UBND huyện Tháp Mười trả lời kiến nghị của cử tri

Cập nhật ngày: 11/12/2020 09:59:37

ĐTO - Cử tri xã Mỹ Quí, huyện Tháp Mười đề nghị cơ quan chức năng có giải pháp tiến hành vận chuyển, xử lý rác thải là bao bì thuốc bảo vệ thực vật của bà con nông dân tại các điểm tập kết hiện nay đã quá tải, tràn lan ra bên ngoài, gây ô nhiễm môi trường.

Về vấn đề này, UBND huyện Tháp Mười thông tin, đầu năm 2020, huyện đã báo cáo về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh số lượng rác bao bì thuốc bảo vệ thực vật là 15 tấn. Tuy nhiên, đến tháng 9/2020, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh vận chuyển 4,8 tấn rác bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã thu gom tại xã Trường Xuân, các xã khác còn lại chưa vận chuyển đi xử lý.

UBND huyện đã chỉ đạo ngành chuyên môn thực hiện các thủ tục thuê đơn vị có năng lực xử lý rác bao bì thuốc bảo vệ thực vật để vận chuyển hết lượng rác bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã thu gom.

Cử tri xã Thanh Mỹ đề nghị ngành chức năng nghiên cứu, tìm biện pháp giúp người dân điều trị bệnh xơ đen trên cây mít, tránh ảnh hưởng đến sản xuất và thiệt hại về kinh tế cho nông dân.

UBND huyện Tháp Mười cho biết, bệnh xơ đen trên mít là loại bệnh thường phát sinh gây hại nặng vào mùa mưa từ tháng 7 đến tháng 10 hàng năm. Đến thời điểm hiện nay, các nghiên cứu của các Viện, trường cho thấy có nhiều tác nhân gây bệnh khác nhau như: do nấm, vi khuẩn, các yếu tố dinh dưỡng... tuy nhiên, chưa tìm ra tác nhân chính gây bệnh. Do đó, để giảm tỷ lệ trái mắc bệnh trên vườn, bà con nông dân có thể áp dụng các giải pháp sau để phòng trị bệnh.

Cụ thể, biện pháp canh tác đất: trồng mít phải thoát nước tốt, hạn chế ngập úng trong mùa mưa; lên liếp, đắp mô cao từ 40-70 cm; trồng với mật độ phù hợp (4m x 5m); tỉa cành tạo tán thông thoáng; bón phân cân đối giữa N-P-K tăng cường phân hữu cơ, không nên bón thừa phân đạm; tăng cường bón vôi vào thời điểm đầu và cuối mùa mưa.

Biện pháp cơ giới vật lý, quản lý tốt côn trùng gây hại trên trái, tránh tạo vết thương cơ giới trên trái; sử dụng ly nhựa bao quanh hoa cái lúc chưa nhận phấn cho thấy giảm hiện tượng xơ đen 1 cách đáng kể; bao trái, dùng chất liệu nhựa để bao trái vào thời điểm phát hoa vừa xuất hiện để hạn chế nước mưa thấm vào và làm rửa trôi hạt phấn ảnh hưởng đến sự đậu trái và sự lây lan của mầm bệnh.

Biện pháp sinh học, sử dụng nấm đối kháng trichoderma để kiểm soát bệnh mầm bệnh trong đất. Biện pháp hóa học, phun thuốc phòng trị vi khuẩn vào toàn cây, đặc biệt vào cuống và mầu trái. Thuốc phải phun ít nhất 3 lần vào các thời điểm: có cựa gà, trước và sau khi ra trái; nên sử dụng thuốc gốc đồng có hoạt tính cao và hiệu lực kéo dài như: Champion (Copper Hydrocide) với nồng độ 0,15% hoặc Avalon, Starner, Xantoxin... để phòng trừ bệnh.

Nhật Anh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn