Đồng Tháp triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ khoa học công nghệ

Cập nhật ngày: 15/11/2018 13:32:38

ĐTO - Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, giai đoạn 2016 - tháng 9/2018, tỉnh đã triển khai thực hiện 20 nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN). Qua đó, đã có nhiều mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN đạt hiệu quả, tạo mối liên kết giữa khoa học với nông dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.


Xoài Cao Lãnh đóng vai trò quan trọng trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Trong đó, có 10 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực nông nghiệp, chiếm 50% trong tổng số nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, các lĩnh vực còn lại là 50%, với tổng kinh phí 47 tỷ đồng.

Kết quả nổi bật trong nông nghiệp thể hiện qua tổng giá trị sản xuất ngành hàng lúa ước đạt hơn 45.380 tỷ đồng (với mức giá tiêu thụ lúa vụ đông xuân năm 2018, người sản xuất đạt mức lợi nhuận từ 20 - 22 triệu đồng/ha). Tổng giá trị sản xuất ngành hàng cá tra ước đạt 23.575 tỷ đồng (bình quân giai đoạn 2016 - 2018 ước tăng gần 8%/năm).

Bên cạnh đó, nhãn hiệu Xoài Cao Lãnh và Xoài Cát Chu Cao Lãnh đã xuất khẩu trực tiếp vào các thị trường: Hàn Quốc, Nhật Bản, Newzealand, Trung Quốc, Nga và Hoa Kỳ; tổng giá trị sản xuất ngành hàng xoài ước đạt 4.675 tỷ đồng (bình quân giai đoạn 2016 - 2018 ước tăng 1,34%/năm).

Với sự hỗ trợ đầu tư ứng dụng KH&CN sản xuất các giống hoa mới, tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất, chăm sóc, bảo quản... của tỉnh, ngành hàng hoa kiểng đạt lợi nhuận rất cao, bình quân lãi từ 170 - 500 triệu đồng/ha/năm; tổng giá trị sản xuất ngành hàng hoa kiểng ước đạt hơn 6.550 tỷ đồng, bình quân giai đoạn 2016 - 2018 ước tăng 16,54%/năm. Đây là ngành hàng kết hợp với khai thác du lịch hứa hẹn sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới.

Ngành hàng vịt tiếp tục phát triển ổn định, với tổng đàn ước đạt 3,4 triệu con, nhất là mô hình nuôi nhốt vịt đẻ trứng, bảo đảm an toàn dịch bệnh và đạt được giá trị cao hơn. Đến nay, có 6 Tổ hợp tác chăn nuôi, liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ ổn định.

Một số nghiên cứu phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp nổi bật trong giai đoạn như đề tài “Xây dựng quy trình sản xuất ớt để nâng cao năng suất, chất lượng và đạt chứng nhận VietGAP tại huyện Thanh Bình, Đồng Tháp”. Hay đề tài đã xây dựng thành công mô hình ớt với 20,56ha đạt chứng nhận VietGAP, xây dựng được 1 quy trình sản xuất ớt an toàn cho sản xuất và tiêu thụ. Đặc biệt là đã nâng cao nhận thức của cộng đồng về vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn lao động, bảo vệ môi trường, trách nhiệm đối với người tiêu dùng trong sản xuất ớt, cũng như thay đổi tập quán canh tác theo truyền thống của người dân.

Hoạt động KH&CN cấp huyện được các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh quan tâm, triển khai nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở, bình quân hàng năm có 20-30 nhiệm vụ, các nhiệm vụ đa số thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Bên cạnh đó, đã có 3 địa phương là huyện Cao Lãnh, huyện Tân Hồng và TX.Hồng Ngự ký kết hợp tác với Trường đại học Cần Thơ trong công tác nghiên cứu, ứng dụng KH&CN phục vụ Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn. Điều này góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.

Khánh Phan

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn