Giải bài toán cho trái xoài đồng bằng sông Cửu Long

Cập nhật ngày: 25/04/2021 11:36:36

ĐTO - Xác định rõ thị trường mục tiêu để định hướng doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) mở rộng vùng nguyên liệu đảm bảo theo các tiêu chuẩn quy định. Đồng thời chú trọng, quan tâm đến chất lượng bảo quản sau thu hoạch. Đây là đề xuất của các chuyên gia, DN, nhà quản lý về việc nâng cao năng lực tuân thủ các quy định đối với xoài xuất khẩu.


Đại biểu tham gia gian hàng trưng bày sản phẩm tại hội thảo nâng cao năng lực xoài xuất khẩu

Còn nhiều tiềm năng xuất khẩu

Xoài là một trong những cây ăn trái chủ lực của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), với diện tích hơn 47.000ha xoài các loại, năng suất bình quân đạt từ 11-13 tấn/ha, sản lượng khoảng 567.732 tấn/năm. Tuy nhiên, hiện nay sản lượng xoài xuất khẩu còn khá khiêm tốn, năm 2020, các DN xuất khẩu mặt hàng xoài đạt hơn 180 triệu USD. Riêng thị trường Trung Quốc chiếm gần 84% tổng kim ngạch xuất khẩu; kế đến là thị trường Nga, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, EU, Australia, Nhật Bản...

Nguyên nhân của việc sản lượng xoài xuất khẩu chưa nhiều là do hiện nay các thị trường khó tính như: Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc... có một số yêu cầu riêng về việc truy xuất nguồn gốc, mã vùng trồng trong khi số lượng sản phẩm đạt chuẩn theo các yêu cầu này còn khiêm tốn. Bên cạnh đó, nhiều DN chưa tuân thủ chất lượng khi thu mua, cung ứng so với yêu cầu của nhà nhập khẩu như số vùng trồng, mã số nhà đóng gói, yêu cầu chứng nhận VietGAP, GlobalGAP...

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT)), Trung Quốc là thị trường xuất khẩu xoài chủ yếu của Việt Nam (gần 84%), tuy nhiên chỉ mới chiếm 21,6% thị phần của thị trường này. Bên cạnh đó, các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản đang có nhu cầu rất lớn. Minh chứng là năm 2020, Việt Nam là thị trường cung cấp trái xoài lớn thứ 4 và chiếm 6,2% tổng lượng nhập khẩu xoài của Hàn Quốc. Do đó, dư địa để Việt Nam xuất khẩu xoài còn rất lớn nếu đáp ứng đủ các quy định của thị trường nhập khẩu, nhất là vấn đề truy xuất nguồn gốc và mã số vùng trồng.


Mô hình “ Cây xoài nhà tôi” tại Hợp tác xã xoài Mỹ Xương (huyện Cao Lãnh) - ứng dụng công nghệ Blockchain truy xuất nguồn gốc và bán hàng qua mạng

Số lượng xoài đạt chuẩn còn thấp

Ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, xoài là 1 trong 5 ngành hàng tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh. Do đó, những năm qua, tỉnh đầu tư phát triển ngành hàng này khá bài bản. Hiện, Đồng Tháp có 977,6ha xoài được cấp mã vùng xuất khẩu sang những thị trường khó tính và 4.228ha được cấp mã vùng xuất sang thị trường Trung Quốc. Hướng đến sản xuất theo hướng bền vững, tỉnh thành lập 8 HTX, 37 tổ hợp tác và 23 Hội quán nông dân trồng xoài, liên kết sản xuất và tiêu thụ xoài dài hạn với hơn 10 DN với diện tích 1.073ha. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Phạm Thiện Nghĩa, vấn đề khó khăn hiện nay cần được khắc phục trong thời gian tới đó là tỷ lệ hao hụt sau thu hoạch còn khá lớn, có khi lên đến 70%; khâu bảo quản xoài tươi hao hụt nhiều; diện tích sản xuất đạt chứng nhận GAP còn hạn chế...

Thống kê của Bộ NN&PTNT, hiện toàn ĐBSCL có 271 vùng trồng được cấp mã số, có 1.789ha xoài được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP phục vụ xuất khẩu. Riêng về DN đóng gói, chế biến, toàn vùng ĐBSCL có 98 DN chế biến. Tuy nhiên, chỉ có 15 DN sơ chế, chế biến xoài đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Chia sẻ kinh nghiệm về xuất khẩu trái cây, trong đó có xoài vào thị trường Mỹ, ông Nguyễn Đình Tùng - Chủ tịch Tập đoàn Vina T&T cho biết, để đưa được sản phẩm vào các thị trường khó tính, công ty đầu tư bài bản theo chuỗi từ vùng nguyên liệu (đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP), sản phẩm thu hoạch đồng đều về chất lượng. Đồng thời, đơn vị có nhà máy xử lý trái cây, đóng gói và cửa hàng đưa trái cây ra thị trường. Do đó, sản phẩm của công ty luôn được đảm bảo chất lượng, đủ tiêu chuẩn để đưa vào thị trường khó tính. Cụ thể, trong năm 2020, mỗi tuần công ty xuất qua thị trường Mỹ, Canada, Úc là 65 tấn. Trong đó, thị trường Mỹ chiếm đến 65%. “Điểm thuận lợi của trái xoài Việt Nam đó là có thể rải vụ sản xuất quanh năm. Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được ký kết, giúp Việt Nam dễ dàng tiếp cận với các thị trường trong khu vực và toàn cầu. Vấn đề hiện nay đó là chúng ta phải xác định thị trường mục tiêu, đưa ra chiến lược bài bản từ đào tạo nguồn nhân lực sản xuất, liên kết chuỗi, tạo nên một vùng nguyên liệu lớn, sản phẩm đạt chất lượng xuất khẩu. Đặc biệt là đầu tư hệ thống bảo quản sau thu hoạch, đây được xem là vấn đề cốt lõi để nâng cao giá trị trái xoài. Khi đó, bài toán cho trái xoài xuất khẩu sẽ được giải quyết”, ông Tùng đề xuất.


Dự án “Trung tâm tiên tiến” về thu hoạch, sơ chế, đóng gói, bảo quản và vận chuyển xoài tại Công ty TNHH Kim Nhung

Chú trọng xuất khẩu và đảm bảo chất lượng sản phẩm

Bên cạnh việc đầu tư chuỗi giá trị bài bản, theo các chuyên gia, việc DN đào tạo nguồn nhân lực có kỹ thuật, hỗ trợ đào tạo, cấp chứng nhận tiêu chuẩn sản xuất thực phẩm sạch như VietGAP, GlobalGAP, mã số vùng trồng cho các hộ nông dân và HTX; hỗ trợ công nghệ bảo quản sản phẩm trong thời gian dài; tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại để quảng bá rộng rãi hình ảnh trái cây Việt Nam... là những việc làm thiết thực để nâng cao năng lực tuân thủ các quy định đối với trái xoài Việt Nam. Mục tiêu đặt ra của ngành nông nghiệp Việt Nam đó là đến năm 2030, diện tích xoài đạt 140.000ha với sản lượng thu hoạch 1,5 triệu tấn, mang về cho Việt Nam tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 650 triệu USD.

Để đạt được các mục tiêu này, đối với các địa phương, bà Nguyễn Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật đề nghị chỉ đạo sát sao công tác liên kết, tạo vùng nguyên liệu trên cơ sở quản lý chặt chẽ vùng trồng; tăng cường đào tạo, tập huấn cho cán bộ kỹ thuật ở địa phương; giao cơ quan Bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở địa phương thực hiện nhiệm vụ quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói để xuất khẩu. Đối với DN phải tuân thủ nghiêm túc các quy định của nước nhập khẩu và của cơ quan chuyên ngành Việt Nam; liên kết sản xuất, chủ động vùng nguyên liệu và giám sát thường xuyên để đảm bảo vùng nguyên liệu luôn đạt yêu cầu; chủ động cập nhật thông tin xuất khẩu.

Chỉ đạo công tác nâng cao năng lực tuân thủ các quy định cho trái xoài, ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, hiện ĐBSCL có 42% diện tích được cấp mã số vùng trồng, đây là điều kiện thuận lợi để triển khai hợp tác nâng cao chất lượng tiêu chuẩn xoài Việt Nam. Tuy nhiên, diện tích xoài đạt chuẩn VietGAP chỉ chiếm 3,8% diện tích, vì vậy vấn đề triển khai các mô hình theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP vẫn phải cần đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới. Bên cạnh việc chú trọng vấn đề xuất khẩu, Thứ trưởng cũng yêu cầu các địa phương chú ý đến chất lượng, các tiêu chuẩn để vào được những hệ thống siêu thị, đẩy mạnh thị trường tiêu thụ trong nước. Đây là xu hướng cần hướng đến trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu các địa phương vùng ĐBSCL, đặc biệt là Đồng Tháp, An Giang (2 tỉnh trồng xoài trọng điểm của vùng) cần đẩy mạnh liên kết tiêu thụ, tổ chức nâng cao chất lượng cho xoài từ khâu trồng, thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch. Đặc biệt phải xác định được thị trường mục tiêu để phối hợp với DN, HTX xây dựng tiêu chuẩn phù hợp nhằm định hướng cho nông dân, đảm bảo hài hòa với các tiêu chuẩn, quy định của quốc tế và Việt Nam, giảm chi phí cho nông dân. Xác định rõ vai trò của các đơn vị trong chuỗi ngành hàng như DN, HTX để mở rộng vùng vùng nguyên liệu đảm bảo theo các tiêu chuẩn quy định.

MN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn