Ứng dụng kỹ thuật mới vào chuỗi giá trị toàn cầu
Cập nhật ngày: 19/08/2015 10:59:51
Nông nghiệp Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới, phát triển theo chiều sâu với quy mô lớn hơn, chất lượng và giá trị gia tăng cao hơn để hội nhập kinh tế quốc tế. Điều đó đặt ra yêu cầu về ứng dụng công nghệ cao, nhằm nâng cao hiệu quả, khả năng cạnh tranh, chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày một đa dạng của người tiêu dùng, đặc biệt đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu.
Tại hội thảo“Giải pháp ứng dụng kỹ thuật mới và công nghệ cao để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu”, KS.Võ Mầu - Trung tâm Công nghệ sinh học Nông nghiệp (ABC) cho rằng, làm nông nghiệp công nghệ cao không có gì cao siêu mà là làm lại những điều ông bà xưa đã tạo ra, tức là làm đất sạch, cây sạch và giải quyết nấm bệnh bằng các giải pháp sinh học, trong đó hạn chế dùng vôi để khử độc trong đất mà tùy vào từng loại đất có thể đưa vào các loại nấm phù hợp, có ích cho môi trường. Có thể làm cho đất sạch như nhiều trang trại thành công ở đồng bằng sông Cửu Long, Hasfarm đã làm được và với quy trình sản xuất rau, giá bán 90.000 đồng/kg.
Chia sẻ về hiện trạng của nền nông nghiệp hiện nay, chuyên gia về cơ khí và năng lượng nông nghiệp Phan Hiếu Hiền cho rằng, sản xuất manh mún và sản xuất thủ công là vòng lẩn quẩn của cơ cấu nông nghiệp hiện nay. Để tái cơ cấu nông nghiệp phải giải quyết đồng thời 2 vấn đề manh mún và thủ công. Theo đó, hai giải pháp được ông đưa ra để tăng thêm năng lượng cho tái cơ cấu nông nghiệp là cơ giới hóa và điện khí hóa bằng năng lượng tái tạo. Ông Hiền phân tích, vốn khởi đầu chắc không thiếu, kỹ thuật trong tầm tay người Việt, nhưng vấn đề lớn nhất là thực hiện. Phải có con người, có làm, có đối diện vấn đề, có rút kinh nghiệm, có cải tiến dần dần sẽ hiệu quả hơn. Ngành nông nghiệp đóng góp sản phẩm xuất khẩu hàng tỉ đôla, nhưng Phân viện Nghiên cứu sau thu hoạch của Trường Đại học Nông lâm TP.HCM chỉ vỏn vẹn mười mấy người và lo chưa có một chiếc máy kéo để thí nghiệm thì khó nói đến nghiên cứu cơ giới hóa, năng lượng tái tạo (gió, năng lượng mặt trời)... phục vụ ngành nông nghiệp. Trong khi Đức, Ấn Độ, Trung Quốc đang có bước tiến triển nhanh.
PGS.TS Hà Thanh Toàn - Hiệu trưởng Trường Đại học Cần thơ cho rằng, hiện nay sản xuất nông nghiệp có quy hoạch nhưng nửa vời, trong chiến lược của từng tỉnh có các giải pháp nhưng để tránh trùng lắp các sản phẩm giữa các tỉnh, hoạt động tư vấn của trường cho các địa phương lưu ý dựa vào thị trường, sản xuất theo nền nông nghiệp chất lượng cao. Muốn làm được thì vấn đề quan trọng là nguồn nhân lực, trường sẵn sàng hợp tác trong đào tạo, huấn luyện, nghiên cứu, cơ sở vật chất. Đặc biệt là phải phát triển nông nghiệp công nghệ cao phù hợp với yêu cầu thị trường.
Bên cạnh đó, một số ý kiến của chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao hiệu quả phải có sự liên kết giữa các vùng, miền lại với nhau, sản xuất sản phẩm công nghệ cao phù hợp với yêu cầu thị trường và tránh sự trùng lắp các sản phẩm giữa các tỉnh trong cùng một khu vực. Đặc biệt, vấn đề quan trọng để đảm bảo đầu ra cho các sản phẩm này là phải có các doanh nghiệp dẫn đầu giúp phát triển thị trường, kết nối cung cầu. Cần có chủ trương, chính sách đúng của Nhà nước để xúc tiến thương mại thực sự là giúp nông dân, nhà sản xuất... marketing nông sản Việt Nam ra ngoài tỉnh, khu vực và thế giới, chứ không chỉ dừng lại ở việc giới thiệu sản phẩm nông nghiệp thông qua các phiên chợ kéo hàng ngoại về kích thích nông dân tỉnh nhà xài tiền và hàng ngoại.
Đồng quan điểm này, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho rằng, muốn ứng dụng công nghệ cao thì cần có cơ chế, chính sách kích thích động lực, tạo ra sự “sẵn lòng” cho hợp tác xã, doanh nghiệp và nông dân để họ có điều kiện tham gia ứng dụng công nghệ cao cũng như quá trình tái cơ cấu nông nghiệp. Do đó, để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu trước tiên cần tái cấu trúc lại từ nông dân - doanh nghiệp đến thị trường. Ông cũng chia sẻ, Đồng Tháp đang tái cơ cấu dựa trên sự sẵn lòng của nông dân và doanh nghiệp, tạo động lực để thay đổi. Sản phẩm ra thị trường qua 3 khâu: ý tưởng sáng tạo, sản xuất và kỹ năng bán được sản phẩm.
MN