Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp Mỹ Đông 2

Thay đổi nếp nghĩ để làm nông nghiệp hiện đại

Cập nhật ngày: 08/11/2018 05:28:48

ĐTO - Cách đây hơn 5 năm, với nhiều nông dân ở huyện Tháp Mười, khái niệm về liên kết chuỗi hay sản xuất nông sản sạch vẫn còn khá xa lạ. Song, chỉ sau 5 năm triển khai thực hiện, Đề án tái cơ cấu nông nghiệp (TCCNN) đã tạo ra một sự thay đổi lớn về cách làm nông nghiệp của nông dân. Điển hình là ở Hợp tác xã (HTX) sản xuất nông nghiệp Mỹ Đông 2 (ấp 4, xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười).


Việc áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp về giảm giá thành, ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất đã góp phần giúp nông dân trồng lúa tăng lợi nhuận kinh tế

Khi nói về thành quả trong quá trình thực hiện Đề án TCCNN của địa phương, Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười Đinh Minh Dũng nhận định, thành quả lớn nhất trong quá trình thực hiện đề án thời gian qua chính là việc thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp của người nông dân. Người nông dân quan tâm nhiều đến phát triển kinh tế nông nghiệp hơn là sản xuất nông nghiệp đơn thuần như trước đây. Từ chỗ có cách nhìn khác hơn về làm nông nghiệp hiện đại, từng khâu trong chuỗi sản xuất cũng được tổ chức lại và thực hiện từng bước bài bản.

Là một trong những HTX tiêu biểu của địa phương, có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, thời gian qua, HTX sản xuất nông nghiệp Mỹ Đông 2, ấp 4 được xem là ngọn cờ đầu trong thực hiện chuỗi liên kết tiêu thụ lúa ở địa phương.

Đến với HTX những ngày này mới cảm nhận hết không khí tất bật, hồ hởi của bà con xã viên chuẩn bị xuống giống cho vụ đông xuân 2018 - 2019. Không phải sạ lan hay kéo hàng, không còn cảnh nông dân phải xắn quần, tha từng thúng lúa giống ì ạch dưới bùn sình, thay vào đó là hình ảnh những chiếc máy cấy lúa “cần mẫn, miệt mài” cấy hết luống lúa này đến luống lúa khác trên cánh đồng lớn của HTX.

Đây cũng là một trong những HTX đầu tiên của huyện áp dụng phương pháp máy cấy trong sản xuất lúa, thời gian qua, HTX sản xuất nông nghiệp Mỹ Đông 2 đã thực hiện được nhiều hợp đồng liên kết tiêu thụ lúa với doanh nghiệp, đặc biệt là hợp đồng tiêu thụ lúa giống. Nhờ ứng dụng máy cấy nên công tác khử lẫn trong sản xuất lúa giống được thực hiện hiệu quả hơn. Từ đó, chất lượng lúa sau khi thu hoạch được đồng nhất hơn. Đây là tiền đề để nhiều doanh nghiệp có những hợp đồng kết nối lâu dài với HTX trong những năm vừa qua.

Vụ lúa đông xuân năm 2018 - 2019 là vụ mùa thứ 16 HTX sản xuất nông nghiệp Mỹ Đông 2 hợp tác liên kết với Công ty giống cây trồng Miền Nam. Nhờ có được hợp đồng liên kết tiêu thụ ổn định với doanh nghiệp mà nhiều năm qua lợi nhuận của nhiều xã viên ổn định và cao hơn so với những hộ ngoài liên kết từ 8 - 10 triệu đồng.


Nông dân Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp Mỹ Đông 2 chuẩn bị xuống giống vụ mùa đông xuân 2018 - 2019

Anh Nguyễn Văn Hồng, thành viên HTX chia sẻ: “Mặc dù sản xuất lúa giống cho doanh nghiệp lợi nhuận có cao hơn sản xuất lúa thương phẩm, song để có thể đáp ứng các yêu cầu của doanh nghiệp đề ra thì không phải nông dân nào cũng có thể làm được. Mình phải chịu khó học hỏi và tiếp thu kỹ thuật mới, điều quan trọng là phải đảm bảo với doanh nghiệp về chất lượng lúa giống thật đồng nhất”.

Anh Ngô Phước Dũng - Giám đốc HTX sản xuất nông nghiệp Mỹ Đông 2 cho rằng: “Để có thể “mần ăn” dài lâu với doanh nghiệp thì buộc nông dân phải thay đổi cách làm và suy nghĩ. Muốn tăng lợi nhuận và sản xuất ổn định thì không có giải pháp nào khác là thay đổi và thích ứng với cách sản xuất mới. Song song đó, việc giữ chữ tín, tạo dựng niềm tin cho đối tác, doanh nghiệp cũng là chuyện mà nông dân luôn phải lưu tâm”.

Câu chuyện về thay đổi suy nghĩ và cách làm không chỉ riêng ở HTX sản xuất nông nghiệp Mỹ Đông 2 mà trên khắp các cánh đồng của huyện Tháp Mười, người nông dân đã ngày càng hiểu rõ sự cần thiết khi sản xuất nông nghiệp hiện đại. Theo UBND huyện Tháp Mười, trong năm 2018, tổng diện tích liên kết tiêu thụ lúa của toàn huyện là 20.275,8ha/15.000ha, đạt 135,2% so kế hoạch và tăng 2.310ha so với cùng kỳ năm 2017.

Bên cạnh mô hình chuỗi liên kết, mô hình giảm giá thành trong sản xuất lúa cũng được nhiều nông dân Tháp Mười hưởng ứng và thực hiện hiệu quả trong thời gian qua. Trong năm 2018, diện tích lúa áp dụng giảm giá thành 76.503/112.761,5ha tổng diện tích sản xuất của toàn huyện, đạt 67,8/85% kế hoạch, tăng 10.636ha so với cùng kỳ năm 2017. Việc tham gia thực hiện các mô hình đã làm thay đổi tập quán sản xuất truyền thống của người dân... Qua đó cho thấy, đề án TCCNN đã thật sự tạo được sức lan tỏa lớn đối với người nông dân.

Cùng xuống giống chung theo một vụ mùa, cùng mua chung, bán chung, sử dụng các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp... là những cách làm thiết thực, hiệu quả đã góp phần giúp thay đổi cuộc sống của nhiều nông dân trồng lúa ở huyện Tháp Mười thời gian qua. Đây cũng là nền tảng để địa phương tiếp tục phát triển thêm những mô hình sản xuất hiện đại và hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn