Sạt lở đầu nguồn gia tăng
Cập nhật ngày: 09/11/2018 16:38:11
Lũ vừa rút cũng là thời điểm tuyến đường giao thông huyết mạch nối liền xã Thường Thới Tiền với xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự bị sạt lở mạnh. Đây là tuyến đê bao bảo vệ hàng trăm hecta lúa sản xuất của nông dân. Những đoạn kè che chắn đê bao bị lũ đánh sập. Nhiều đoạn đan nằm ngổn ngang, có chỗ trơ khung sắt gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Sat lở đê bao xã Thường Thới Tiền đi Thường Thới Hậu A
Còn tuyến đê bao bảo vệ 2.600ha đất sản xuất của hàng ngàn hộ dân ở 2 xã Thường Phước 2 và Thường Thới Tiền cũng đang bị sụt lún dài gần 20m, lún sâu khoảng nửa mét. Vết nứt lớn 20 - 30cm. Hiện tại, theo thống kê, toàn huyện Hồng Ngự đã có 30 điểm sạt lở các tuyến đường nội đồng, đê bao, với chiều dài khoảng 1.500m, tăng 70% so với cùng kỳ năm 2017.
Ngoài sạt lở đê bao, toàn huyện Hồng Ngự cũng ghi nhận 13 vụ sạt lở bờ sông, với chiều dài ăn sâu từ 5 - 15m. Sau những vụ sạt lở và lở dạo, ngôi nhà bà Dương Thị Hum ở ấp Chòm Xoài, xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự và những hộ dân nơi đây đã cận kề mực nước. Chuồng trại chăn nuôi của gia đình bà Hum cũng phải tháo dỡ vì không còn an toàn.
Ông Nguyễn Văn Buôn - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hồng Ngự cho biết: “Khó khăn của địa phương là các tuyến dân cư đã bố trí tương đối đầy đủ nhưng vẫn còn số hộ dân cần phải di dời nên huyện đề nghị tỉnh phân bổ kinh phí mở thêm cụm, tuyến dân cư bố trí hộ dân trong vành đai sạt lở. Đối với các đê bao nội đồng bị sạt lở, Phòng đề xuất với UBND huyện xin chủ trương thuê đơn vị tư vấn tiến hành đắp vá đê bao để chuẩn bị cho vụ sản xuất đông xuân”.
Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh đã đến trao tiền hỗ trợ di dời sạt lở cho gần 300 hộ dân của huyện Hồng Ngự vào ở trên cụm, tuyến dân cư. Mỗi hộ nhận 10 triệu đồng, tổng kinh phí gần 3 tỷ đồng nhằm giúp cho các hộ dân ổn định cuộc sống.
Minh Hồ