường trực trong suy nghĩ và hành động của đội ngũ cán bộ suốt 40 năm qua ở huyện Tháp Mười. “Ý Đảng và lòng Dân” là “sợi chỉ đỏ” trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành luôn hướng đến mục đích đem lại lợi ích cho người dân. Từ sản xuất nông nghiệp cho đến phát triển công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đều nhằm để không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân trong huyện. Xét về thu nhập, điều kiện sản xuất kinh doanh, môi trường sống có thể nói người dân Tháp Mười đã biến ước mơ thành sự thật.

Đáp lại chủ trương, chương trình hành động, kế hoạch của Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội, các tầng lớp Nhân dân trong huyện đã đồng tình, hăng say lao động sản xuất kinh doanh, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng huyện. Những ai đã từng chứng kiến cảnh người dân dầm mình dưới đồng nước để dọn cỏ, móc đất be bờ cho từng vụ lúa trong khai hoang, tăng vụ cho đến việc hiến đất, góp công, góp của đào kinh, làm đê bao, làm đường giao thông, kéo điện. Bà con tiểu thương thức cả đêm để di dời hàng hóa từ chợ cũ sang chợ mới, các thôn nữ ra chợ mua bán cả năm trời vẫn còn bỡ ngỡ với cái nghề “làm dâu trăm họ “ để có ngày hôm nay là những cánh đồng lúa được cơ giới hóa, điện khí hóa gần 100%; có nhà lồng chợ kiên cố, có cửa hàng, cửa hiệu 2-3 tầng lầu mới thấy hết mối quan hệ giữa Đảng với Nhân dân.

Nhìn lại 40 năm vượt khó thành công, vừa để lòng thêm niềm vui sướng tự hào, vừa để suy nghĩ về phương hướng, nhiệm vụ, cách làm để đưa huyện tiếp tục phát triển đi lên. Con đường phía trước của huyện có thuận lợi, nhưng cũng đầy khó khăn, thách thức. Song với những chủ trương, giải pháp phù hợp, sát với thực tiễn địa phương, sự đoàn kết và thống nhất hành động của các cấp ủy, chính quyền và Nhân dân trên địa bàn, huyện Tháp Mười sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành tựu hơn nữa trong thời gian tới.

PHAN VĂN LÂM

(Nguyên Bí thư Huyện ủy Tháp Mười)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn