Hãy bảo vệ môi trường theo cách của bạn
Cập nhật ngày: 08/04/2019 09:48:40
ĐTO - Gần đây, bảo vệ môi trường không đơn giản chỉ là một trào lưu mà đang trở thành xu hướng có tác động tích cực đến việc thay đổi văn hóa tiêu dùng cũng như tư duy sản xuất của nhiều doanh nghiệp (DN) và cộng đồng người tiêu dùng (NTD). Tại Đồng Tháp, ngày càng có nhiều NTD “nói không” với túi nhựa và cũng có thêm nhiều sản phẩm thân thiện với môi trường “Made in Đồng Tháp” ra mắt NTD.
“Giấc mơ” túi đựng bằng cây cỏ thay thế túi xốp nhựa
Chị Huỳnh Như Trúc (SN 1986) được biết đến là một srtarup hoạt động trong lĩnh vực thiết kế hoa giấy nghệ thuật và các sản phẩm handmade tại TP.Cao Lãnh. Thời gian gần đây, starup này gây chú ý với NTD khi tung ra thị trường bộ sưu tập các sản phẩm thời trang thân thiện với môi trường. Đây là ý tưởng được lấy cảm hứng từ thông điệp “Hãy chung tay bảo vệ hành tinh của chúng ta”. Điểm thú vị của bộ sưu tập này chính là sự thân thiện với môi trường và mang đậm dấu ấn quê hương Đồng Tháp.
Chị Huỳnh Như Trúc bên cạnh bộ sưu tập handmade thân thiện với môi trường của mình
Bộ sản phẩm bao gồm ba lô, túi xách, ví... Điểm thú vị là sản phẩm được thiết kế chủ yếu từ cây cỏ, các nguyên liệu có thể dễ dàng phân hủy trong tự nhiên. Bộ sản phẩm này được nhận diện bằng hình ảnh các loại trái cây đặc sản của quê hương Đồng Tháp như: xoài Cao Lãnh, nhãn Châu Thành, quýt hồng Lai Vung, mận Hòa An. Hình ảnh được vẽ tỉ mỉ bằng một loại sơn đặc biệt thân thiện với môi trường.
Chia sẻ về ý tưởng phát triển các dòng sản phẩm thân thiện môi trường của mình, Như Trúc bộc bạch: “Sau một lần được xem đoạn clip ghi lại khoảnh khắc các nhân viên cứu hộ rất khó khăn để lôi chiếc ống hút nhựa ra từ lỗ mũi của một con rùa biển, rồi nhiều sinh vật biển phải chết vì ống hút nhựa, túi nhựa, tôi thật sự cảm thấy rất đau đớn. Và, tôi nghĩ rằng mình phải hành động thiết thực hơn nữa để bảo vệ môi trường. Tôi nghĩ, nếu bây giờ mình không thay đổi thì thử hỏi thế hệ con cháu chúng ta trong tương lai sẽ ra sao khi trái đất mỗi ngày một ô nhiễm trầm trọng hơn”.
Ngoài bộ sưu tập các sản phẩm túi thời trang thân thiện với môi trường, hiện Như Trúc cũng đang thiết kế những mẫu túi đệm mang tên “túi tử tế” để phục vụ cho chị em nội trợ, dự kiến sẽ ra mắt các bà nội trợ vào dịp lễ 30/4 tới.
Chị Như Trúc bày tỏ, có một thực tế và nó gần như trở thành một thói quen khó bỏ tại các chợ là đối với các sản phẩm tươi sống như cá, thịt, người bán thường sẽ đưa cho các bà nội trợ hai chiếc túi song song để tránh gây bẩn cho các sản phẩm khác. Thói quen này vô tình làm cho lượng nylon thải ra môi trường ngày một nhiều hơn.
Để khắc phục vấn đề này, bà chủ của Handy House dự kiến sẽ thiết kế những combo túi đệm mang tên Túi tử tế. Trong mỗi combo túi đệm thân thiện với môi trường sẽ có các túi giấy dầu nhiều loại kích cỡ, phục vụ cho nhu cầu đựng các loại thức ăn tươi sống như cá, thịt. Theo dự kiến của chị Trúc, mỗi túi đệm thân thiện với môi trường có giá khoảng 90 ngàn đồng, túi có thể sử dụng nhiều lần.
