Đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp

Cập nhật ngày: 10/08/2015 11:37:08

Là tỉnh có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, nhưng Đồng Tháp chưa khai thác hết tiềm năng sản phẩm địa phương do sự đầu tư của doanh nghiệp (DN) còn hạn chế dù đã có nhiều ưu đãi riêng...

Trước thực trạng lĩnh vực nông nghiệp “lẻ loi” một mình, chưa phát huy hết giá trị của nông sản, Chính phủ đã ban hành Nghị định 210 về chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Nghị định quy định điều kiện nhận ưu đãi rõ ràng, minh bạch và mức hỗ trợ cao hơn so với quy định tại Nghị định 61 về đất đai, đào tạo, khoa học công nghệ, khả năng tham gia và tiếp cận thị trường. Dẫu chưa phải là tất cả nhưng Nghị định phần nào tăng thêm sức hút để DN tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Thời gian qua, Đồng Tháp đẩy nhanh thực hiện ưu đãi đầu tư về miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định. Riêng các khoản hỗ trợ đầu tư, tỉnh đang đề nghị các DN hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục để thẩm tra phê duyệt mức hỗ trợ.

Từ năm 2014 đến nay, UBND tỉnh Đồng Tháp đã cấp giấy chứng nhận cho 9 dự án đầu tư vào lĩnh vực chế biến, bảo quản nông, thủy sản, với tổng vốn đăng ký đầu tư 775,1 tỷ đồng. Tổng số dự án được hưởng ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh theo chính sách khuyến khích các DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn là 17 dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư 2.045 tỷ đồng.

Hiện nay, một số DN đã nắm bắt tiến đến đầu tư, khai thác sâu, rõ nét hơn trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đơn cử như Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu Lộc Anh đầu tư xây dựng nhà máy sấy - xay xát lúa - lau bóng gạo và kho chứa lương thực xuất khẩu. Ngoài ra, Công ty tiến đến đồng hành với nông nghiệp tỉnh thông qua việc liên kết theo chuỗi. Dự án có quy mô 20.800ha, được thực hiện trên 7 huyện, hình thành trên nền tảng của liên kết dọc: công ty - hợp tác xã - nông dân. Với mô hình này, Công ty Lộc Anh có trách nhiệm bao tiêu 100% sản lượng lúa làm ra của vùng dự án theo giá thị trường và hỗ trợ thêm cho nông dân 200 đồng/kg lúa (tùy từng thời điểm).

Từ một DN nhỏ nhưng đơn vị biết khai thác nguyên liệu sẵn có tại địa phương, đến nay khô cá Tứ Quý của Công ty CP Tứ Quý Đồng Tháp đã bắt nhịp được với thị trường. Được hỗ trợ giảm 50% tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất và sự hỗ trợ từ chương trình khuyến công Quốc gia, Công ty đã mạnh dạn đầu tư lắp đặt dây chuyền máy móc thiết bị sản xuất khô theo hướng hiện đại, tổng kinh phí đầu tư hơn 4 tỷ đồng.

Ông Đỗ Công Bình - Giám đốc Công ty CP Tứ Quý cho biết: “Với sự đầu tư vừa qua cùng với sự hỗ trợ của các ngành, các cấp đã giúp đơn vị từng bước chinh phục được nhiều khách hàng. Mục tiêu hướng tới của Công ty là đưa sản phẩm vào hệ thống các siêu thị trên địa bàn tỉnh và các địa phương lân cận, xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á”.

Trong hợp tác đầu tư với nước ngoài, Công ty TNHH Hiệp Thanh ký kết hợp tác với Tập đoàn Salim (Indonesia) trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và tiêu thụ gạo, thủy sản, hình thành vùng nguyên liệu chất lượng cao và xây dựng Cụm Công nghiệp trên địa bàn huyện Lấp Vò, Công ty Salim đóng góp 600 tỷ đồng vào vốn hợp tác liên doanh.

Không thụ động trong việc thu hút đầu tư, UBND tỉnh Đồng Tháp đã giao các ngành hữu quan xác định các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn đặc thù của tỉnh, dự thảo Quy định một số chính sách đặc thù khuyến khích DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 - 2020.

Bên cạnh những kết quả đạt được, UBND tỉnh cũng nhìn nhận rằng số lượng dự án đầu tư vào địa phương còn ít và chưa có nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào lĩnh vực này, đa số là DN có quy mô nhỏ, chưa xứng tầm với tiềm năng và lợi thế của tỉnh Đồng Tháp.

Theo UBND tỉnh, có một số dự án đầu tư nông nghiệp cần diện tích đất lớn, nhưng hiện tại, quỹ đất công của địa phương còn hạn chế chưa đáp ứng nhu cầu cho các nhà đầu tư. Ngoài ra, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thời gian hoàn vốn chậm, giá cả nông sản tăng giảm bất thường không ổn định khiến cho việc thu hút còn khiêm tốn. Cộng thêm việc ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học chưa nhiều và nguồn nhân lực cho lĩnh vực này còn hạn chế. Đáng quan tâm hơn là hệ thống hạ tầng giao thông để kết nối các vùng nguyên liệu đến nhà máy chế biến còn nhiều hạn chế. Hầu hết hệ thống cầu có tải trọng thấp, đường hẹp và xuống cấp không đảm bảo cho xe có tải trọng lớn. Bên cạnh đó, một số hợp tác xã chưa đủ mạnh để hỗ trợ cho DN trong khâu cung ứng, thu mua nông sản của nông dân...

K.D

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn