Chú trọng quy hoạch vùng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Cập nhật ngày: 19/08/2015 11:14:24

Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020, thời gian qua, huyện Thanh Bình đã tập trung thực hiện nhiều chương trình ưu tiên cho phát triển sản xuất nông nghiệp nhằm tạo bước đột phá, mang lại giá trị thu nhập cao cho người dân.


Nuôi cá tra thương phẩm là một trong thế mạnh về sản xuất nông nghiệp của huyện Thanh Bình

Theo đó, giai đoạn 2014-2015, huyện Thanh Bình tập trung quy hoạch vùng trồng cây và cơ cấu lại các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực theo lợi thế từng địa phương. Cụ thể ngành lúa gạo, huyện đã và đang tập trung phát triển các vùng lúa chất lượng cao đạt 95% diện tích như: lúa Jasmine ở xã Bình Thành và thị trấn Thanh Bình; lúa Nhật ở Tân Mỹ; lúa mùa nổi tại vùng bãi bồi xã Tân Long..., đồng thời đang thí điểm sản xuất lúa VD20 trên diện tích 100ha theo tiêu chuẩn VietGAP tại Hợp tác xã nông nghiệp ấp An Thạnh (xã An Phong).

Bám sát kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Thanh Bình đã tập trung đẩy mạnh chuyển dịch nâng tỷ trọng trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản, giảm diện tích sản xuất lúa hè thu chuyển dịch sang hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày (ớt, bắp, mè) để tăng lợi nhuận. Đến năm 2015, tổng diện tích trồng màu và cây công nghiệp ngắn ngày trên địa bàn huyện ước đạt 6.004ha, tăng 1.561ha so với năm 2011.

Theo so sánh của huyện, trên nhiều diện tích được chuyển đổi đã đạt giá trị vượt trội. Hiệu quả có thể kể đến là mô hình trồng mè trên diện tích 1ha cho lợi nhuận từ 20 - 25 triệu đồng/vụ đối với vụ đông xuân, còn trồng lúa thì lợi nhuận của người nông dân chỉ khoảng 12-15 triệu đồng/vụ. Tương tự, trồng bắp và ớt lợi nhuận tăng gấp đôi so với trồng lúa. Hiện nay, huyện đang đầu tư phát triển hạ tầng vùng chuyên canh hoa màu 5 xã cù lao Tây, với diện tích 966ha, bước đầu tạo nhiều phấn khởi cho người dân.

Trong chăn nuôi, đáng chú ý là mô hình nuôi bò sinh sản mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho các gia đình. Cùng với đó, lĩnh vực thủy sản được đánh giá là phát triển nhanh trong những năm gần đây tại các khu vực bãi bồi. Việc xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn GAP trong ươn và nuôi cá tra thương phẩm được các công ty, doanh nghiệp, hộ dân quan tâm thực hiện, đến nay, toàn huyện có khoảng 83,61ha mặt nước nuôi cá tra đã được chứng nhận theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Sản lượng thủy sản bình quân hàng năm đạt 104.405 tấn, vượt 4.405 tấn so với kế hoạch.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Thật - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Bình, để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp đạt mục tiêu đề ra, huyện tiếp tục tập trung tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ sự cần thiết thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp là có lợi cho nông dân, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp; huy động vốn đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn; tập trung hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và chuyển giao khoa học công nghệ; phát triển thị trường, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống; cung cấp thông tin, dịch vụ. Tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết theo chuỗi giá trị, tập trung xây dựng thương hiệu, nhằm đưa sản phẩm hàng hóa nông sản vào tiêu thụ tại các doanh nghiệp, siêu thị, chợ đầu mối và các khu công nghiệp trên địa bàn.

Kim Ngân

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn