Giáo dục và đào tạo phát triển theo hướng nâng cao chất lượng

Cập nhật ngày: 02/01/2020 05:49:52

ĐTO - Với sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, trong năm 2019, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) đã đạt được những kết quả tốt trên lĩnh vực nâng cao chất lượng các cấp học, ngành học. Số lượng học sinh giỏi Quốc gia luôn duy trì tốp đầu trong khu vực, điểm bình quân các môn thi THPT Quốc gia nằm trong tốp 20 cả nước, nhiều chỉ tiêu của Đề án Nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 đã đạt và vượt...


Cán bộ quản lý tham gia tập huấn tiếp cận với mô hình phát triển năng lực tư duy cho học sinh

Thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm được giao trong lĩnh vực GD&ĐT, toàn ngành đã quán triệt đến đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh những nội dung nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, các nhiệm vụ trọng tâm trong lĩnh vực GD&ĐT. Ngành GD&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh, phối hợp cùng với các sở khảo sát thực tế hiện trạng mạng lưới trường, lớp học, từ đó có đề nghị, bổ sung danh sách các đơn vị trường, lớp học cần thiết phải đầu tư đảm bảo thực hiện các đề án, chương trình trọng tâm của Bộ GD&ĐT. UBND tỉnh, các sở đã có các bước xem xét, cân đối các nguồn vốn đầu tư cho hoạt động GD&ĐT trong tỉnh. Các nguồn vốn được xem xét, đầu tư lĩnh vực GD&ĐT phù hợp với nhu cầu với thực tế, phục vụ nâng cao chất lượng như Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2019 - 2025; đầu tư trang thiết bị, phần mềm, tài liệu, sách tham khảo phục vụ dạy và học ngoại ngữ tại các trường phổ thông trong lộ trình đạt chuẩn Quốc gia, trường dạy 2 buổi/ngày và các trường xây dựng đơn vị điển hình về đổi mới dạy và học ngoại ngữ; lộ trình dự án “Mua sắm thiết bị dạy học ngoại ngữ các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp”...

Ngành GD&ĐT tổ chức quản lý và khai thác phần mềm quản lý ngân hàng đề thi áp dụng cho 43 trường THPT và tiếp tục thực hiện phần mềm chấm thi trực tuyến cho các trường THPT và THCS trong năm 2019. Bước đầu triển khai thí điểm ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong tổ chức dạy học ngoại ngữ trực tuyến cho 10 trường THPT. Bồi dưỡng nâng cao trình độ ứng dụng CNTT (có nhiều chuyên đề) cho giáo viên Tin học và giáo viên cốt cán các môn khác, sau đó lực lượng này sẽ tập huấn lại cho tất cả giáo viên bộ môn, giáo viên khác. Nâng cao năng lực ứng dụng CNTT đáp ứng chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11/3/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông, kỹ năng đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, kỹ năng khai thác sử dụng có hiệu quả các phần mềm quản lý trong nhà trường. Trong hoạt động khảo thí, kiểm định chất lượng, Sở GD&ĐT tuân thủ đúng quy trình của Bộ GD&ĐT trong các kỳ thi Quốc gia; thi kiểm tra học kỳ. Sau mỗi kỳ thi, các phòng chuyên môn đều đánh giá kết quả thực chất đối với từng bộ môn. Đối với những môn có điểm trung bình môn chưa đáp ứng được yêu cầu, phòng chuyên môn, Hội đồng bộ môn sẽ có các giải pháp hỗ trợ thích hợp. Hoạt động của Hội đồng bộ môn các cấp học được duy trì thực hiện hiệu quả. Với việc tổ chức thường xuyên và định kỳ các hoạt động thao giảng, hội giảng thường xuyên hoặc theo chuyên đề, giúp Ban giám hiệu, giáo viên bộ môn toàn tỉnh tiếp cận với những nội dung, hình thức giảng dạy mới, góp phần đảm bảo chất lượng giáo dục đối với từng cấp học, ngành học.

Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT tăng cường công tác phân cấp trong hoạt động quản lý, kiểm tra, giám sát các hoạt động chuyên môn cùng các hoạt động khác. Trong năm 2019, Sở GD&ĐT tổ chức nhiều đợt thanh tra, kiểm tra thường xuyên về chuyên môn, nội dung chương trình, các hoạt động thu, chi theo quy định. Trong năm 2019, Sở GD&ĐT đã thanh tra các khoản thu đầu năm tại 3 đơn vị Phòng GD&ĐT, 14 trường gồm Mầm non, Tiểu học, THCS, THPT tại các địa bàn TP.Cao Lãnh, TP.Sa Đéc và huyện Cao Lãnh. Đồng thời kiểm tra về công tác quản lý tài chính tại 5 trường THPT, 1 Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Kỹ thuật hướng nghiệp tỉnh... Sở GD&ĐT đã phối hợp với các ngành thanh tra công tác dạy thêm, học thêm tại TP.Cao Lãnh, TP.Sa Đéc, công khai kết quả thanh kiểm tra với các đơn vị được phân cấp trong quản lý để đơn vị có các giải pháp chấn chỉnh kịp thời những hạn chế tại địa bàn.

Bên cạnh đó, ngành GD&ĐT phối hợp với các sở, ngành trong việc tăng cường kỹ năng mềm cho học sinh, tổ chức thành công các chương trình tập huấn mô hình trải nghiệm, phát triển tư duy cho học sinh. Tập trung thực hiện triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục triển khai đúng hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và phù hợp với thực tế địa phương. Sở GD&ĐT tăng cường công tác hội nhập quốc tế trong lĩnh vực GD&ĐT qua việc ký kết nhiều văn bản ghi nhớ, thỏa thuận đối với các đối tác nước ngoài và triển khai thực hiện, tạo điều kiện cho học sinh, phụ huynh học sinh tiếp cận với các chương trình giáo dục các nước tiên tiến. Với sự kết nối của Sở GD&ĐT, toàn tỉnh hiện có các đối tác triển khai các chương trình dạy ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh, tư vấn du học tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức và Đài Loan...

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn