Đồng Tháp nỗ lực phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19

Cập nhật ngày: 02/06/2020 06:30:31

ĐTO - 4 tháng đầu năm, dịch bệnh Covid-19 đã tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh. Các đơn hàng bị tạm dừng, thị trường tiêu thụ nông sản khó khăn do các nước thực hiện phong tỏa, cấm biên, ngừng nhập khẩu... Tuy nhiên, sau thời gian nới lỏng các hạn chế, các doanh nghiệp (DN) đã bắt nhịp lại đà sản xuất, giá một số mặt hàng nông sản cũng tăng nhẹ trở lại, các tập đoàn lớn cũng đã đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh... Những tín hiệu tích cực này đã tạo động lực mới để Đồng Tháp từng bước lấy lại đà phát triển.


Giá thủy sản nuôi vẫn chưa tăng trở lại gây khó khăn cho nhiều nông dân

Kinh tế suy giảm do tác động của dịch Covid

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, đại dịch Covid-19 những tháng đầu năm đã ảnh hưởng toàn diện đến các lĩnh vực kinh tế, xã hội của tỉnh. Trong đó, chịu tác động nhiều nhất là khu vực nông nghiệp và dịch vụ.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, tác động mạnh nhất đó là giá cả nông sản bị sụt giảm nghiêm trọng do các công ty, DN không nhận được đơn đặt hàng từ các nước, nhất là Trung Quốc nên thương lái chỉ thu mua cầm chừng để tiêu thụ nội địa, khiến giá nhiều nông sản giảm rất sâu. Mặc dù, sau thời gian nới lỏng các hạn chế, giá một số mặt hàng nông sản tăng nhẹ so với thời kỳ trong dịch bệnh Covid-19, nhưng giá thủy sản nuôi vẫn không tăng trở lại.

Hoạt động sản xuất công nghiệp bị ảnh hưởng dịch Covid-19 vô cùng nghiêm trọng. Các DN, hộ kinh doanh phải đối mặt với “khó khăn kép” vừa thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, vừa bị giảm mạnh thị trường đầu ra tiêu thụ hàng hóa và xuất khẩu, nhất là các ngành hàng tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu như: nông sản, dệt may, da giày... Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, 5 tháng đầu năm 2020, có 208 DN rời khỏi thị trường (tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2019).

Đối với ngành công thương, các chỉ số của ngành đều giảm hoặc tăng trưởng ở mức thấp, cụ thể: chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm tăng 2,7%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 6,79% của 4 tháng đầu năm 2019; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 18.239 tỷ đồng, tăng 2,32% so với cùng kỳ năm 2019; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 318 triệu USD, giảm 21,56% so với cùng kỳ năm trước. “Một số ngành hàng như may mặc, chế biến thức ăn chăn nuôi và sản xuất dược không có nguồn nguyên liệu đầu vào cũng như đơn hàng sản xuất, do những ngành hàng này chủ yếu phụ thuộc vào các thị trường chính là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh,... Đây là những thị trường bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19”, ông Nguyễn Hữu Dũng, Giám đốc Sở Công Thương cho biết.

Du lịch được xem là nhóm ngành hàng phát triển sôi động của tỉnh những năm gần đây cũng phải đối mặt với khủng hoảng nặng nề do tác động của dịch Covid-19. Tổng lượt khách ước thực hiện 4 tháng đầu năm 2020 là 1,2 triệu người, giảm 40,18% so với cùng kỳ năm 2019...

Những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đã khiến các chỉ số kinh tế của tỉnh đều giảm mạnh so với cùng kỳ. Bên cạnh sự suy giảm chung của toàn nền kinh tế thì một tín hiệu tích cực là những tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh cũng đã có những thông tin vui, khi các chỉ số: PCI, PAPI, PAR INDEX xếp nhóm đầu cả nước; tỉnh đã ký kết hợp tác đầu tư nhiều lĩnh vực với các tập đoàn lớn, trong đó có Tập đoàn T&T đã mở ra cơ hội mới thúc đẩy địa phương phát triển.


Sau thời gian nới lỏng các hạn chế, giá xoài đã tăng trở lại

Nỗ lực lấy lại đà tăng trưởng

Những tín hiệu vui đã tạo động lực mới để Đồng Tháp từng bước lấy lại đà phát triển. Hiện các ngành tỉnh cũng đã sẵn sàng xây dựng, thực hiện những giải pháp, lộ trình phục hồi kinh tế sau đại dịch. Theo ông Nguyễn Hữu Dũng - Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp, ngành đang tái khởi động lại các chương trình, kế hoạch còn trì trệ những tháng đầu năm nhằm kết nối DN, tiếp tục đưa nông sản của tỉnh tiêu thụ tại các siêu thị, trung tâm thương mại. Theo đó, kết nối đưa các sản phẩm của tỉnh vào hệ thống cửa hàng Bách Hóa Xanh trên cả nước; tổ chức các cơ sở tham gia tuần hàng trái cây, nông sản chế biến tại Hà Nội; đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng chuỗi liên kết các ngành hàng chủ lực của tỉnh để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, đồng thời gắn với mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc và phát triển bao bì, mẫu mã sản phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu...

Đối với ngành du lịch, để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, 6 tháng cuối năm, ngành văn hóa - thể thao và du lịch sẽ tập trung truyền thông về điểm đến du lịch Đồng Tháp an toàn, du lịch có trách nhiệm; triển khai tích cực các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch gắn với các chương trình kích cầu du lịch, phát triển thị trường nội địa; đa dạng hóa sản phẩm du lịch, đặc biệt là sản phẩm du lịch nông nghiệp gắn với chương trình OCOP...

“Nhân rộng các mô hình tiên tiến, tính toán lại đặc thù nông dân từng vùng để khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh hiện nay. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo đến các địa phương, nông dân tăng cường phát triển, sử dụng phân bón hữu cơ cho cây trồng; chú trọng sản xuất theo hướng sạch, an toàn để cung ứng cho thị trường trong nước cũng như xuất khẩu; nhân rộng các mô hình, biện pháp canh tác tiên tiến; hình thành các chuỗi liên kết nông sản bền vững cho nông sản của tỉnh”, ông Nguyễn Phước Thiện - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chia sẻ.

Đặc biệt, để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất, theo ông Trương Hòa Châu – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành nắm bắt tình hình và triển khai đẩy đủ các chính sách hỗ trợ cho DN từ Trung ương để giúp DN giải quyết các khó khăn về giá cả, sản xuất, doanh thu, tín dụng, thị trường, lao động... Đồng thời tổng hợp ý kiến, nguyện vọng của DN để tiếp tục đề xuất chính sách hỗ trợ cụ thể, phù hợp từ Trung ương và ngân sách tỉnh cho DN, người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh...

Dù còn nhiều khó khăn, nhất là khi tình hình dịch bệnh tại nhiều nước trên thế giới vẫn còn phức tạp, các DN vẫn còn đối mặt với khó khăn do phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu, xuất khẩu. Tuy nhiên, với sự quyết tâm của các ngành, địa phương trong việc triển khai đẩy đủ các chính sách hỗ trợ cho DN từ Trung ương để giúp DN giải quyết các khó khăn; việc củng cố lại sản xuất, tìm hướng đi mới cho nông sản địa phương, nhất là chú trọng hơn đến thị trường trong nước... Đồng Tháp cũng như cả nước tin rằng sẽ sớm vực dậy nền kinh tế hậu Covid-19...

MN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn