I.D.I và lý tưởng phát triển bền vững
Cập nhật ngày: 13/06/2018 10:14:12
Có lẽ chưa lúc nào sản phẩm cá tra của Việt Nam giảm sức “hút” trên thị trường thế giới. Kích nhiệt cho độ nóng là thị trường Mỹ khi họ đưa ra hàng loạt các tiêu chuẩn khắt khe. Ngoài rào cản thương mại - thuế chống bán phá giá (PORC) thì rào cản kỹ thuật - điều kiện nuôi, qui trình chế biến và sản xuất cá giống phải tương đương cá nheo của Mỹ. Tất cả sẽ được kiểm soát chặt chẽ từ công đoạn nuôi, thu hoạch, vận chuyển đến cơ sở chế biến, xuất khẩu. Sản phẩm phải đảm bảo yêu cầu liên quan đến 85 tiêu chí về thuốc thú y, 106 chỉ tiêu về thuốc bảo vệ thực vật, 4 chỉ tiêu về thuốc nhuộm, 17 chỉ tiêu về kim loại, 8 chỉ tiêu về vi sinh, hóa học... dựa theo những bộ qui chuẩn mà Mỹ đưa ra.
Một dây chuyền sản xuất thủy sản sạch - an toàn của Công ty IDI
Hiện Việt Nam chỉ có 13/60 doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, I.D.I nằm trong TOP đầu danh sách được cấp Quota. Quyết nắm giữ lợi thế đó, I.D.I thực hiện “lý tưởng bền vững” bên cạnh “mục tiêu tăng trưởng ngoạn mục”.
Trong khi vua cá tra Hùng Vương có một quý đầu năm bết bát với lợi nhuận âm 272 tỷ đồng và là doanh nghiệp lỗ duy nhất trong các công ty được khảo sát, thì IDI chiếm vị thế quán quân với mức lợi nhuận sau thuế là 167 tỷ đồng, gấp nhiều lần cùng kỳ năm trước.
Cuộc chiếm lĩnh đầy thuyết phục
Theo đuổi mục tiêu tăng trưởng ngoạn mục là điều tất yếu của mỗi doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp tiếp tục “dấn bước” với những lý tưởng thì chiến lược phát triển đó mới thực sự có ý nghĩa cho chính họ và cho cả cộng đồng. Mô hình hộ nuôi liên kết do I.D.I khởi xướng ngay từ khi công ty ra đời vào năm 2007, đến nay vẫn còn được duy trì và ngày càng có sức ảnh hưởng đến hàng ngàn hộ nuôi cá tra ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, buộc họ phải tham gia hợp tác với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản nếu muốn bền vững với nghề này. I.D.I đã định hướng hình thành nên mối liên kết tất yếu của ngành thủy sản theo xu thế chuyên nghiệp. Trong số 150 doanh nghiệp tham gia ngành hàng cá tra thì I.D.I được chú ý đến như một mô hình mẫu về tính hiệu quả trong việc xây dựng vùng nuôi liên kết.
Hàng năm, từ mô hình này, 80 hộ nuôi cung cấp khoảng 80.000 tấn cá nguyên liệu cho 2 nhà máy của I.D.I hoạt động liên tục. Khi hình thành được vùng nuôi liên kết cũng đồng nghĩa với việc I.D.I nghiễm nhiên hoàn toàn chủ động được nguồn nguyên liệu: ổn định về số lượng và kiểm soát được chất lượng. Tại mỗi ao nuôi đều đăng ký chỉ dẫn vị trí địa lý để các đối tác khách hàng có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc. Theo đó, vùng nuôi liên kết của I.D.I đã tuân thủ đúng các quy định của Mỹ theo chương trình kiểm soát an toàn thực phẩm từ vùng nuôi và các thành phẩm xuất sang Mỹ.
Trước đó, từ ngày 1/9/2017, cá da trơn và cá tra được chính quyền Mỹ chính thức công nhận như một loài cá da trơn, dù sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu cũng phải chịu sự giám sát của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), bắt buộc hệ thống quản lý chất lượng từ con giống - vùng nuôi - nhà máy chế biến - hệ thống phân phối đến tay người tiêu dùng đều phải tương đồng với yêu cầu của Mỹ.
I.D.I sở hữu vị trí đắc địa bật nhất vùng Mekong
Văn hóa chia sẻ nhận thức phát triển bền vững với đối tác
Phát triển chỉ có ý nghĩa khi mang tính bền vững. Trong chiến lược hoạt động, I.D.I luôn sẵn sàng chia sẻ nhận thức về lý tưởng phát triển bền vững cho những đối tác: hộ nuôi - khách hàng - cán bộ, nhân viên cho đến chính quyền địa phương. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng đối với công ty vì một khi đặt đúng vị trí các mối quan hệ về sự tôn trọng thì sẽ nhận được lại sự thủy chung - sự đồng hành của các bên. Xây dựng các mối quan hệ bằng sự chân thành, cởi mở đã trở thành văn hóa của I.D.I.
Hiện IDI là công ty nằm trong top 3 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lớn nhất Việt Nam, thị trường tiêu thụ mở rộng lên đến 150 Quốc gia như: Mỹ, EU, ASEAN, châu Phi, Nam Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ,...
Bằng bản lĩnh và tầm nhìn xa, đi tắt đón đầu trong kinh doanh, IDI đã sớm nhận thức được tầm quan trọng trong việc tự chủ nguồn nguyên liệu để ổn định nguồn sản xuất kinh doanh, đã mạnh dạn phát triển vùng nuôi của công ty cũng như vùng nuôi liên kết với các hộ nông dân tại các tỉnh: An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp.
Thủy chung với nông dân nuôi cá, ăn chắc mặc bền, chọn lựa vị trí đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực ngắn hạn và dài hơi, tính nhân văn trong ứng xử với người lao động, khép kín chuỗi giá trị, chiến lược phát triển thị trường ổn định, IDI lãi “lớn” không chỉ về doanh thu bằng tài chính mà hơn cả là bội thu nhờ vào cách biết ứng xử có văn hóa trong kinh doanh. Năm 2018, I.D.I kỳ vọng sẽ thiết lập đỉnh mới trong sự sinh tồn khi vượt qua hàng rào kỹ thuật từ thị trường Mỹ một cách ngoạn mục.
Quốc Thái