Định hướng phát triển hợp tác xã kiểu mới là xu hướng tất yếu

Cập nhật ngày: 26/01/2019 07:12:53

Bài 2:Từng bước định hình lại và phát triển theo hướng bền vững các hợp tác xã

ĐTO - Là 1 trong 13 tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Đồng Tháp đã triển khai nhiều giải pháp, áp dụng nhiều cách làm, thực hiện nhiều mô hình để từng bước định hình lại và phát triển theo hướng bền vững các hợp tác xã (HTX) trong nền kinh tế thị trường. Bởi, theo Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan, “HTX là cứu cánh duy nhất cho nền nông nghiệp”.

>> Bài 1: Thách thức trong xây dựng, phát triển hợp tác xã kiểu mới


Theo Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan “Hợp tác xã chính là cứu cánh duy nhất cho nền nông nghiệp”

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp, tỉnh hiện có 1.103 tổ hợp tác, 205 HTX (riêng trong năm 2018 đã có 21 HTX thành lập mới, nhiều nhất trong 5 năm gần đây) hoạt động trên tất cả các lĩnh vực. Triển khai thực hiện Đề án “Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới tại vùng ĐBSCL giai đoạn 2016 - 2020”, địa phương đã chọn ra 9 HTX thuộc 3 lĩnh vực: lúa gạo, cây ăn trái, thủy sản để tham gia. Trong thời gian qua, Sở đã hỗ trợ 350 triệu đồng cho 5/9 HTX mua máy móc, thiết bị...

Được thành lập từ tháng 5/2013, HTX dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2 có hơn 100 thành viên, diện tích sản xuất khoảng 570ha. Là một trong những HTX tiêu biểu của địa phương, có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, đây được xem là một trong những HTX điển hình trong thay đổi tư duy, phương thức sản xuất và thực hiện chuỗi liên kết tiêu thụ lúa ở địa phương thời gian qua.

Anh Ngô Phước Dũng - Giám đốc HTX sản xuất nông nghiệp Mỹ Đông 2 cho biết, vụ lúa đông xuân năm 2018 - 2019 là vụ mùa thứ 16, HTX thực hiện liên kết sản xuất với Công ty giống cây trồng Miền Nam. Nhờ có được hợp đồng liên kết tiêu thụ ổn định với doanh nghiệp (DN) nên những năm qua lợi nhuận của nhiều xã viên luôn ổn định và cao hơn so với những hộ ngoài liên kết.

Anh Dũng chia sẻ, để sợi dây liên kết giữa nông dân và DN được bền chặt, cần phải thay đổi cách nghĩ và cách làm. Khi muốn tăng lợi nhuận và sản xuất ổn định trong bối cảnh mới, thời đại mới thì phải thích ứng với cách sản xuất mới. Quan trọng nhất là phải giữ chữ tín, tạo dựng niềm tin cho đối tác bằng sản phẩm hàng hóa.

Ông Lê Minh Hoan - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cho biết, sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 26 Hội nghị Trung ương 7 khóa X về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, tính đến năm 2017, tỉnh Đồng Tháp đã đạt được 40.602 tỷ đồng (tăng 12.376 tỷ đồng so với năm 2008, đạt mức tăng trưởng bình quân 4,2%/năm). Thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn đạt trên 34 triệu đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 2008.


Sản phẩm trứng vịt của Đồng Tháp đưa vào TP.Hồ Chí Minh đã được truy xuất nguồn gốc

Trong quá trình triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp (TCCNN), dựa trên 5 sản phẩm chủ lực là lúa, gạo; hoa, kiểng; cá tra; xoài và vịt. Đến nay, Đồng Tháp đứng đầu về sản lượng cá tra và các dòng sản phẩm có giá trị gia tăng từ cá tra; đứng thứ ba về sản lượng lúa, đồng thời là trung tâm chế biến của vùng; đứng trong nhóm đầu diện tích vườn cây ăn trái.

Ông Lê Minh Hoan cho biết, trong quá trình triển khai Nghị quyết 26 cũng như chặng đường 3 năm thực hiện chương trình TCCNN, Đồng Tháp nhận ra điểm nghẽn, những trở lực, trong đó quan trọng nhất chính là sự hợp tác giữa những người nông dân. Do đó, Tỉnh ủy và UBND tỉnh tập trung xây dựng các HTX đủ mạnh trở thành cứu cánh để thúc đẩy TCCNN cũng như xây dựng nông thôn mới. Những nội dung, mục tiêu của Đề án TCCNN của tỉnh được gói gọn trong 6 vấn đề trọng tâm, đó là: “Hợp tác - Liên kết - Thị trường” và “Giảm chi phí - Tăng chất lượng - Chế biến tinh”.

Bí thư Tỉnh ủy giải thích thêm, một trong những điểm yếu trong liên kết sản xuất và tiêu thụ là “thông tin bất cân xứng” - một trong các bên tham gia vào chuỗi ngành hàng không biết rõ thông tin về một hay các bên còn lại. Vì vậy, Đồng Tháp đang thiết lập những công cụ quản lý để minh bạch, cung cấp thông tin nhiều nhất, nhanh nhất, thuận tiện nhất cho nông dân, HTX và DN, từ đó tạo dựng lòng tin cho tất cả các bên tham gia. Có như vậy, mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ mới thật sự bền vững.

Nền kinh tế đã thay đổi, cho nên không thể tái cơ cấu với kinh tế hộ cá thể, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Thay vào đó là tư duy mua chung, bán chung, dùng chung dịch vụ để tạo ra sức mạnh cả vật chất và tinh thần. Hiện tại, Đồng Tháp đang định vị lại và hướng tới giá trị cốt lõi là tạo ra lợi nhuận cho thành viên HTX, lợi ích cho HTX, thay đổi quy trình sản xuất hướng tới nền sản xuất tốt hơn, mang lại phúc lợi cao cho HTX và người dân nông thôn.

Đồng Tháp đang đi những bước đầu tiên trên hành trình chuyển từ “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp”; lấy giá trị gia tăng trong từng công đoạn của chuỗi ngành hàng nông sản làm mục tiêu hướng tới. Trăn trở và đầy tâm huyết về chặng đường phát triển mới của HTX kiểu mới, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp mong mỏi có một Luật riêng về HTX nông nghiệp để HTX có đủ nguồn lực và sức mạnh dẫn dắt kinh tế hộ; cần có chính sách, cơ chế hỗ trợ nông dân, HTX, DN tiếp cận tín dụng để đẩy mạnh hoạt động sản xuất theo chuỗi ngành hàng, trong đó tiếp cận công nghệ bảo quản, chế biến nông sản.

Tham gia chủ trì hội thảo “Định hướng phát triển HTX kiểu mới” được tổ chức tại Đồng Tháp vào đầu tháng 12/2018, ông Nguyễn Ngọc Bảo - Chủ tịch Liên minh HTX VN đánh giá cao việc người dân và cả hệ thống chính trị Đồng Tháp tham gia trao đổi, bàn bạc về câu chuyện kinh tế hợp tác. Người nông dân là người trực tiếp tạo ra các sản phẩm đã dần thay đổi tư duy; hình thức hoạt động của các tổ chức hợp tác hoạt động có bài bản, sáng tạo, hiệu quả và điểm nhấn là chính quyền đã “truyền lửa” cho người dân.

Bàn về các yêu cầu của HTX kiểu mới, Chủ tịch Liên Minh HTX VN nhấn mạnh, trong nền kinh tế thị trường, phải đổi mới nhận thức của các cấp, các ngành, thành phần kinh tế và quần chúng nhân dân về vai trò, vị trí của HTX nông nghiệp.

Song song đó, phải quán triệt tinh thần thành lập HTX có sự điều hành sản xuất linh hoạt; phải hoạt động dựa trên nguyên tác tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm. Quá trình hoạt động phải lấy tinh thần liên kết tạo làm sợi dây xuyên suốt, từ đó tạo nên sức mạnh cộng đồng để tiếp cận nguồn lực (nhất là nguồn vốn), giảm chi phí sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và nâng cao thu nhập.

Tâm Bình - Thảo Vy

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn