Giá cá tra trượt dốc - Không chỉ vì dịch COVID-19
Cập nhật ngày: 20/06/2020 05:57:55
Giá cá tra đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang rớt mạnh đã dồn đẩy người chăn nuôi vào thế chân tường, trong khi đó khả năng hồi phục vẫn còn đầy trắc ẩn... Nhưng nguyên nhân không chỉ do ảnh hưởng dịch COVID-19.
Thu hoạch cá tra
Đã rớt và sẽ còn rớt...
Ông Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Sản xuất và Dịch vụ thủy sản Châu Thành (Đồng Tháp) cho biết, giá cá tra nguyên liệu dao động từ 18.000 - 18.500 đồng/kg, giảm sâu so với tháng 1/2020 (20.000 - 22.000 đồng/kg). Với giá này, người nuôi sẽ thua lỗ nặng. Bởi theo tính toán của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) giá thành cá tra nguyên liệu dao động 22.000 đồng/kg, nghĩa là người nuôi thua lỗ trên 3.000 đồng/kg, nhưng theo các chuyên gia kinh tế, hiện vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy cú trượt này dừng lại. Tại hội nghị bàn về tình hình sản xuất, tiêu thụ cá tra trong bối cảnh dịch COVID-19 do Bộ NN&PTNT tổ chức tại An Giang vào tháng 5/2020, đại diện Tổng cục Thủy sản đưa ra dự báo: “Ngành cá tra sẽ hồi phục vào quý III/2020”. Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Phú Son (Khoa Kinh tế - Đại học Cần Thơ), sớm nhất cũng đến cuối quý III/2020 mới có cơ may. Nhận định này được ông Son dựa trên phân tích khoa học. “Hiện 2 thị trường lớn nhất của cá tra Việt Nam là Mỹ và EU vẫn đang bị ảnh hưởng lớn bởi dịch COVID-19”- ông Son nhấn mạnh thêm - “Trong khi đó, sự hồi phục ở thị trường Trung Quốc- thị trường xuất khẩu lớn nhất của cá tra Việt Nam cũng chỉ mới có những dấu hiệu chưa thật sự khả quan. Đó là chưa kể đến cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ chưa hồi kết”.
Không chỉ do dịch COVID-19
Theo các chuyên gia, một trong những lý do dồn đẩy cá tra vào thế khó hiện nay không chỉ do dịch COVID-19. “Không ai chối bỏ tác động của dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến việc xuất khẩu là nguyên nhân chính kéo giá cá tra xuất khẩu sụt giảm từ 2,25-2,35 USD/kg vào tháng 1/2020 xuống còn 2-2,3 USD/kg và hiện nay gần như rất hẹp đầu ra”- ông Son nhấn mạnh - “Nhưng sự giảm sút của ngành hàng cá tra hiện nay không chỉ do dịch”. Theo ông Sơn, dịch COVID-19 chỉ là giọt nước cuối cùng làm tràn sự bất ổn trong nội tại của ngành hàng các tra. “Hạn năm 2020 kéo dài đã làm mặn ở mức độ cao (4-25 phần ngàn) đã khiến cho cá tra dễ bị nhiễm bệnh như: tuột nhớt, bỏ ăn, nổ mắt... vừa khiến giá thành chăn nuôi tăng vọt, vừa làm cá chậm lớn... Trong khi đó các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thì thiếu kho dự trữ và bảo quản để có thể đảm bảo việc duy trì thu mua cá nguyên liệu khi thị trường có vấn đề”. Theo các chuyên gia, điều này tiếp tục dồn đẩy cá tra đến bất lợi toàn tập. Không được thu mua đúng thời điểm, cá tra rơi vào cảnh “quá lứa” so với chuẩn chế biến phi lê xuất khẩu. Điều này không chỉ tự đánh mất cơ hội nối lại đầu ra khi xuất khẩu hồi phục, mà trước mắt còn dồn đẩy người nuôi vào nguy cơ thua lỗ nặng. Bởi kinh nghiệm từ các chuyên gia thủy sản và người nuôi các tra lâu năm cho thấy, khi đạt trọng lượng trên 1kg (quá lứa xuất khẩu), cá tiêu tốn nhiều thức ăn, nhưng tốc độ lớn bị chậm lại.
Manh nha đám cháy lớn
Để giải tỏa khủng hoảng đầu ra, tại 2 tỉnh thủ phủ cá tra là An Giang, Đồng Tháp, nhiều cơ sở chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ đã thông qua thương lái mang cá tra ra tuyến đường bán với giá 25-26 ngàn đồng/kg. Giá này không chỉ không mang lại cho người nuôi niềm vui, mà còn gieo vào lòng người có trách nhiệm nỗi buồn lo. ThS. Nguyễn Phước Tuyên – chuyên gia nghiên cứu độc lập nông nghiệp ở Đồng Tháp chia sẻ: “Với giá bán này, giá cá tra chỉ bằng một nửa giá trị 1kg dưa mắm”. Đây là so sánh đau lòng vì lâu nay ở ĐBSCL, dưa mắm là món có giá trị thấp trong danh sách thực phẩm thông dụng. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ toàn cục, câu chuyện mang cá thuộc mặt hàng chiến lược quốc gia ra bán bên lề đường, chỉ có thể mang tính chữa cháy vì không thể kham hết sản lượng lớn trong thực tế và càng không thấm vào đâu so với nạn nuôi tự phát gây mất cân đối cung - cầu đang phát triển nóng. Thực tế cho thấy, sau khi giá cá tra bước lên đỉnh, người nuôi lãi 2.000 - 3.000 đồng/kg, năm 2019, xuất hiện phong trào đào ruộng lúa, thậm chí kể cả đất vườn làm hầm nuôi cá tra. Theo thống kê của Tổng cực Thủy sản, chỉ trong 1 năm, diện tích nuôi cá tra của toàn vùng tăng lên 1.000ha. Đây là con số khổng lồ nếu nhìn ngược lại lịch sử phát triển của nghề nuôi cá tra. Cụ thể, trong 20 năm phát triển, toàn vùng ĐBSCL nuôi chỉ 5.025ha, nhưng chỉ trong năm 2019 diện tích tăng thêm 1.000ha. Đó là chưa kể đến tác động tiêu cực đến môi trường, có khả năng ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt và sức khỏe người dân kéo theo nếu không thực hiện tốt việc kiểm soát nước thải từ vùng nuôi tự phát này.
Cần có chiến lược xứng tầm
Đã có ý kiến gợi mở đầu ra cá tra bằng đề xuất khai thác thị trường nội địa, tạo ra thế đứng vững chắc trên cả hai chân trong và ngoài nước. Thực tế cho thấy đây là câu chuyện không dễ làm. Hơn chục năm trước, An Giang đã đi đầu khi tổ chức đoàn công tác đến nhiều địa phương quảng bá cá tra, nhưng sau đó nhanh chóng rơi vào im lặng. Có nhiều nguyên nhân, cơ bản là thiếu “đất” phát triển. “Để doanh nghiệp mạnh dạn triển khai thị trường trong nước, cần có chính sách khuyến khích”- ông Lê Chí Bình - Phó Chủ tịch Hiệp Hội Nghề nuôi và chế biến cá tra An Giang - phân tích - “Xuất khẩu, doanh nghiệp thu hồi vốn một lần trong thời gian ngắn. Nhưng khai thác thị trường trong nước, doanh nghiệp chẳng những không có được điều này mà còn phải gánh thêm nhiều thứ khác...”. Đó là chưa kể đến chi phí quảng bá. “Cá tra có chứa tiền omega 3, rất tốt cho sức khỏe người tiêu dùng. Nhưng là loài cá không có vảy, lại có mùi đặc trưng, nhất là những ấn tượng xấu về một thời nuôi cá bằng cầu “vệ sinh” nên không phải ai cũng biết chế biến ra món ngon và dễ dàng đón nhận”- GS.TS Võ Tòng Xuân (Đại học Nam Cần Thơ) nhấn mạnh thêm - “Vì vậy, rất cần có những cuộc quảng bá đầy đủ, khoa học”. GS. Xuân đưa ra dẫn chứng, để khai mở cá tra vào thị trường Mỹ, doanh nhân gốc Việt tại Mỹ đã bỏ tiền túi ra thuê đầu bếp nổi tiếng với giá rất cao chỉ để vị này trực tiếp làm ra các món cung cấp miễn phí cho người dự hội chợ ăn thử. “Nhà nước cần nghiên cứu, xem xét để hỗ trợ thỏa đáng, thiết thực và xứng tầm với sản phẩm chiến lược quốc gia”- GS. Xuân nhấn mạnh - “Chỉ khi như vậy cá tra mới có thể tìm được chỗ đứng vững chắc trên sân nhà và vươn ra biển lớn đúng với tiềm năng, lợi thế vị thế số một của Việt Nam trên toàn cầu ngay cả khi không có sự cố và kể cả khi có sự cố như hiện nay”.
Theo các nghiên cứu, với lợi thế về sông nước, thời tiết, khí hậu phù hợp với đặc tính sinh học, cộng với kinh nghiệm tích lũy từ nhiều năm qua trong toàn chuỗi từ sinh sản, chăm sóc cho đến chế biến, khai thác thị trường xuất khẩu... ĐBSCL được xem như “hoàng đế” trong ngành hàng cá tra trên phạm vi toàn cầu. Thực tế cho thấy, nghề nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu ở ĐBSCL được xác định là ngành hàng mang tính chiến lược Quốc gia. Sau 20 năm phát triển, hàng năm xuất khẩu cá tra mang về cho đất nước trên 2 tỷ USD và giải quyết việc làm ổn định cho khoảng nửa triệu lao động tại chỗ. |
Lục Tùng