Khảo sát tình hình chuyển nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản ở 2 huyện Tháp Mười, Cao Lãnh

Cập nhật ngày: 19/03/2019 18:02:15

ĐTO - Ngày 19/3/2019 Đoàn công tác của Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh do ông Trần Anh Dũng – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn đã đến huyện Tháp Mười khảo sát tình hình chuyển nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản.

Đoàn công tác HĐND tỉnh khảo sát công trình đường ĐT. 850, đoạn xã Mỹ Đông

Trong giai đoạn từ năm 2016-2018, huyện Tháp Mười triển khai khảo sát, lập phương đền bù 6 dự án. Trong đó, có 2 dự án triển khai thực hiện đang vướng giải phóng mặt bằng làm ảnh hưởng đến công tác giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, dẫn đến chuyển nguồn sang năm sau.

Đó là dự án Hạ tầng giao thông kết nối hạ tầng du lịch và nông nghiệp (Đường ĐT 856), đã có 13/15 hộ nhận tiền, đạt hơn 90%, còn lại 2 hộ chưa nhận tiền, lý do có khiếu nại và không thống nhất về giá bồi thường đất. Đối với dự án Hạ tầng Khu công nghiệp Tân Kiều đã chi trả đạt 85%.

Giai đoạn năm 2016-2018, do huyện chưa có bản đồ lưới, chưa số hóa hồ sơ địa chính nên công tác đo đạc thu hồi đất còn tốn nhiều thời gian; công tác trích đo thu hồi đất của các đơn vị tư vấn còn sai sót, dẫn đến chậm tiến độ thực hiện bồi thường cho dân; phương án giải phóng mặt bằng không rõ, không khả thi nên không triển khai thực hiện xong phải chuyển nguồn vốn.

UBND huyện Tháp Mười kiến nghị UBND tỉnh và các ngành chức năng xem xét lại quy định để có hướng tính chi phí tôn cao nền (phần san lấp mặt bằng) cho hộ dân bị thu hồi đất để giải quyết vướng mắc trong giải phóng mặt bằng thực hiện dự án; việc phân bổ nguồn vốn cần sớm hơn và không cao hơn nguồn vốn dự toán để huyện triển khai thực hiện dự án kịp thời, tránh tình trạng phải chuyển nguồn vốn sang năm sau.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Anh Dũng cho biết, qua khảo sát việc chuyển nguồn vốn sang năm sau của huyện Tháp Mười có nguyên nhân là việc phân bổ nguồn vốn trễ vào cuối năm và lại phân bổ nguồn vốn dư. HĐND tỉnh sẽ xem xét, rà soát lại vấn đề này để có giải pháp cho thời gian tới.

Buổi chiều cùng ngày, đoàn công tác đã đến làm việc với UBND huyện Cao Lãnh. Từ năm 2016-2018, huyện Cao Lãnh có tổng vốn đầu tư hơn 177 tỷ đồng, trong đó chuyển nguồn vốn gần 39 tỷ đồng. Huyện gặp một số vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện Quyết định số 13 ngày 11/4/2017 của UBND tỉnh trong công tác khảo sát, lập phương án đền bù, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư.

Đoàn công tác Thường trực HĐND tỉnh làm việc với huyện Cao Lãnh

Cụ thể, một số phương án đã lập xong nhưng người bị thu hồi đất không đồng ý thu hồi đất thì phải chờ đủ thời gian mới phê duyệt phương án làm ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng mặt bằng; giá đất bồi thường của một số dự án chưa sát với thực tế, người dân chưa thống nhất nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng nên làm chậm tiến độ thực hiện dự án.

Huyện Cao Lãnh kiến nghị UBND tỉnh ủy quyền cho huyện thông báo và thu hồi đất theo danh mục kế hoạch sử dụng đất hàng năm (hiện nay ủy quyền từng dự án riêng lẻ) để giảm bớt thời gian; xem xét quy trình thẩm định, trình duyệt giá đền bù theo Thông tư số 36 của Bộ Tài nguyên và Môi trường theo hướng rút gọn.

Thay mặt đoàn công tác, ông Trần Văn Hiếu – Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đề nghị UBND huyện Cao Lãnh quan tâm đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng; chỉ đạo các bộ phận chuyên môn thận trọng, chính xác trong thực hiện công tác đền bù; quan tâm công tác quản lý đất đai, cắm mốc lộ giới giao thông. Đồng thời tiếp tục phát huy các cách làm mới có hiệu quả trong công tác này của huyện thời gian qua.

Thanh Trúc

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn