Hội Làm vườn tỉnh Đồng Tháp: Góp phần chuyển biến về tư duy làm nông nghiệp sạch của nông dân
Cập nhật ngày: 08/06/2016 13:35:57
ĐTO - Những năm qua, bên cạnh những mô hình được ngành nông nghiệp chuyển giao, trong quá trình sản xuất, nhiều hội viên Hội Làm vườn (HLV) tỉnh có những đột phá mới, vận dụng kỹ thuật, những cách làm hay góp phần nâng cao giá trị nông sản, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Nhà vườn trồng mận Lai Vung sử dụng mùng lưới để tránh dịch ruồi đục trái
Mận là một trong những loại cây ăn trái được trồng phổ biến ở Đồng Tháp, những năm gần đây dịch ruồi đục trái khiến nông dân trồng mận bị thiệt hại rất nhiều. Để duy trì sản xuất, giải pháp tăng cường phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) là cách được nhiều nhà vườn lựa chọn, nhất là vào mùa mưa, tuy nhiên cách làm này ảnh hưởng đến chất lượng trái mận, người tiêu dùng cũng e dè khi sử dụng. Trước tình hình đó, một số nhà vườn ở Lai Vung đã sáng tạo ra cách dùng mùng lưới để ngăn ruồi đục trái và đạt kết quả thành công ngoài mong đợi.
Anh Lê Ngọc Giàu - hội viên HLV xã Định Hòa, huyện Lai Vung, chia sẻ: “Khi điều kiện canh tác thay đổi, mình phải tìm cách làm mới để duy trì sản xuất. Giải pháp dùng thuốc hóa học để can thiệp không mang lại hiệu quả khi người tiêu dùng tỏ ra nghi ngại với sản phẩm mận. Giải pháp dùng mùng lưới là phương án khả thi nhất giúp nhà vườn trồng mận thoát khỏi dịch ruồi đục trái, cũng như củng cố lòng tin của người tiêu dùng. Tôi nghĩ rằng trong xu hướng hội nhập, trước khi nghĩ tới việc xuất khẩu thì cần làm ra sản phẩm chất lượng phục vụ cho thị trường trong nước trước đã”.
Anh Tống Văn Phong - hội viên HLV xã Vĩnh Thới, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất quýt đường ở xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung thì cho rằng: “Đất nước đang hội nhập với thế giới, nhu cầu của người tiêu dùng trong nước cũng đang có nhiều thay đổi theo xu hướng hiện đại. Là nhà sản xuất, tôi nhận thấy mình cần phải thay đổi, nắm bắt xu hướng thị trường để có những điều chỉnh sản xuất kịp thời. Sản xuất theo hướng an toàn, tiến tới đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP là điều cần thiết”.
Để có những thay đổi tích cực trong nhận thức của người sản xuất, thời gian qua HLV tỉnh thường xuyên phối hợp với những đơn vị chuyên môn thực hiện công tác tuyên truyền; tổ chức các buổi hội thảo, diễn đàn, các khóa huấn luyện sản xuất trái cây theo hướng VietGAP một cách đều đặn và liên tục. Thông qua những chương trình này, bà con nhà vườn được các diễn giả, cơ quan chuyên môn hướng dẫn tường tận về kỹ thuật sản xuất theo hướng an toàn, VietGAP, GlobalGAP.
Ngoài ra, các thông tin về thị trường xuất khẩu trái cây, việc tham gia các Hiệp định thương mại của Việt Nam cũng được HLV thông tin cụ thể đến hội viên. Từ những hoạt động thiết thực của HLV tỉnh trong thời gian qua, nhận thức của bà con nhà vườn về sản xuất nông nghiệp theo hướng sạch - bền vững được cải thiện đáng kể. Diện tích vườn cây ăn trái trên địa bàn tỉnh được chứng nhận an toàn, VietGAP, GlobalGAP... ngày càng được mở rộng. Hiện nhiều mặt hàng trái cây của Đồng Tháp không những nhận được sự tin dùng của thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Theo thống kê của HLV tỉnh, đến nay toàn tỉnh có trên 500ha vườn cây ăn trái đã được cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn, VietGAP, GlobalGAP. Thời gian tới, con số này hứa hẹn nâng lên nhiều lần, bởi phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững là định hướng lâu dài mà ngành nông nghiệp Đồng Tháp đang hướng tới.
Mặc dù đại bộ phận nông dân nhất là hội viên HLV tỉnh đang có những chuyển biến mạnh mẽ về sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, song để nông sản an toàn nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của người sản xuất và tiêu dùng thì vẫn cần sự nỗ lực hơn từ nhiều phía, nhất là các ngành chuyên môn.
Tiến sĩ Võ Mai - Phó Chủ tịch HLV Việt Nam nhận định: “Để các mặt hàng nông sản được chứng nhận VietGAP đến tay người tiêu dùng hiệu quả nhất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có nhãn mác được thiết kế riêng và đồng bộ trên toàn quốc dành cho các sản phẩm nông sản được chứng nhận đạt chuẩn VietGAP.
Đồng thời cũng cần có những quy chế, quy định về việc sử dụng loại nhãn mác này, nhằm tránh những trường hợp làm nhái hay giả mạo. Đây là cơ sở để người tiêu dùng kiểm soát được chất lượng thật sự những nông sản họ mua.
Ngoài ra, để chuỗi sản xuất nông sản an toàn phát triển bền vững, nông dân cần phát triển theo mô hình kinh tế hợp tác trong tổ chức hợp tác xã. Trong bối cảnh hội nhập, vấn đề về truy xuất nguồn gốc sản phẩm và vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm được đặt lên hàng đầu. Vì vậy, không có cách nào khác là nông dân phải sản xuất theo quy trình an toàn, được chứng nhận theo hướng VietGAP”.
Minh Nhật