Thay đổi thói quen để thế giới xanh hơn
Không riêng các starup quan tâm phát triển các sản phẩm bảo vệ môi trường, mà các DN lớn của tỉnh Đồng Tháp cũng đang xắn tay phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường. Hành động này đang được cộng đồng nhiệt tình ủng hộ.
Gần đây, NTD cả nước thật sự phấn khích với sản phẩm ống hút gạo của Công ty TNHH Thực phẩm Hùng Hậu tại TP.Sa Đéc. Được sản xuất chủ yếu từ bột gạo và rau củ, ống hút gạo thật sự là một giải pháp hiệu quả giúp thay thế sản phẩm ống hút nhựa đang gây ô nhiễm trầm trọng tại các đại dương hiện nay. Với công xuất sản xuất khoảng trên 100 triệu ống hút gạo/năm, điều này đồng nghĩa mỗi năm DN Hùng Hậu sẽ giúp thế giới giảm đi tương đương số ống hút nhựa bị thải ra môi trường.
Không riêng cộng đồng DN mà đông đảo NTD cũng bắt đầu ý thức hơn về thói quen sử dụng các loại sản phẩm từ nhựa, đặc biệt sản phẩm nhựa chỉ sử dụng một lần.
Chị Phạm Mỹ Hạnh - chủ Khu ẩm thực làng bột Sa Đéc, TP.Sa Đéc chia sẻ: “Tại khu ẩm thực làng bột và quán cafe của mình, chúng tôi đã chuyển sang sử dụng ống hút gạo thay thế cho ống hút nhựa khoảng hơn 1 tháng nay. Việc thay đổi này khiến cho chi phí tăng khá nhiều nhưng chúng tôi tin rằng, thông qua cách làm này sẽ góp phần cho thông điệp “Bảo vệ môi trường” được lan tỏa trong cộng đồng tốt hơn và ngày càng có nhiều người hiểu và ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường.
Tại các gia đình, lượng rác thải từ sinh hoạt được thải ra môi trường rất lớn, nhất là các khu vực đông dân cư, thành phố lớn, lượng rác thải khổng lồ hằng ngày được thải ra từ các gia đình cũng đang làm “đau đầu” các nhà quản lý. Các bãi rác, nhà máy xử lý rác thải quá tải là điểm nghẽn chung mà nhiều thành phố lớn đang phải đối mặt. Vì vậy, mỗi ngày nếu mỗi người điều chỉnh một chút về hành vi của mình, cộng đồng có thể giảm được một số lượng rác thải đáng kể.
Rác thải nhựa đang “bức tử” các dòng sông
Chia sẻ về giải pháp giảm lượng rác thải sinh hoạt trong gia đình, chị Nguyễn Ngọc Gia Hân ngụ phường 1, TP.Cao Lãnh cho biết, trước đây, mỗi ngày gia đình gồm 4 thành viên của tôi thải ra môi trường khoảng 10kg rác thải. Khoảng 50% trong số đó là bỉm trẻ em và các loại túi nylon. Tuy nhiên, kể từ khi biết được tác hại khủng khiếp từ các loại rác thải nhựa, tôi đã tự xây dựng cho mình những phương án giảm thiểu sử dụng các loại túi nhựa, hộp xốp sử dụng 1 lần. Cụ thể, để giảm sử dụng các loại túi nhựa dùng 1 lần, mỗi khi đi chợ tôi tự mang theo giỏ để đựng thay vì lôi hàng chục bọc nylon về nhà. Khi mua thức ăn nấu sẵn, tôi sử dụng cà - mên đựng thức ăn thay cho hộp xốp dùng một lần. Tôi cố gắng tối giản không gian sống bằng cách tận dụng lại các sản phẩm bị coi là ve chai cho các mục đích khác trong gia đình.
Mặc dù trong một sớm một chiều không thể nào “nói không” với rác thải nhựa. Tuy nhiên, nếu tích cực muốn thay đổi, mỗi giải pháp dù rất nhỏ cũng sẽ phần nào giúp môi trường sống trong lành hơn. Và, khi đó phá vỡ cân bằng sinh thái sẽ không còn là vấn nạn nhức nhối ám ảnh cuộc sống của nhân loại.
Mỹ Lý