Doanh nghiệp chủ động tìm thị trường xuất khẩu mới

Cập nhật ngày: 07/02/2019 03:34:12

ĐTO - Trong xu thế hội nhập sâu rộng vào “sân chơi” toàn cầu, bên cạnh việc giữ vững thị trường truyền thống, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã và đang đẩy mạnh khai thác, mở rộng nhiều thị trường mới phù hợp nhằm nâng cao chuỗi giá trị.


Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thuận Thiên Thành giới thiệu sản phẩm tại Đài Loan

Theo Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp, trong năm 2018, tình hình xuất khẩu của tỉnh có nhiều thuận lợi, nguyên nhân chính là do DN tỉnh nhà có được thị trường xuất khẩu khả quan. Có thể thấy rằng, thời gian qua, cộng đồng DN Đồng Tháp có nhiều giải pháp chủ động tìm thị trường mới, nhiều DN đã đầu tư chi phí để tập trung cho việc tìm kiếm thị trường, tìm hiểu đối tác, đàm phán, ký kết hợp đồng xuất khẩu. Hiện tại, một số DN của Đồng Tháp đã thành công trong xúc tiến thương mại, đưa hàng hóa sang nhiều thị trường mới tại: châu Âu, châu Phi, Newzealand, Úc...

 Với tầm nhìn chiến lược phù hợp, những năm gần đây, Công ty CP Thực phẩm Bích Chi (TP.Sa Đéc) nổi tiếng với 4 dòng sản phẩm: bột dinh dưỡng và bột lọc; bánh phồng tôm; sản phẩm chế biến từ bột gạo; sản phẩm ăn liền. Trong năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của Bích Chi đạt khoảng 12,5 triệu USD, tăng hơn 5% so với năm 2017. Hiện thương hiệu Bích Chi đã có mặt tại 42 quốc gia trên thế giới.

Ông Phạm Thanh Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Bích Chi cho biết: “Thời gian qua, đơn vị đã chủ động nắm bắt cơ hội, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh, tập trung đẩy mạnh sản xuất, mở rộng thị trường xuất khẩu. Để làm được điều này, đơn vị đã xây dựng một đội ngũ nhân viên thường xuyên đi tìm hiểu thị trường thực phẩm tại nhiều nước để nắm bắt thị hiếu tiêu dùng. Sau những chuyến đi này, đơn vị nghiên cứu cho ra nhiều dòng sản phẩm đặc trưng cho từng thị trường đã khảo sát”. Để làm mới mình, Công ty Bích Chi đã cho ra mắt nhiều dòng sản phẩm theo hướng hữu cơ được nhiều thị trường đón nhận như: bánh tráng hữu cơ, bánh tráng gạo lứt hữu cơ, phở hữu cơ, bún gạo lứt hữu cơ... Ngoài ra, đơn vị còn sản xuất nhiều dòng sản phẩm đặc trưng cho từng khu du lịch trên địa bàn tỉnh để giới thiệu với du khách gần xa.

Là DN chế biến thực phẩm từ mãng cầu xiêm, ông Đặng Quý Ngọc - Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thuận Thiên Thành (huyện Lai Vung) cho biết: “Hiện sản phẩm của công ty có khoảng 10 chủng loại, đang có mặt tại nhiều hệ thống siêu thị trong nước như: Big C, Aeon, Co.opmart, Lottemart... Để tiếp cận thị trường xuất khẩu mới, công ty luôn chú trọng việc xúc tiến thương mại hàng hóa thông qua các chương trình hội chợ quốc tế...”. Sau mỗi chương trình xúc tiến thương mại, công ty đều có chiến lược nâng cao chất lượng sản phẩm khi xuất khẩu. Thời gian qua, công ty nhận được nhiều đơn đặt hàng xuất khẩu, trong đó có các nước như: Singapore, Đài Loan, Brunei...”.

Luôn có nhiều định hướng trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu, thời gian qua, sản phẩm trái cây sấy của Công ty TNHH MTV Nam Huy Đồng Tháp (huyện Châu Thành) phần nào chứng tỏ được vị thế. Trong năm 2018, doanh thu xuất khẩu của đơn vị tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước. Trong 2 năm liền, thương hiệu Nam Huy Đồng Tháp liên tục đạt chứng nhận Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao.


Doanh nghiệp Đồng Tháp luôn chú trọng xây dựng phong cách làm việc chuyên nghiệp

Ông Huỳnh Văn Hiệp - Giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Huy Đồng Tháp chia sẻ: “Khi tiếp cận thị trường, đơn vị luôn chuẩn bị đầy đủ năng lực, đồng thời phải thực sự có cái “tâm”. Vì vậy, DN luôn chú trọng hoàn thiện mọi sản phẩm lợi thế có sẵn để xuất khẩu. Hiện nay, sản phẩm của DN đã có mặt ở các nước Thái Lan, Lào, Trung Quốc, Singapore...”.

Là DN địa phương có tốc độ tăng trưởng khá nhanh, doanh thu của Công ty TNHH MTV Bén Linh (TP.Cao Lãnh) thể hiện qua các con số tăng từng năm. Đặc biệt, tỷ trọng hàng xuất khẩu ra nước ngoài của công ty chiếm khoảng 30% doanh số bán hàng. Hiện sản phẩm kềm cắt móng tay, nhíp... mang thương hiệu “Kềm Bén” đã có mặt tại thị trường các nước: Mỹ, Úc, Canada, Hàn Quốc, Thái Lan, Campuchia, Đài Loan.

Ông Nguyễn Văn Bén – Giám đốc Công ty TNHH MTV Bén Linh (TP.Cao Lãnh) chia sẻ: “Bên cạnh việc tự tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, chúng tôi còn nhận được sự hỗ trợ của các ngành chức năng thông qua những cuộc tập huấn, hội thảo về nâng cao năng lực của DN sản xuất xuất khẩu, đặc biệt là DN nhỏ và vừa, xây dựng các chính sách hỗ trợ DN đầu tư đổi mới thiết bị, đổi mới công nghệ và quy trình sản xuất sản phẩm đạt chất lượng, tiêu chuẩn của các thị trường xuất khẩu...”.

Thời gian qua, ngành công thương tỉnh luôn đồng hành cùng DN để đề xuất các Bộ, ngành Trung ương có giải pháp tháo gỡ những khó khăn, đồng thời đấu tranh trước những rào cản phi lý mang tính chất bảo hộ thương mại ở một số nước lớn hiện nay. Những năm qua, địa phương cũng luôn quan tâm hỗ trợ DN về thông tin thị trường và xúc tiến thương mại thông qua phát triển hệ thống thông tin thương mại thị trường và tăng cường công tác nghiên cứu, phân tích, dự báo thị trường hỗ trợ DN; đặc biệt, địa phương còn luôn quan tâm hỗ trợ DN trong đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; cung cấp thông tin tư vấn và hỗ trợ pháp lý cho DN liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu”. Theo ông Nguyễn Hữu Dũng - Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp: “Thời gian tới, ngành công thương sẽ tiếp tục đồng hành cùng DN để tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN ổn định sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tranh thủ sự hỗ trợ từ Bộ Công Thương để cập nhật thông tin diễn biến thị trường thế giới, tận dụng các FTA mang lại, chủ động ứng phó với các rào cản về thương mại nhằm hỗ trợ DN đẩy mạnh xuất khẩu”.

Nhật Khánh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn