Cần phát triển tôm càng xanh theo chuỗi giá trị

Cập nhật ngày: 10/03/2018 06:32:27

ĐTO - Theo quy hoạch nuôi tôm càng xanh của tỉnh, đến năm 2020, tổng diện tích nuôi sẽ là 6.000ha, sản lượng đạt 9.600 tấn. Tuy nhiên, đến nay tình hình canh tác loại thủy sản này trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn.


Kiểm tra quá trình sinh trưởng của tôm

Ghi nhận của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trên địa bàn tỉnh, năm 2013 được xem là “thời hoàng kim” của mô hình nuôi tôm càng xanh với diện tích thả nuôi khoảng 1.200ha, đạt trên 87% kế hoạch năm và gần 20% quy hoạch. Theo đó, sản lượng thu được trên 1.000 tấn, tập trung nhiều tại các huyện có nghề nuôi tôm càng xanh phát triển như: Tam Nông, Lấp Vò, Cao Lãnh và TX.Hồng Ngự.

 Tuy nhiên, đến năm 2017, diện tích canh tác tôm càng xanh đã giảm đi đáng kể (4,57 lần), chỉ còn 248ha nuôi tôm, đạt 24,8% kế hoạch năm và chỉ đạt 4% quy hoạch năm 2020. Sở NN&PTNT nhận định, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu như nắng nóng kéo dài, nước lũ nhỏ và về muộn nên chất lượng nước không đảm bảo, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của tôm.

Ngoài ra, do sản xuất theo mô hình “tôm - lúa” nên việc thu hoạch tôm thường tiến hành đồng loạt trước khi lũ rút để gieo trồng vụ lúa đông xuân, dẫn đến việc sản lượng cung ứng cho thị trường cùng lúc quá lớn, dễ bị thương lái ép giá. Từ đó, nhiều nông dân nuôi tôm rơi vào tình trạng thua lỗ. Chưa dừng lại đó, trong những năm gần đây, sự phát triển nhanh của việc nuôi tôm càng xanh tại các tỉnh ven biển như Trà Vinh, Kiên Giang, Bến Tre với hình thức nuôi tôm bán thâm canh dẫn đến chi phí đầu tư thấp, chất lượng cao cũng là nguyên nhân khiến cho việc tiêu thụ tôm ở tỉnh ngày càng khó khăn.

Ứng phó với thực trạng sản xuất tôm càng xanh ngày một khó khăn, ngành nông nghiệp tỉnh nhà cũng đưa ra các giải pháp trong thời gian tới. Theo ngành nông nghiệp, hiện nay tỉnh cần tập hợp các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, phân tán thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, chi hội nghề nghiệp để tạo ra các vùng sản xuất nguyên liệu lớn. Qua đó, làm cơ sở liên kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, giảm bớt khâu trung gian. Ngoài ra, vận động khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, biện pháp quản lý tiên tiến, thân thiện với môi trường tại các vùng nuôi tôm tập trung, bố trí lịch thời vụ hợp lý...

Trước tình hình thực tế nuôi tôm càng xanh gặp nhiều khó khăn, các huyện: Tam Nông, Cao Lãnh, Thanh Bình, TX.Hồng Ngự có điều kiện phát triển tôm càng xanh đề xuất giữ lại một số diện tích nuôi. Riêng một số địa phương còn lại đề xuất không giữ lại diện tích theo quy hoạch. Theo tinh thần trên, diện tích nuôi tôm càng xanh trên địa bàn tỉnh sẽ giảm so với quy hoạch gần 2.200ha.

Theo định hướng phát triển tôm càng xanh, ngành nông nghiệp cũng kiến nghị UBND tỉnh điều chỉnh Quyết định số 1025 về việc phê duyệt quy hoạch nuôi tôm càng xanh của tỉnh đến năm 2020 nhằm tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất. Đồng thời mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và cũng phù hợp với Quyết định số 79 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động Quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025.

Y DU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn