Đồng Tháp

Nhiều chuyển biến tích cực cho ngành hàng xoài

Cập nhật ngày: 22/04/2021 05:51:21

ĐTO - Xoài là một trong những cây ăn trái chủ lực của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), chiếm khoảng 48% tổng diện tích xoài cả nước. Trong đó, tỉnh Đồng Tháp hiện có diện tích trồng xoài khoảng 12.171ha - lớn nhất vùng ĐBSCL với sản lượng hàng năm gần 124 ngàn tấn.


“Trung tâm tiên tiến” về thu hoạch, sơ chế, đóng gói, bảo quản và vận chuyển xoài tại Công ty TNHH Kim Nhung được xem là bước tiến cho ngành hàng xoài của địa phương

Ngay từ những năm 2005 - 2006, tỉnh Đồng Tháp đã tập trung đầu tư nhiều nguồn lực cho ngành hàng xoài, từ việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hệ thống đê bao chống lũ; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất như cải tạo giống, xử lý ra hoa rải vụ, áp dụng kỹ thuật bao trái đến việc sản xuất xoài theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP); công nghệ sau thu hoạch đã từng bước được áp dụng, cụ thể như ứng dụng công nghệ Blockchain trong truy xuất nguồn gốc, mô hình “Cây xoài nhà tôi” bán hàng qua mạng.

Từ những đổi thay trên đã góp phần giúp địa phương hình thành nên vùng nguyên liệu xoài tập trung chủ yếu ở huyện Cao Lãnh và TP.Cao Lãnh. Tỉnh Đồng Tháp đã lựa chọn cây xoài là 1 trong 5 ngành hàng thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh và đã ban hành Kế hoạch số 80/KH-UBND ngày 29/4/2016 về phát triển ngành hàng xoài giai đoạn 2016 - 2020 nhằm cải tiến chuỗi giá trị ngành hàng trên cơ sở tổ chức lại sản xuất, sắp xếp các nhân tố tham gia bên trong ngành hàng xoài để nâng cao giá trị gia tăng, thu nhập cho người trồng xoài.

Ngoài ra, Đồng Tháp còn tập trung xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, xác nhận cấp mã vùng trồng xoài để xuất khẩu, liên kết sản xuất với tiêu thụ... Năm 2013, Đồng Tháp được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu “Xoài Cát Chu Cao Lãnh và Xoài Cao Lãnh”; năm 2019 được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Cao Lãnh” cho sản phẩm xoài.

Hiện nay, xoài tỉnh Đồng Tháp đã có 977,6ha được cấp mã vùng xuất khẩu sang thị trường khó tính và 4.228,6ha được cấp mã vùng xuất sang thị trường Trung Quốc; được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP 34ha và mô hình sản xuất hữu cơ 5,75ha tại xã Tân Thuận Tây, TP.Cao Lãnh. Tại huyện Tam Nông, Công ty Sếu Rice có trên 50ha trồng xoài hữu cơ theo tiêu chuẩn của Nhật; thành lập 8 hợp tác xã, 37 tổ hợp tác và 23 Hội quán nông dân trồng xoài, liên kết sản xuất và tiêu thụ xoài dài hạn 1.073ha với trên 10 doanh nghiệp; có 5 sản phẩm của 3 cơ sở, đơn vị sản xuất đạt chuẩn OCOP 3 - 4 sao và tiêu thụ trong siêu thị.


Thu hoạch xoài ở Hợp tác xã Xoài Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh

Với sự hỗ trợ của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO) và Phân Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, lần đầu tiên đã chuyển giao Dự án xây dựng “Trung tâm tiên tiến” về thu hoạch, sơ chế, đóng gói, bảo quản và vận chuyển xoài cho Công ty TNHH Kim Nhung - một doanh nghiệp thu mua và xuất khẩu xoài ở Đồng Tháp. Đồng thời sau lễ Công bố xuất khẩu lô xoài Việt Nam đầu tiên sang thị trường Hoa Kỳ tại Đồng Tháp năm 2018, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Tháp luôn quan tâm chỉ đạo các ngành chuyên môn xây dựng các chương trình trọng điểm, xúc tiến thương mại, kêu gọi đầu tư đến các DN nhằm thúc đẩy phát triển thị trường cho ngành hàng xoài.

Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định trong sản xuất, tuy nhiên, ngành hàng xoài ở vùng ĐBSCL nói chung và tỉnh Đồng Tháp nói riêng còn bộc lộ không ít những hạn chế. Đó là, tỉ lệ hao hụt sau thu hoạch còn khá lớn, có khi lên đến 70%; khâu phân loại chất lượng xoài tươi để tạo độ đồng đều về mặt chất lượng còn hạn chế, khâu bảo quản xoài tươi hao hụt nhiều; công nghệ chế biến tạo giá trị gia tăng sản phẩm còn nhiều bất cập. Các rào cản khắt khe về kỹ thuật, về tiêu chuẩn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật/hóa học để đáp ứng với thị trường tiêu thụ khác nhau đang là những thách thức lớn hiện nay. Số lượng diện tích sản xuất đạt theo tiêu chuẩn GAP còn hạn chế.

Ngoài ra, cơ sở hạ tầng kỹ thuật trong vùng nguyên liệu xoài, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trên lĩnh vực logistics, sau thu hoạch ngành hàng xoài của địa phương cũng còn hạn chế. Mối liên kết về sản xuất, chế biến, tiêu thụ của các tỉnh có trồng xoài ở ĐBSCL, mặc dù đã được quan tâm đầu tư, nhưng còn nhiều bất cập. Bên cạnh đó, việc quản lý và sử dụng mã số vùng trồng và mã số nhà đóng gói xuất khẩu sang các thị trường chưa chặt chẽ, dễ gây mất uy tín cho địa phương và thiệt hại cho nông dân.

Tại hội thảo “Nâng cao năng lực tuân thủ các quy định đối với xoài xuất khẩu của Việt Nam” được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại Đồng Tháp vừa qua, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng, để nâng cao giá trị ngành hàng xoài cần tháo gỡ nút thắt về vấn đề đảm bảo công nghệ sau thu hoạch và xác định thị trường mục tiêu để định hướng doanh nghiệp, hợp tác xã mở rộng vùng nguyên liệu đảm bảo theo các tiêu chuẩn quy định...

MN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn