Để phát triển bền vững hợp tác xã kiểu mới

Cập nhật ngày: 12/12/2018 16:19:36

ĐTO - Tại hội thảo “Định hướng phát triển hợp tác xã (HTX) kiểu mới tại tỉnh Đồng Tháp”, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp (DN) đánh giá cao mô hình HTX của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Đồng Tháp, nhất là mô hình Hội quán nông dân trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, để HTX phát triển một cách bền vững, theo nhiều chuyên gia, các HTX cần thiết lập chuỗi giá trị thực phẩm thông qua HTX nông nghiệp, xây dựng tinh thần hợp tác giữa những người nông dân với nhau trong chuỗi liên kết sản phẩm...


Ông Nguyễn Ngọc Bảo - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đánh giá cao việc người dân và cả hệ thống chính trị Đồng Tháp tham gia trao đổi, bàn bạc về câu chuyện kinh tế hợp tác

Theo báo cáo của Liên Minh HTX Việt Nam, tính đến tháng 11/2018 toàn vùng ĐBSCL có 2.394 HTX, 17.481 tổ hợp tác (THT). Năm 2018, tình hình phát triển HTX có nhiều khởi sắc, số lượng thành lập mới, hiệu quả hoạt động của các HTX có xu hướng tăng, các loại hình HTX ngày càng đa dạng; đội ngũ cán bộ có trình độ năng lực được tăng cường. Các địa phương và HTX nhận thức rõ vai trò của việc triển khai xây dựng các mô hình THT và HTX gắn với chuỗi giá trị, việc liên kết tham gia chuỗi giá trị trở thành một xu hướng tất yếu để phát triển sản xuất - kinh doanh bền vững.

Tuy nhiên, theo đại diện Liên minh HTX Việt Nam, trước những biến động của tình hình trong nước và quốc tế đã đặt ra nhiều vấn đề trong quá trình xây dựng và phát triển HTX kiểu mới. Trong đó, 6 vấn đề cấp bách cần giải quyết để phát huy vị thế, vai trò của HTX kiểu mới, đó là: sản xuất trong cơ chế thị trường nhưng không biết nhu cầu thị trường; hộ nông dân cần vay vốn nhưng không đủ điều kiện vay vốn; năng suất tăng liên tục song thu nhập tăng rất chậm; nông dân cần liên kết với doanh nghiệp để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nhưng mỗi doanh nghiệp không thể liên kết trực tiếp với hàng vạn nông dân riêng lẻ; thị trường đòi hỏi sản phẩm nông nghiệp phải có chứng nhận chất lượng sản phẩm và xuất xứ hàng hóa, song các cơ quan quản lý chất lượng sản phẩm không thể giám sát trực tiếp hàng triệu hộ nông dân riêng lẻ với diện tích canh tác bình quân không quá 1ha mỗi hộ; “nông dân cần ứng dụng khoa học - kỹ thuật”, nhưng các tổ chức nghiên cứu, dịch vụ khoa học - công nghệ không thể hướng dẫn cho hàng triệu hộ riêng lẻ...

Chia sẻ những kinh nghiệm và đề xuất ý kiến giúp phát triển các HTX của Việt Nam nói chung và Đồng Tháp nói riêng, ông Peter Kuhlmann – Giám đốc Liên minh HTX Raiffeisen, Công hòa Liên bang Đức (DGRV) tại Việt Nam cho rằng, để thành công thì mỗi HTX cần phải mạnh trong lĩnh vực của mình, ít nhất là hoạt động có lợi nhuận, kế đến là có đội ngũ quản lý chuyên nghiệp để các thành viên nhận thức rõ vai trò của mình đối với sự phát triển của HTX hay nói cách khác, đó chính là tinh thần hợp tác giữa những người nông dân với nhau.

Cũng bàn về HTX tiên tiến, ông Kimura Yoshihisa - cố vấn về nông nghiệp tổng hợp và Phát triển nông thôn Nhật Bản (MARD) cho rằng, nền nông nghiệp của Việt Nam và Nhật Bản có nhiều nét tương đồng nên Việt Nam cũng như tỉnh Đồng Tháp có thể thiết lập chuỗi giá trị thực phẩm thông qua HTX nông nghiệp. Chuỗi giá trị thực phẩm là sự kết nối giá trị gia tăng của từng giai đoạn từ sản xuất đến chế biến, phân phối, bán hàng và tiêu thụ. Khi chuỗi thực phẩm được cải thiện sẽ giúp người tiêu dùng mua được nông sản với giá thành thỏa đáng, an toàn và tạo dựng niềm tin đối với người tiêu dùng.

Áp dụng đối với nền nông nghiệp ở Việt Nam, để làm được điều này, ông Kimura Yoshihisa cho rằng, Chính phủ cần hỗ trợ để hoàn thiện hạ tầng nông nghiệp, tích tụ ruộng đất để cho những nông dân giỏi canh tác, xây dựng chuỗi giá trị thực phẩm giá trị cao, có chứng nhận an toàn, chất lượng theo tiêu chuẩn GAP. Song song đó, cần có sự phối hợp từ nhiều phía như: chính quyền, HTX nông nghiệp, nông dân, DN nông nghiệp tư nhân để xây dựng chuỗi giá trị thực phẩm.


Mô hình canh tác lúa thông minh ở Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2 được đánh giá cao

Ông Lê Minh Hoan – Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cho biết, cũng như khu vực, do nhiều lý do nên thời gian qua, HTX của Đồng Tháp chưa đi đúng bản chất triết lý cũng như giá trị HTX của thế giới. Tuy nhiên, qua chặng đường 3 năm tái cơ cấu nông nghiệp (TCCNN), Đồng Tháp ngộ ra điểm nghẽn của TCCNN là sự hợp tác giữa những người nông dân. Do đó, Tỉnh ủy và UBND tỉnh tập trung xây dựng các HTX đủ mạnh trở thành cứu cánh để thúc đẩy TCCNN, xây dựng nông thôn mới.

Bí thư Lê Minh Hoan khẳng định, nền kinh tế đã thay đổi cho nên không thể tái cơ cấu với kinh tế hộ cá thể, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Thay vào đó là tư duy mua chung, bán chung, dùng chung dịch vụ để tạo ra sức mạnh cả về vật chất lẫn tinh thần. Hiện tại, Đồng Tháp đang định vị và hướng tới giá trị cốt lõi là tạo ra lợi nhuận cho thành viên HTX, lợi ích cho HTX, thay đổi quy trình sản xuất hướng tới nền sản xuất tốt hơn, mang lại phúc lợi cao cho HTX và người dân nông thôn.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, toàn tỉnh Đồng Tháp hiện có 1.103 THT, 205 HTX (riêng trong năm 2018 đã có 21 HTX thành lập mới, nhiều nhất trong 5 năm gần đây) hoạt động trên tất cả các lĩnh vực. Thời gian gần đây, số HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả ngày càng nhiều, một số HTX đã chú trọng xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; tích cực tham gia liên kết với DN để cung cấp đầu vào và tiêu thụ sản phẩm của các hộ thành viên. Qua đó hỗ trợ kinh tế hộ phát triển, tích cực tham gia thực hiện Đề án TCCNN, xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, thông qua mô hình Hội quán đã có 7 HTX kiểu mới được hình thành, mang lại lợi ích thiết thực cho thành viên.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo - Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam đánh giá cao việc người dân và cả hệ thống chính trị Đồng Tháp tham gia trao đổi, bàn bạc về câu chuyện kinh tế hợp tác. Trong đó, người nông dân – người trực tiếp tạo ra các sản phẩm đã dần thay đổi tư duy; hình thức hoạt động của các tổ chức hợp tác hoạt động có bài bản, sáng tạo, hiệu quả và điểm nhấn là chính quyền đã “truyền lửa” cho người dân. Ông Nguyễn Ngọc Bảo cũng cho rằng, mô hình Hội quán ra đời tại Đồng Tháp chính là bước tập dượt để người dân thay đổi nhận thức từ làm ăn cá thể đến tập thể theo hướng dân chủ; là bước đệm vững chắc để tiến lên thành lập các THT, HTX kiểu mới trong bối cảnh mới, thời đại mới.

Bàn về các yêu cầu của HTX kiểu mới, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam nhấn mạnh, trong nền kinh tế thị trường, phải đổi mới nhận thức của các cấp, các ngành, thành phần kinh tế và quần chúng nhân dân về vai trò, vị trí của HTX nông nghiệp. Song song đó, phải quán triệt tinh thần thành lập HTX có sự điều hành sản xuất linh hoạt; hoạt động dựa trên nguyên tác tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm. Quá trình hoạt động phải lấy tinh thần liên kết tạo thành sợi dây xuyên suốt, từ đó tạo nên sức mạnh cộng đồng để tiếp cận nguồn lực (nhất là nguồn vốn), giảm chi phí sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và nâng cao thu nhập...

Thảo Vy

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn