Một số vấn đề đặt ra đối với công tác tuyên giáo

Cập nhật ngày: 01/08/2018 09:50:22

Chúng ta đang sống trong một thời đại liên tục biến đổi, thời đại công nghiệp 4.0. Khi người ta chưa kịp định hình cái đã có thì nó đã thoái trào và xuất hiện cái khác mới hơn. Trước những diễn biến nhanh chóng, đòi hỏi công tác tuyên giáo phải thích ứng, phải xoay trở nhanh, tìm ra nhiều phương thức hoạt động phù hợp với tình hình. Điều đó đặt ra yêu cầu đối với công tác tuyên giáo là phải nhanh nhạy, hiệu quả, thuyết phục, bám sát thực tiễn. Nhanh nhạy để thích ứng diễn biến tình hình, nhạy bén ứng phó, hoạt động có hiệu quả, có chất lượng, có chiều sâu và gắn với đời sống xã hội.

Trong thời gian qua, toàn ngành Tuyên giáo đã tích cực làm tốt vai trò tham mưu, phối hợp thực hiện công tác tuyên giáo, góp phần ổn định tình hình an ninh tư tưởng - chính trị của Đảng. Tuy nhiên, có nhiều vấn đề đặt ra đối với công tác tuyên giáo mà đòi hỏi ngành Tuyên giáo phải kiên trì giải quyết. Công tác thông tin, tuyên truyền chưa đi vào chiều sâu, sức thuyết phục chưa cao và chưa được quan tâm thực hiện thường xuyên.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hạn chế trên, trước hết là do một số cấp ủy địa phương, đơn vị lãnh đạo, chỉ đạo chưa tập trung, nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng của công tác thông tin, tuyên truyền. Mặc khác, lực lượng làm nhiệm vụ tuyên truyền (báo cáo viên, tuyên truyền viên) tuy đông nhưng hoạt động chưa chất lượng, chưa đều tay, phần lớn còn hạn chế về kiến thức, kỹ năng,... nên tuyên truyền, vận động chưa thuyết phục.

Công tác thông tin, tuyên truyền là sự giao tiếp, trao đổi, tác động hai chiều, vừa nắm tâm tư, nguyện vọng, vừa giải thích, cổ vũ, động viên người dân tích cực tham gia kiến tạo địa phương. Lực lượng tuyên truyền viên ở cơ sở chủ yếu trong các tổ chức chính trị - xã hội, cho nên các tổ chức này phải chỉ đạo, định hướng hoạt động cho đội ngũ tuyên truyền viên thực hiện công tác tuyên truyền thông qua sinh hoạt định kỳ của tổ chức mình (chi, tổ hội, câu lạc bộ,...).

Ban Tuyên giáo cơ sở phải chủ động cung cấp thông tin cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên để thông tin, tuyên truyền đến người dân kịp thời. Việc cung cấp thông tin phải được khai thác từ nhiều nguồn: Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trang thông tin điện tử Tuyên giáo Đồng Tháp, Cổng thông tin điện tử tỉnh, Báo Đồng Tháp, Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp,... Đây là những nguồn thông tin chính thống cần cung cấp cho người dân kịp thời để định hướng dư luận, tư tưởng - chính trị, các giá trị sống tốt đẹp; đồng thời phê phán những tiêu cực trong xã hội, phản bác những thông tin, quan điểm sai trái gây tác động xấu đến xã hội.

Việc nắm tình hình tư tưởng, tâm trạng, dư luận xã hội đôi khi chưa kịp thời, mặc dù từ tỉnh đến cơ sở đều có lực lượng cộng tác viên dư luận xã hội. Đội ngũ này hoạt động chưa đều tay, một số chưa làm tốt vai trò, trách nhiệm, nhất là nắm tình hình tư tưởng, tâm trạng, dư luận xã hội chưa đầy đủ, phân tích, xử lý thông tin còn hạn chế và tham mưu cấp ủy chỉ đạo, giải quyết chưa kịp thời. Muốn nắm bắt nhanh nhạy, kịp thời tình hình tư tưởng, dư luận xã hội đòi hỏi cộng tác viên phải có những biện pháp, cách thức, nhất là phải gần dân, lắng nghe dân và sát cơ sở.

Đảng ta khẳng định xây dựng văn hóa, con người là nền tảng tinh thần của xã hội. Tuy nhiên, việc xây dựng văn hóa (theo tiêu chí nông thôn mới), chúng ta chỉ mới xây dựng “cái vỏ bọc” bên ngoài mà chưa chú trọng xây dựng “cái hồn” bên trong. Nói cách khác, chúng ta chỉ lo xây dựng cơ sở vật chất văn hóa, nhưng việc khai thác, sử dụng, quản lý chưa hiệu quả. Chúng ta cần dùng truyền thông để tạo ra sự thay đổi trong xã hội theo hướng tích cực, tiến bộ, nhất là xây dựng văn hóa trong cộng đồng, văn hóa trong ứng xử, xây dựng đạo đức xã hội,... Phát triển kinh tế phải đi đôi với phát triển văn hóa tinh thần, lấy phát triển văn hóa làm nền tảng, làm động lực phát triển kinh tế, có như vậy xã hội mới phát triển bền vững và phát triển nhanh.

Trước khi muốn thay đổi xã hội, thì mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là đội ngũ cán bộ tuyên giáo phải tự biết cách thay đổi chính mình và cộng đồng xung quanh mình, trước hết phải gương mẫu. Có như vậy công tác thông tin, tuyên truyền mới có sức thuyết phục, hiệu quả, củng cố được niềm tin của nhân dân đối với Đảng, hệ tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ nghĩa Mác-Lênin trở thành hệ tư tưởng nền tảng trong xã hội. Đó là một số vấn đề đặt ra đối với công tác tuyên giáo trong tình hình hiện nay.

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn