Chanh, ổi, mít... “bén duyên” đất Thanh Mỹ
Cập nhật ngày: 22/06/2020 14:02:25
ĐTO - Những năm gần đây khi đê bao được xây dựng hoàn chỉnh, cùng với chủ trương chuyển đổi cây trồng, nhiều nông dân xã Thanh Mỹ, huyện Tháp Mười đã học hỏi, trồng khá hiệu quả các loại cây ăn trái như: chanh, xoài, ổi, mít,...
Những quả chanh bóng, đẹp được ông Nam thu hoạch giao cho thương lái
Mạnh dạn bỏ lúa trồng chanh
Được một cán bộ xã hướng dẫn, tôi tìm đến nhà ông Trần Văn Nam (56 tuổi) ở xã Thanh Mỹ. Ông Nam là một trong những hộ chuyển từ đất lúa sang trồng chanh khá hiệu quả và giàu lên từ chanh. Đang thu hoạch chanh bán cho thương lái, ông Nam nói: “Do dịch bệnh nên giá chanh giảm đáng kể. Thông thường mọi năm lúc này giá hơn 10.000 đồng/kg, nhưng nay chỉ còn 5.000 đồng/kg. Trồng cây gì cũng vậy, thị trường thời điểm nào thì chấp nhận thời điểm đó, nhưng cây ăn trái được cái lỗ vụ này còn bù lại vụ khác, còn làm lúa thì lãi thấp”.
Ông Nam có đất vườn và đất lúa là 19.000m2. Trước đây cũng như những hộ xung quanh, ông chỉ trồng lúa là chính, tuy nhiên giá lúa quá bấp bênh, làm khó tích lũy. “Tôi suy nghĩ đất mình rộng sao phải để cả nhà chịu cảnh này mãi. Vậy là tôi mạnh dạn tìm cây khác thay cây lúa. Tôi quyết định trồng thử cây chanh bông tím với 50 nhánh xen với vườn xoài cát chu. Thấy hiệu quả nên tôi lên liếp trồng luôn 5.000m2 chanh tới giờ. Nhờ liều nên mới có dư dã, cất nhà cửa nổi”, ông Nam tâm sự.
Cầm trên tay những trái chanh căn tròn, bóng đẹp, ông Nam nói với vẻ tự hào: “Để được những trái chanh như thế này phải cực công nhiều lắm nhưng bù lại chanh cho “quả ngọt” nên cũng không nề hà. Tính trung bình 5.000m2 chanh, mỗi tháng tôi thu hoạch khoảng 1 tấn trái, giá lúc tháng nắng có khi lên đến 23.000 đồng/kg, còn tháng mưa hay thị trường biến động thì khoảng 5.000 đồng/kg, nhưng bù qua đắp lại thì một năm cũng trên 200 triệu đồng. Còn làm lúa có mơ cũng không tới số này”.
Hiện vườn chanh 5.000m2 của ông Nam đã cho thu hoạch được hơn 3 vụ. Ông đang lấy ngắn nuôi dài, tiếp tục lên liếp trồng tiếp 8.000m2 chanh loại bông tím được hơn 9 tháng... Nhìn màu xanh bạt ngàn của vườn chanh mới chuyển đổi, ông Nam nhận định, năm sau cho thu hoạch, vài vụ lấy lại vốn chắc và chuyển tiếp 6.000m2 đất lên vườn luôn.
Vườn ổi của gia đình ông Nguyễn Ngọc Xuân
Ổi Nữ hoàng giúp thoát nghèo
Chuyển đổi từ đất lúa sang trồng cây ăn trái của nông dân tuy không xa lạ nhưng mỗi câu chuyện ở mỗi nơi đều có những điều mới mẻ khác nhau, bởi chính người trong cuộc mới biết được phải làm gì để thích hợp với hoàn cảnh, thời cuộc...
Việc chuyển đổi sang trồng ổi Nữ hoàng của ông Nguyễn Ngọc Xuân (65 tuổi) được xem là cách làm hiệu quả, phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình mình. Ông Xuân tâm sự: “Bây giờ nếu còn làm 3 công lúa chắc gia đình tôi chỉ đủ gạo ăn thôi còn việc học hành của con cái, nhà cửa chắc không dám nghĩ tới... Cũng may, 3 năm trước, tôi bắt nhịp cùng với anh em trong xóm lên vườn trồng ổi mới có thu nhập khá, có điều kiện lo cho con học hành, sửa sang nhà cửa khang trang như bây giờ”.
Theo ông Xuân, với vùng đất chỉ chuyên canh cây lúa thì chuyển qua trồng cây ăn trái cũng không phải dễ, nhưng khó cũng học chứ không phải bỏ. Chẳng hạn, đối với cây ổi Nữ hoàng, ban đầu ông cũng đâu biết gì về cách trồng, nhưng nhờ học hỏi anh em, bạn bè, rồi từ từ cũng quen và trồng có hiệu quả. Với 3 công ổi, khoảng 5-7 ngày ông hái trái một lần, mỗi lần từ 500-600kg, giá bán từ 5.000 – 12.000 đồng/kg. Một năm tính ra cũng được hơn 200 triệu đồng, so với làm lúa có thể lời gấp 5-6 lần.
Có lẽ với sự so sánh hiệu quả kinh tế như ông Xuân nên hiện nay nhiều diện tích trồng lúa của xã Thanh Mỹ đã chuyển sang trồng cây ăn trái. Theo lãnh đạo UBND xã Thanh Mỹ, khoảng 5 năm trở lại đây, nông dân đã chuyển đổi 415 ha đất trồng lúa sang trồng cây ăn trái chuyên canh mang lại hiệu quả kinh tế cao; nâng tổng diện tích trồng cây ăn trái toàn xã lên 620ha. Bên cạnh, việc chuyển đổi sang làm vườn thì hiện nay người nông dân cũng đã dần áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giúp giảm giá thành, tăng hiệu quả kinh tế...
Mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới bằng điện mặt trời
Hơn chục năm chuyển sang trồng chanh, nhận thấy được hiệu quả của việc làm vườn và ông Nguyễn Dương Tiễn cũng ngộ ra một điều rằng, đối với nông sản nói chung và cây ăn trái nói riêng, giá cả thị trường thì nông dân không quyết định được nhưng có thể tự tổ chức sản xuất, áp dụng những tiến bộ kỹ thuật, giải pháp tiết kiệm chi phí thì sẽ nâng hiệu quả kinh tế lên rất nhiều. Ông Tiễn đã mạnh dạn đầu tư luôn hệ thống tưới vườn bằng điện năng lượng mặt trời tưới hơn 12.000m2 vườn cây ăn trái của gia đình.
Ông Tiễn tính toán, với vườn chanh 5.000m2 hơn 10 năm tuổi, nếu tính vào thời điểm chanh có giá khoảng 23.000 đồng/kg, mỗi tháng hái hơn 1 tấn trái, tính ra mỗi năm thu trên 200 triệu đồng là ông rất nhanh lấy lại 100 triệu đồng đầu tư hệ thống điện mặt trời. “Làm cái này phải tính lâu dài chứ không phải một ngày, một tháng mà lấy lại vốn được. Tuy mức đầu tư cao nhưng nếu tính ra hiệu quả kinh tế thì hệ thống điện này được lợi nhiều lắm. Cụ thể là tôi tiết kiệm được nhân công tưới, thêm vào đó hệ thống này là đồng hồ điện hai chiều gắn trực tiếp với nguồn điện Quốc gia, nếu xài dư, lượng điện tự động hòa vào lưới điện, mỗi tháng bán điện lại cho lưới điện Quốc gia khoảng 480-500kg điện, từ đó giúp tăng hiệu quả kinh tế cho gia đình”, ông Tiễn chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Văn Khanh - Chủ tịch UBND xã Thanh Mỹ, việc chuyển đổi cây trồng trên địa bàn xã trong thời gian qua có bước tiến triển khá mạnh, hiệu quả kinh tế đem lại cao hơn so với trước đây chỉ độc canh cây lúa. Nhận thấy đây là mô hình phát triển kinh tế ổn định cho người nông dân nên hướng tới địa phương sẽ mạnh dạn vận động Nhân dân chuyển đổi từ diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái chuyên canh trên cơ sở xây dựng kế hoạch chuyển đổi hàng năm, phù hợp với điều kiện sản xuất của xã.
|
MN