Có cơ may cho nhà đầu tư “ăn xổi ở thì”?

Cập nhật ngày: 09/01/2019 09:50:12

Những ngày cuối năm 2018 và năm 2019 chỉ mới bước qua vài ngày nhưng nền kinh tế toàn cầu đang chịu dồn dập những sức ép từ giá vàng tăng, giá dầu giảm, tỷ giá hối đoái của USD tăng, lãi suất Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ điều chỉnh, kể cả sự thay đổi chính sách thương mại từ các cường quốc như Mỹ, Nga, Trung Quốc khiến cho thị trường tài chính thế giới “giật lùi đỏ sàn” nhiều phiên. Dĩ nhiên, nền kinh tế nhỏ như Việt Nam cũng không tránh khỏi hệ lụy. Không quá khó để có thể truy tìm sự “bốc hơi” vài nghìn tỷ của những tỷ phú trên sàn chứng khoán. Và cũng không hiếm thông tin “giật gân” về sự thăng hoa của những người nhờ “cú ăn may” từ sự chao đảo của thị trường chứng khoán.


Sao Mai có nguồn thu dồi dào khi ký kết bán điện thành công với EVN

Những bất ổn từ kinh tế, chính trị ở một số quốc gia khiến thị trường tài chính thế giới “rung lắc” thì các mã chứng khoán ở các lĩnh vực bất động sản (BĐS), thủy sản, tài chính – ngân hàng thường ảnh hưởng nhiều nhất vì đây là những sản phẩm vô cùng chiến lược của giới tài phiệt xuyên lục địa. Ngược lại, nếu thị trường trở lại thế cân bằng thì những mã này lại “lên hương” rất nhanh. Không ai có thể đi đến tận cùng để phân tích vì sao nhưng thực tế thị trường đã diễn ra theo suy đoán của rất nhiều chuyên gia kinh tế. Có thể thấy, tình hình nuôi trồng – chế biến và xuất khẩu thủy sản trong nước đang rất tốt, nhu cầu thị trường xuất khẩu hàng nông thủy sản cũng khả quan nhưng các mã chứng khoán của ngành thủy sản lại “bê bết” trên sàn giao dịch.

Chấp nhận với sự trồi sụt “ngoài tầm với” của các mã chứng khoán BĐS, thủy sản, các nhà quản trị doanh nghiệp thuộc lĩnh vực kể trên lại rất an nhiên. Bản lĩnh bình tĩnh không màn đến “thế sự” mà chỉ chú tâm đến điều hành công ty để đảm bảo tỷ suất lợi nhuận tốt nhất và tăng trưởng ấn tượng nhất. Bởi, chính họ hiểu rằng, bản thân họ không có quyền điều tiết mã cổ phiếu vì “nếu nhúng tay vào” sẽ phạm luật. Lẽ đó, chẳng ai dại gì can thiệp khi tất cả đều do thị trường quyết định.

Còn về phần các nhà đầu tư nhỏ lẻ thì lại rất “phiền” doanh nghiệp. Văn hóa “đổ lỗi”, anh hùng bàn phím được dịp trút vào nhà quản trị hàng trăm câu hỏi chất vấn: “Tại sao – tại sao và tại sao giá cổ phiếu lại rơi tự do?”. Với cái tâm lẫn tầm nhìn của nhà quản trị, doanh nghiệp luôn thấu hiểu cho “sự búc xúc” các nhà đầu tư khi họ chọn mã để thử sức. Nhưng có mấy nhà đầu tư nào chia sẻ với nhà quản trị tìm giải pháp tránh “sóng” khi thị trường chứng khoán toàn cầu “chao đảo” không? Vì vậy, có thể nói rằng nhà đầu tư và doanh nghiệp đang “đồng sàn - dị mộng” cũng chẳng sai chút nào.

Suy cho cùng, cổ phiếu cũng như một món hàng được lưu hành trên thị trường chứng khoán và chịu sự chi phối bởi luật cung cầu. Doanh nghiệp và nhà quản trị không có quyền định đoạt chu kỳ “tăng – giảm” mà tất cả đều bị chi phối bởi thị trường. Không có nguyên tắc cố hữu nào để có thể suy đoán chính xác giá cổ phiếu mà đôi khi chỉ vì một luồng thông tin hết sức “vu vơ” cộng thêm sự “vội vàng thái quá mang toan tính cơ hội” của nhà đầu tư nhỏ lẻ mà dẫn đến “trào lưu bán đổ bán tháo” bằng mọi giá để “vô tình” bắt tay đẩy giá cổ phiếu chìm sâu.


Sao Mai Group có một năm tăng trưởng ấn tượng

Tham gia “chơi cổ phiếu” là chấp nhận sự rủi may của một cuộc chơi “rất trí tuệ”, đòi hỏi tư duy logic cân não “chịu đòn” để quyết định nên nguồn tài chính phải là đồng tiền nhàn rỗi. Nhà đầu tư chính hiệu trên thế giới chẳng ai đi vay mượn tiền với lãi suất cao để dồn vốn hầu mong kiếm lời.

Cuộc chơi nào cũng có kẻ thắng – người thua nhưng người thông minh phải hiểu rằng nên mua vào lúc thấp điểm và bán ra vào lúc cao điểm. Câu chuyện ấy tưởng chừng như rất đơn giản nhưng chẳng mấy ai chịu động não thực hiện. Khi thị trường chao đảo thì chính nhà đầu tư nhỏ lẻ lại chao đảo trước tiên và tác động domino khiến độ rung lắc của sàn mạnh hơn. Đây cũng là bài học “xương máu” cho các nhà đầu tư “cơ hội” đừng nên “ăn xổi ở thì” châm ngòi cho sự bức hại cổ phiếu của chính mình.

Thanh Hoài

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn