Lấp Vò
Đẩy mạnh các hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế
Cập nhật ngày: 06/01/2019 06:15:45
ĐTO - Theo UBND huyện Lấp Vò, thông qua các hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đây còn là cơ hội để doanh nghiệp (DN) thực hiện chiến lược cơ cấu lại thị trường xuất khẩu hàng hóa, tăng cường năng lực cạnh tranh.
Thông qua các hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế giúp cơ cấu kinh tế của huyện trong năm 2018 chuyển dịch theo hướng tích cực. Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt trên 7.600 tỷ đồng, đạt 104% so với kế hoạch. Ngoài ra có 19 DN thành lập mới, nâng tổng số DN toàn huyện lên 258 DN và hơn 9.000 cơ sở, hộ kinh doanh cá thể với nhiều ngành nghề.
Năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ của huyện đạt 7.900 tỷ đồng, đạt 106% so với kế hoạch. Trong năm, địa phương tiếp 10 nhà đầu tư đến tìm hiểu, đầu tư dự án như: siêu thị; chợ nông sản; khu tập kết hàng hóa; chế biến lương thực; dệt may; khu công nghệ cao... Ngoài ra, huyện còn triển khai thực hiện mô hình cà phê doanh nhân - DN hàng ngày để tiếp nhận thông tin, tiếp xúc, trao đổi, hỗ trợ giải quyết các khó khăn vướng mắc của DN theo thẩm quyền của huyện.
Hiện nay, trên địa bàn huyện có 3 cụm công nghiệp được quy hoạch đảm bảo đúng quy định, thực hiện đúng tiến độ đầu tư cơ sở hạ tầng. Địa phương phối hợp các sở, ngành tỉnh hỗ trợ các công ty, DN lập các thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản; công tác bảo vệ môi trường giúp các DN hoạt động hiệu quả, tạo việc làm cho người dân nông thôn. Từ sự đồng hành cùng DN, huyện đã thu hút được nhiều DN uy tín trong và ngoài nước đầu tư vào các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện.
Bên cạnh đó, huyện tiếp tục triển khai, cụ thể hóa các nội dung về tiếp tục thực hiện Đề án Phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020, bước đầu đạt được những kết quả khả quan. Trong năm 2018, huyện tiếp đón hơn 10.000 lượt khách đến tham quan, du lịch. Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm có nhiều chuyển biến tích cực. Trong năm, Lấp Vò mở 11 lớp dạy nghề nông thôn và 6 lớp dạy nghề theo địa chỉ tại Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đa quốc gia (IDI). Ngoài ra, có 189/130 lao động của địa phương đi làm việc ở nước ngoài (đạt 145%), giới thiệu việc làm cho 5.300 lượt lao động.
Theo đánh giá của địa phương, qua hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện, tuy nhiên công tác này còn gặp một số khó khăn nhất định.
Công tác chỉ đạo, điều hành, phối hợp thực hiện và giám sát quá trình hội nhập kinh tế quốc tế từ Trung ương đến địa phương, giữa các ban, ngành chưa được thường xuyên. Năng lực cạnh tranh của một số DN còn thấp, chịu sức ép cạnh tranh lớn từ phía DN có vốn đầu tư nước ngoài, năng suất lao động tăng chậm, hàng hóa của các DN bị cạnh tranh gay gắt...
Trước thực trạng đó, thời gian tới, huyện tiếp tục tổ chức tuyên truyền, phổ biến thông tin mang tính kịp thời, dễ tiếp cận, dễ hiểu về hội nhập kinh tế quốc tế cho các cán bộ quản lý nhà nước, DN và người dân. Đồng thời tuyên truyền cảnh báo sớm đến các DN về chống bán phá giá, phòng vệ thương mại, chủ động ứng phó với các rào cản thương mại tại thị trường xuất khẩu; phối hợp các ngành tham gia quảng bá, xúc tiến thương mại, đầu tư với các thị trường nước ngoài...
Y DU