Cuộc thi khởi nghiệp tỉnh Đồng Tháp năm 2019
Giúp các dự án ngày càng hoàn thiện hơn
Cập nhật ngày: 19/11/2019 05:48:58
ĐTO - Cuộc thi Khởi nghiệp tỉnh Đồng Tháp năm 2019 với chủ đề “Nâng tầm giá trị sản phẩm đặc trưng Đồng Tháp” do Tỉnh đoàn phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức vừa qua thu hút sự tham gia của các bạn trẻ khởi nghiệp trên toàn tỉnh. Ngoài những giải thưởng hấp dẫn thì sự đánh giá, góp ý, định hướng của Ban giám khảo tại cuộc thi càng trở nên giá trị, giúp các dự án ngày càng hoàn thiện trong việc chinh phục thị trường...
Theo Ban tổ chức, cuộc thi khởi nghiệp tỉnh Đồng Tháp năm 2019 có số lượng dự án tham gia nhiều nhất so với 2 lần thi trước, với 72 dự án. Đây được xem là tín hiệu phấn khởi khi phong trào khởi nghiệp của tỉnh phát triển mạnh mẽ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.
Khác với các cuộc thi lần trước, phần lớn sản phẩm các dự án đều có mặt trên thị trường trước khi tham gia cuộc thi. Một trong những sản phẩm gây ấn tượng tại cuộc thi là sản phẩm “Nước mắm cá linh Dì Mười” của thí sinh Phan Thị Kim Diệu. Nước mắm được xem là “linh hồn” của ẩm thực của Việt. Đặc biệt, nước mắm cá linh của Đồng Tháp sở hữu mùi vị đặc trưng gây ấn tượng với người yêu ẩm thực. Tận dụng thế mạnh có nguồn cá linh dồi dào vào mùa nước nổi, Cơ sở “Nước mắm cá linh Dì Mười” (TX.Hồng Ngự) ra đời vào năm 2017 nhằm giới thiệu đặc sản quê hương với người tiêu dùng gần, xa. Sau 2 năm “chào sân” thị trường, sản phẩm “Nước mắm cá linh Dì Mười” sản xuất theo phương pháp thủ công truyền thống được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Hàng năm, cơ sở cung cấp cho thị trường khoảng 12.000 lít nước mắm các loại, xuất bán ra thị trường khoảng 600 – 800 lít nước mắm/tháng. Đây cũng là dự án đạt giải nhí tại cuộc thi lần này.
Điểm nhấn trong cuộc thi lần này chính là dự án “Tổ phun xịt thuốc bảo vệ thực vật không người lái”, đạt giải nhất tại cuộc thi của thí sinh Lâm Trọng Nghĩa (thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông) khi dự án áp dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.
Theo anh Nghĩa, với phương pháp phun siêu mịn và vận hành tự động bằng phương pháp định vị vệ tinh, thiết bị giúp thuốc phủ đều trên diện tích cây trồng. Qua đó, giúp nông dân tiết kiệm 30% thuốc và 90% lượng nước so với phương pháp phun truyền thống. Ngoài ra, đây còn là giải pháp tốt trong việc bù đắp tình trạng thiếu hụt lao động trong nông nghiệp, đảm bảo sức khỏe người lao động do không tiếp xúc trực tiếp với hóa chất.
Đánh giá về cuộc thi khởi nghiệp năm nay, ông Nguyễn Văn Vũ Minh – Bí thư Tỉnh đoàn, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi cho biết, các dự án dự thi năm nay có nhiều nét mới như tiếp cận được xu thế thời đại, áp dụng công nghệ vào sản xuất, khai thác giá trị gia tăng tài nguyên bản địa... Tuy nhiên, điểm yếu của các dự án là chưa có nhiều trải nghiệm về thị trường và thiếu chiến lược kinh doanh, yếu tố công nghệ trong dự án...
Là người quan sát, góp ý cho các dự án khởi nghiệp, ông Lương Nguyễn Duy Thông – Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, giám khảo cuộc thi cho biết, dù sản phẩm của các dự án đã có mặt trên thị trường nhưng vẫn chưa hình dung được phạm vi của thị trường. Đồng thời, các startup chưa đánh giá được những tác động rủi ro trong lĩnh vực kinh doanh mà mình đang thực hiện. Đây là vấn đề mà các bạn trẻ khởi nghiệp cần lưu ý khi bước ra thị trường rộng lớn. Để giải quyết vấn đề này, các bạn trẻ khởi nghiệp cần sự hỗ trợ của cộng đồng chuyên gia, các sở, ngành hữu quan trong việc xây dựng chiến lược kinh doanh, thay đổi bao bì, đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, xúc tiến thương mại...
Dù chỉ đạt giải khuyến khích với dự án “Tre về cuộc sống” nhưng điều giá trị nhất mà anh Đào Nguyên Quang Kiệt (huyện Thanh Bình) cảm nhận được khi tham gia cuộc thi chính là những góp ý tâm huyết, thiết thực của Ban giám khảo dành cho thí sinh. Anh Kiệt chia sẻ: “Khi bước vào cuộc thi, bản thân tôi nghĩ chỉ cần thế mạnh kỹ thuật thôi là đủ. Tuy nhiên, trải qua các vòng thi, từ đánh giá của Ban giám khảo, tôi hiểu nhiều hơn về việc định hướng chiến lược cho sản phẩm, phân khúc thị trường, định giá sản phẩm hợp lý để tiếp cận với người tiêu dùng”.
Nhằm tiếp tục bồi dưỡng để các dự án phát triển, ông Nguyễn Văn Vũ Minh cho chia sẻ, thời gian tới, Tỉnh đoàn sẽ phối hợp Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp tỉnh tổ chức các chuyến tham quan thực tế cho những dự án khởi nghiệp tại Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ tại TP.HCM. Qua đó, giúp các startup học hỏi, kết nối để đưa yếu tố công nghệ vào sản xuất, giúp các dự án đi nhanh và đi xa hơn. Ngoài ra, các ngành hữu quan còn tạo điều kiện giúp các bạn cọ xát, hiểu thêm về phạm vi thị trường để các startup hoạch định chiến lược kinh doanh, giúp dự án ngày một hoàn thiện hơn...
Cuộc thi Khởi nghiệp tỉnh Đồng Tháp năm 2019 có 72 dự án tham dự. Trải qua các vòng thi sơ tuyển, bán kết, chung kết, Ban tổ chức đã trao giải nhất cho dự án “Tổ phun xịt thuốc bảo vệ thực vật không người lái” của thí sinh Lâm Trọng Nghĩa (thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông). Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao 2 giải nhì, 2 giải ba và 5 giải khuyến khích cho các dự án.
Các dự án đạt giải còn được Ban tổ chức tặng một phần thưởng là chuyến đi học tập các mô hình khởi nghiệp tại Lâm Đồng và TP.HCM. Đồng thời, Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng với Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ Việt Nam còn dành tặng các dự án một khóa đào tạo khởi nghiệp...
|
Y DU