Thanh Bình

Diện mạo mới sau 32 năm xây dựng và phát triển

Cập nhật ngày: 03/08/2015 12:35:28

Sau khi được chia tách từ huyện Tam Nông vào năm 1983, qua 32 năm xây dựng và phát triển, từ mảnh đất vùng sâu, nghèo nàn, đến nay huyện Thanh Bình phát triển khá toàn diện trên các lĩnh vực, thúc đẩy nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân địa phương.


Một góc của nội ô thị trấn Thanh Bình (huyện Thanh Bình)

Từ thực trạng là huyện vùng sâu nhiều khó khăn, Thanh Bình chủ trương từng bước khai thác tiềm năng sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng chuyên canh, đi vào chiều sâu, theo hướng hiện đại. Đẩy mạnh đầu tư thủy lợi hóa, cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp đem lại năng suất cao. Diện tích sản xuất lúa năm 1983 là 20.148ha đến năm 2015 đạt 46.389ha với tổng sản lượng lên đến hàng trăm ngàn tấn/năm. Đặc biệt, từ năm 2002 huyện đã bắt đầu nuôi cá tra xuất khẩu trên đất bãi bồi với tổng diện tích trên 350ha, sản lượng đạt gần 200.000 tấn/năm. Đến nay, tỷ trọng ngành nông nghiệp chiếm khoảng 57% trong cơ cấu GDP của huyện. Đặc biệt, địa phương đã hình thành mô hình cánh đồng liên kết sản xuất lúa ở các xã vùng ven và vùng chuyên canh hoa màu quy mô lớn ở Cù lao Tây là những tiền đề thuận lợi để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện theo đề án của tỉnh.

Ngoài ra, sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện Thanh Bình ngày càng phát triển mạnh. Từ nguồn nguyên liệu cá tra do nuôi trồng đem lại, năm 2006 huyện kêu gọi đầu tư xây dựng cụm công nghiệp, đến nay đã hình thành được cụm công nghiệp Bình Thành với diện tích trên 46ha. Hiện nay, cụm công nghiệp đã có gần 10 nhà máy chế biến thủy sản và thức ăn thủy sản đi vào hoạt động, góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động tại địa phương. Trước nhu cầu của các nhà đầu tư, huyện đã quy hoạch mở rộng cụm công nghiệp Bình Thành thêm 20ha với phương thức Nhà nước lập và phê duyệt quy hoạch, nhà đầu tư thỏa thuận mua đất của dân. Song song đó, Thanh Bình cũng đã quy hoạch các khu sản xuất công nghiệp tập trung với tổng diện tích lên đến 200ha và dự kiến có thêm nhiều dự án tiếp tục đầu tư vào các khu công nghiệp của huyện, đây là nền tảng cho phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.


Hoạt động sản xuất công nghiệp tại huyện Thanh Bình góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho lao động địa phương

Lĩnh vực văn hóa xã hội có chuyển biến tích cực, quy mô trường lớp các bậc học, cấp học của huyện được đầu tư phát triển. Hiện nay toàn huyện có 66 trường học, trong đó có 3 trường THPT với 964 phòng học và 354 phòng chức năng đáp ứng nhu cầu dạy và học; tỷ lệ huy động học sinh ra lớp hàng năm luôn đạt và vượt kế hoạch. 100% giáo viên, cán bộ quản lý ngành giáo dục huyện đạt và vượt chuẩn về trình độ theo quy định, khắc phục được thực trạng thiếu giáo viên ở các cấp học, phương pháp giảng dạy theo hướng phát huy tích cực của học sinh. Mạng lưới y tế cơ sở được củng cố, kiện toàn, Bệnh viện Đa khoa Thanh Bình là bệnh viện khu vực của tỉnh, ngoài ra còn có Phòng khám Đa khoa khu vực Thanh Bình, hiện tại 100% trạm y tế trên địa bàn huyện đều có bác sỹ. Công tác đền ơn đáp nghĩa duy trì và phát triển, tạo thành phong trào rộng rãi trong nhân dân. Đến nay toàn huyện đã xây dựng được 685 căn nhà tình nghĩa, 1.173 căn nhà cho hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống còn 6,61% và không còn hộ chính sách nghèo.

Tổ chức thực hiện tốt công tác xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với xây dựng thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững mạnh. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội luôn được đảm bảo. Phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc” được tổ chức thực hiện có hiệu quả thông qua các biện pháp, mô hình đảm bảo an ninh trật tự gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện Thanh Bình trong thời gian qua.

Dũng Chinh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn