Khát vọng tạo dựng hình ảnh đẹp của địa phương đối với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư
Cập nhật ngày: 19/05/2021 06:26:39
ĐTO - Ngày 18/5, tại TP.Cao Lãnh, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội nghị trực tuyến đánh giá Chỉ số Năng lực canh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020. Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Trí Quang đồng chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị trực tuyến có ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Năm 2020, PCI của tỉnh Đồng Tháp đạt: 72,81 điểm (tăng 0,71 điểm so với năm 2019). Qua 16 năm, tỉnh đã được VCCI đánh giá kết quả PCI hàng năm (từ năm 2005) đến nay. Kết quả cho thấy, Đồng Tháp là địa phương duy nhất trên cả nước có mức độ cải thiện ổn định tăng dần qua các năm. Điều này đã khẳng định vai trò chỉ đạo, năng lực điều hành của các cấp chính quyền tỉnh trong lĩnh vực phát triển kinh tế ngày càng được hoàn thiện, sẵn sàng đáp ứng được nhu cầu phát triển trong từng giai đoạn.
Phân tích các xu hướng tích cực về chất lượng điều hành của tỉnh năm 2020, ông Trương Hòa Châu - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, về tổng thể, Đồng Tháp giữ vững thứ hạng thứ 2 trên Bảng tổng xếp hạng, thuộc “Nhóm có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất nước”. Kết quả xếp hạng cho thấy, mức độ cải thiện của tỉnh là rất đồng đều, trải dài qua các lĩnh vực khảo sát, chứ không chú trọng vào một vài Chỉ số có trọng số cao để đạt được kết quả tốt về thứ bậc trên Bảng xếp hạng. Đây chính là yếu tố quan trọng, thể hiện rõ quan điểm chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh, đó là: “cải thiện môi trường đầu tư” là để phục vụ doanh nghiệp, chứ không phải chỉ để có “kết quả đẹp” trên Bảng xếp hạng. Trong báo cáo PCI năm 2020 cũng nêu rõ, tỉnh Đồng Tháp tiếp tục là “ngôi sao cải cách”, “ngôi sao sáng” về môi trường đầu tư, vẫn giữ vững một tinh thần “đồng hành” cùng người dân, doanh nghiệp.
Năm 2020, Đồng Tháp có nhiều Chỉ số thành phần dẫn đầu cả nước nhất (06/10 Chỉ số). Đặc biệt, Chỉ số “Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh” là một trong những Chỉ số đã mang “thương hiệu” của lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp trong nhiều năm liền. Bên cạnh đó, những lĩnh vực có cải thiện mạnh mẽ nhất trong năm 2020 là: “Chi phí thời gian” (tăng 1,10 điểm giá trị, tương ứng 0,55 điểm PCI); “Chi phí không chính thức” (tăng 0,45 điểm giá trị, tương ứng 0,45 điểm PCI); “Gia nhập thị trường” (tăng 0,81 điểm giá trị, tương ứng 0,41 điểm PCI); “Đào tạo lao động” (tăng 0,17 điểm giá trị, tương ứng 0,34 điểm PCI); “Thiết chế pháp lý” (tăng 0,56 điểm giá trị, tương ứng 0,29 điểm PCI).
Các Chỉ số này phản ánh trực tiếp đến các hoạt động của DN. Cụ thể, việc “gia nhập thị trường” thuận lợi sẽ là yếu tố khích lệ ban đầu cho doanh nghiệp bứt phá; các yếu tố về “chi phí” tác động trực tiếp đến hiệu quả tài chính của doanh nghiệp làm cho doanh nghiệp “khỏe mạnh” hơn; yếu tố về “lao động” là yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển của DN... đã được các cấp, các ngành tỉnh tập trung cải thiện có hiệu quả nhằm đạt mục đích “phục vụ” DN đã được các cấp lãnh đạo tỉnh quán triệt trong suốt thời gian vừa qua...
Bên cạnh những xu hướng tích cực, hội nghị cũng đề cập đến các xu hướng quan ngại từ kết quả PCI 2020 của tỉnh nhà, đó là một số hạn chế như chỉ số PCI Đồng Tháp năm 2020 đứng ở vị trí thứ 2 trên cả nước, tuy nhiên, tổng điểm của Đồng Tháp còn cách xa so với thang điểm tuyệt đối 100 (72,81/100). Điều này cho thấy, dư địa để cải thiện của tỉnh vẫn còn rất nhiều. Đặc biệt là Chỉ số “Tính năng động” và “Tính minh bạch”, mặt dù vẫn dẫn dầu cả nước, nhưng đã giảm điểm so với năm 2019. Sự năng động của lãnh đạo tỉnh đã được doanh nghiệp đánh giá rất cao. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn chưa hài lòng với sự “năng động và sáng tạo” của một số lãnh đạo sở, ngành và UBND các huyện, thành phố. Cụ thể: có đến 75% doanh nghiệp phản ánh “lãnh đạo tỉnh có chủ trương đúng đắn nhưng không được thực hiện tốt ở các sở, ngành”; có đến 58% doanh nghiệp cho rằng “lãnh đạo tỉnh có chủ trương, chính sách đúng đắn nhưng không được thực hiện tốt ở cấp huyện”...
Để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh năm 2021 và những năm tiếp theo, hội nghị cũng bàn về dự thảo kế hoạch cải thiện PCI tỉnh Đồng Tháp năm 2021. Theo đó, mục tiêu tổng quát là tỉnh tiếp tục nâng cao nhận thức và hành động của các ngành, các cấp thực hiện chủ trương “Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp”; nêu cao tinh thần, thái độ phục vụ doanh nghiệp, nhà đầu tư; không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng điều hành nhằm mục đích cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh vì sự phát triển của doanh nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Mục tiêu cụ thể, phấn đấu điểm số PCI tỉnh Đồng Tháp năm 2021 đạt 74,81 điểm, tăng 2 điểm so với năm 2020 và duy trì trong Nhóm các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế “rất tốt” trên cả nước.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong bày tỏ niềm phấn khởi trước kết quả đạt được từ chỉ số PCI 2020 với những triển vọng tích cực của tỉnh nhà. Tuy nhiên, Bí thư cũng nhắc nhở các sở, ngành, địa phương phải cảnh tỉnh mình trước những thành quả đạt được, phải nhìn nhận rõ những khuyết điểm, hạn chế. Theo Bí thư, phải cảnh tỉnh mình để tạo thế chủ động khi triển khai thực hiện nhiệm vụ đề ra trong năm 2021 sẽ quyết liệt hơn và nhằm đạt được những kết quả thiết thực hơn. Thời gian tới, cần có sự đồng bộ hơn nữa từ toàn bộ hệ thống chính quyền với tinh thần trách nhiệm cao của từng cán bộ, công chức...
Bí thư Lê Quốc Phong cho rằng, mục tiêu trong “câu chuyện” PCI của Đồng Tháp là xem trách nhiệm của địa phương với DN, tinh thần phục vụ của địa phương với DN là quan trọng chứ vấn đề quan trọng không phải là thứ hạng. Vấn đề quan trọng là Đồng Tháp thực hiện chỉ số PCI hiệu quả hơn, tốt hơn để địa phương tiếp tục có thêm những giá trị thu hút được các nhà đầu tư và thúc đẩy kinh tế xã hội tỉnh nhà phát triển...
Bên cạnh việc đánh giá chất lượng điều hành qua các báo cáo Chỉ số năng lực canh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020. Dịp này, đại diện các sở, ban, ngành và các địa phương tham dự hội nghị tại các điểm cầu trong tỉnh đã tham gia trao đổi, phát biểu ý kiến, có các tham luận và phân tích sâu những khó khăn, thuận lợi từng chỉ số để từ đó có giải pháp thiết thực, hiệu quả trong việc phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế khuyết điểm để tiếp tục có những thành quả tốt hơn trong thời gian tới.
Tham dự hội nghị trực tuyến, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế VCCI, Giám đốc Dự án PCI nhận xét, những phát biểu của lãnh đạo tỉnh tại hội nghị cho thấy khát vọng rất lớn của tỉnh Đồng Tháp trong việc tạo dựng hình ảnh địa phương có nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư. Theo ông Đậu Anh Tuấn, xu hướng chung của các địa phương đang thay đổi tích cực, các tỉnh nhóm sau trong bảng xếp hạng PCI đang có những nỗ lực vượt bậc để thu hẹp khoảng cách với các tỉnh dẫn đầu. Điều này cũng phát đi tín hiệu, những động lực và thực tiễn cải cách tốt đã được lan tỏa và đòi hỏi các địa phương tiếp tục không ngừng nỗ lực. Đối với tỉnh Đồng Tháp, ông Đậu Anh Tuấn khuyến nghị, để cải thiện PCI, tỉnh cần tiếp tục phát huy tính năng động, sáng tạo của địa phương; duy trì kết quả về công khai, minh bạch; nâng cao hoạt động hỗ trợ DN khởi sự kinh doanh; kiểm soát tốt việc thanh tra, kiểm tra DN. Trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉnh cần có giải pháp hỗ trợ hỗ trợ DN bị ảnh hưởng bởi Covid-19 kịp thời...
Chủ trì hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa phát biểu, từ kết quả PCI để Đồng Tháp nhìn lại, thêm tự tin soi lại mình, từ đó nhận ra những gì còn khiếm khuyết để đề ra mục tiêu, giải pháp phấn đấu nhằm tạo lập một môi trường đầu tư, kinh doanh đem đến sự hài lòng đối với các thành phần kinh tế. Quan trọng nhất là từ PCI, địa phương đã chuyển đổi được tư duy, điển hình nhất là tính tiên phong trong công tác lãnh đạo điều hành của chính quyền địa phương...
Chủ tịch Phạm Thiện Nghĩa đề nghị các ngành, các cấp, địa phương chú tâm hơn trong việc củng cố, đi vào chiều sâu và tiếp tục xây dựng các mô hình hiệu quả của từng đơn vị. Đối với công tác thu hút đầu tư, Chủ tịch cho biết, tỉnh luôn chú trọng các vấn đề liên quan đến môi trường, đảm bảo an ninh nguồn nước, vấn đề giải quyết nguồn lực lao động, đảm bảo an ninh trật tư, an toàn cho hoạt động của DN trên địa bàn tỉnh... Đặc biệt, Đồng Tháp luôn xem thành công của DN là thành công của địa phương, từ đó quyết tâm xây dựng hình ảnh quê hương Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa trao Bằng khen cho các cá nhân
Dịp này, Ban tổ chức trao Bằng khen UBND tỉnh Đồng Tháp cho 16 tập thể và 6 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ cải thiện PCI tỉnh Đồng Tháp năm 2020.
Thanh Hiền