Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng ứng dụng khoa học - kỹ thuật và chế biến sâu

Cập nhật ngày: 15/05/2021 06:06:51

ĐTO - Tổ chức lại sản xuất theo hướng ứng dụng khoa học - kỹ thuật (KHKT), tập trung chế biến sâu các ngành hàng tái cơ cấu nông nghiệp (TCCNN), nhờ đó, nông nghiệp huyện Tháp Mười đã có những bước phát triển vượt bậc, xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế mới, đem lại thu nhập cao cho nông dân.


Cấy lúa bằng máy tại cánh đồng Mỹ Đông 2

Nhận thức được vai trò của KHKT đối với sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, huyện Tháp Mười đẩy mạnh ứng dụng KHKT, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từng bước nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi.

Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp (DVNN) Mỹ Đông 2 là một điển hình trong việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đạt hiệu quả kinh tế cao. Từ năm 2019 đến nay, với sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Đồng Tháp, HTX đã xây dựng cánh đồng thông minh với diện tích 170ha, trong đó đầu tư các hạng mục trạm bơm điện, hệ thống máng nước, lắp các cảm biến đo mực nước, hệ thống quản lý sâu rầy được điều khiển bằng điện thoại thông minh... Qua đó, giúp HTX tiếp cận công nghệ 4.0, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Anh Ngô Phước Dũng - Giám đốc HTX DVNN Mỹ Đông 2 cho biết, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất giúp nông dân HTX giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất nhờ thực hiện các biện pháp sạ thưa, bón phân 1 lần/1 mùa vụ. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ tưới khô xen kẽ còn giúp tiết kiệm nước, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng nhờ có hệ thống tưới bằng máy bay. Hiện 2/3 diện tích của HTX đã được các công ty, doanh nghiệp (DN) bao tiêu nên nông dân không lo đầu ra.

Theo UBND huyện Tháp Mười, ngoài lúa, đối với các ngành hàng TCCNN khác của huyện (sen, vịt, ếch, cá sặc rằn, mít - bổ sung năm 2021) cũng đã khuyến khích, hỗ trợ các HTX mạnh dạn áp dụng các tiến bộ KHKT, công nghệ vào sản xuất. Qua đó, việc ứng dụng KHKT vào sản xuất của huyện đã có những bước tiến quan trọng, đạt được kết quả ở hầu hết các ngành hàng TCCNN, làm thay đổi tư duy và phương thức tổ chức của người dân.

Cụ thể, đối với ngành hàng sen, việc sản suất sen hiện nay không chỉ dừng lại ở bán sen tươi, mà chuyển dần sang sơ chế, chế biến sâu để nâng cao giá trị sản phẩm của cây sen. Những năm qua, Tháp Mười đã nỗ lực đăng ký bảo hộ thành công nhãn hiệu 2 chứng nhận “Sen Tháp Mười” trong và ngoài nước, huyện đang hoàn chỉnh quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu kết hợp với du lịch sinh thái về sen. Một số sản phẩm được sản xuất, sơ chế, chế biến từ sen tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)” đạt sao như: Hạt sen tươi, Củ sen cắt lát, Trà lá sen, Trà tim sen, Hạt sen sấy, Rượu hồng sen tửu...

Ngành hàng vịt đã thay đổi dần từ chăn nuôi chạy đồng sang chăn nuôi nhốt tại chỗ an toàn sinh học, chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô lớn, tạo ra được mối liên kết sản xuất và tiêu thụ trứng vịt với DN lớn, truy xuất nguồn gốc, thực hành sản xuất theo hướng VietGAP, hình thành nên các tổ hợp tác (THT) chăn nuôi, các trang trại quy mô lớn, đây được xem là kết quả đáng ghi nhận trong thực hiện tái cơ cấu ngành hàng vịt.

Đối với ngành hàng cá sặc rằn, hiện địa phương đã quy hoạch vùng nuôi cá - lúa kết hợp, diện tích 250ha theo hướng giảm ô nhiễm môi trường; xây dựng vùng nuôi theo hướng VietGAP tại THT nuôi cá sặc rằn xã Láng Biển với diện tích 7,35ha gồm 6 thành viên, hiện đang duy trì hoạt động ổn định; ngành hàng ếch số lượng và diện tích thả nuôi ếch hàng năm ổn định, duy trì khoảng 60 triệu con/năm, diện tích 68ha, sản lượng trên 5.400 tấn ếch thịt thương phẩm/năm.

Riêng đối với ngành hàng mít, tuy mới bổ sung là ngành hàng TCCNN của huyện trong năm 2021 nhưng để từng bước phát triển ổn định, bền vững, có kiểm soát tập trung và nâng cao chất lượng sản phẩm, hiện địa phương đã tập trung đăng ký mã vùng trồng 500ha phục vụ nhu cầu xuất khẩu của các công ty, DN; có ít nhất 1 mô hình trồng mít theo 3 tiêu chuẩn VietGAP gắn với người nông dân trồng mít chuyên nghiệp tại xã Mỹ An, Phú Điền.

Thời gian tới, huyện Tháp Mười sẽ tiếp tục đưa các tiến bộ KHKT mới vào trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, qua đó lựa chọn và chuyển giao nhanh các giống cây con có năng suất cao, chất lượng sản phẩm tốt và biện pháp kỹ thuật thâm canh mới có hiệu quả vào sản xuất. Nhân rộng các mô hình sản xuất ứng dụng tiến bộ kỹ thuật có hiệu quả kinh tế cao. Tổ chức xây dựng các mô hình sản xuất cây trồng, vật nuôi an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP đáp ứng nhu cầu của thị trường.

MN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn