Khi phụ nữ nghèo khởi nghiệp

Cập nhật ngày: 14/08/2018 06:15:37

ĐTO - Với sự đồng hành của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp, sự chăm chỉ, siêng năng, khéo léo, sự “đột phá” của bản thân, những người phụ nữ từng làm nghề phụ hồ, đi làm thuê xa xứ, bệnh tật đã cải thiện cuộc sống gia đình, vượt qua cảnh nghèo, từng bước ổn định cuộc sống.


Chị Hồ Thị Diễm Thúy ngụ thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười chọn hạt sen rám để nấu sữa sen

Gia đình khó khăn, chị Hồ Thị Diễm Thúy ngụ khóm I, thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười có “thâm niên” 24 năm làm nghề phụ hồ. Mỗi ngày, chị đi theo các công trình khiêng vác, bẻ sắt, số tiền làm mướn ít ỏi không đủ lo cho các con, đã nghèo lại càng nghèo hơn. Chị Thúy kể về công việc của mình trước đây: “Đi từ công trình này đến công trình khác, công việc nặng nề, cực lắm. Khi có lời thì thầu trả lương, không thì trả chậm hoặc không trả. Để lo cho các con, buộc tôi phải làm thêm nhiều việc khác như đi giao hàng, bán hàng, công việc gì lương thiện thì tôi làm. Trong một lần bị chủ thầu không trả tiền lương, tôi khóc và suy nghĩ hay là mình làm thêm một nghề gì đó để cuộc sống đỡ hơn. Vậy là tôi bắt đầu chọn nghề nấu sữa bắp, sữa sen để bán...”.

Không có kinh nghiệm, nên những mẻ sữa đầu tiên phải bỏ, kiên trì thử nghiệm nhiều lần, cuối cùng sữa bắp, sữa sen của chị cũng thành công với hương vị thơm ngon. Lúc đầu, chỉ bán lẻ cho những người trong xóm hay người quen, về sau được Chi hội Phụ nữ khóm I, thị trấn Mỹ An ủng hộ, khuyến khích, Hội LHPN huyện Tháp Mười hỗ trợ hoàn thiện các thủ tục đăng ký kinh doanh, đưa sản phẩm ra thị trường. Chị Thúy nói về cuộc sống và công việc hiện tại: “Giờ công việc, thu nhập cũng ổn, ngoài nấu sữa, tôi còn bán quán giải khát tại chợ Tháp Mười, bỏ mối vật tư cho các công trình. Sản phẩm sữa sen Diễm Thúy đảm bảo đủ các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Mỗi ngày sản xuất gần 300 chai sữa bỏ mối trong, ngoài tỉnh, thu nhập ổn định. Tôi dự định làm thêm sản phẩm mới: sữa sen bột, sữa chua sen...”.


Sản phẩm mắm cá, dưa mắm của chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền ngụ xã Tân Phú, huyện Thanh Bình

Đến thăm chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền ngụ xã Tân Phú, huyện Thanh Bình là hộ cận nghèo. Không đất sản xuất, không vốn liếng, gia đình 4 thành viên phải đi làm mướn ở xa một thời gian. Nghèo vẫn hoàn nghèo, gia đình chị trở về xã Tân Phú để làm nghề mắm truyền thống của gia đình. Nghề mắm vất vả, từ khâu chọn mua cá, làm sạch, ướp muối, chao đường, thính... Qua nhiều ngày, nhiều tháng, cuối cùng mới cho ra sản phẩm. Món mắm cá và dưa mắm, dưa đu đủ của chị làm rất ngon, nhưng chỉ bán quanh quẩn trong chợ.

Muốn giúp đỡ chị, Chi Hội Phụ nữ ấp Tân Thuận B, xã Tân Phú, Hội LHPN xã, huyện, tỉnh đã khuyến khích, định hướng để chị phát triển sản phẩm của mình theo hướng chuyên nghiệp. Từ chỗ mắm cá, dưa mắm chỉ bán nhỏ lẻ, sản phẩm được đóng hộp, có tên nhãn hiệu, thành phần, hạn sử dụng, được tạo điều kiện tham gia các hội chợ trong, ngoài tỉnh, khu vực. Chị Tuyền xúc động nói: “Hội LHPN các cấp giúp đỡ tôi rất nhiều, khuyến khích tôi khởi nghiệp, đem sản phẩm đi giới thiệu với nhiều người. Nhờ vậy, mỗi tháng, tôi bán được vài trăm ký mắm, không phải lo thiếu ăn như trước, tích lũy được chút đỉnh lo cho con ăn học...”.

Nhiều năm qua, cô Trần Thị Huỳnh Mai ngụ phường 1, TP.Sa Đéc mang trong mình căn bệnh tim và bệnh khớp. Bệnh tật làm cho cô gặp nhiều khó khăn trong công việc. Không đầu hàng với hoàn cảnh, cô tìm hiểu, học nghề làm bánh tráng khoai mì, kẹo mạch nha. Cô Mai được Hội LHPN phường, thành phố hỗ trợ, cộng với số tiền tích lũy dành dụm, cô mua máy móc phục vụ việc chế biến sản phẩm. Cô Mai kể: “Tôi không có nhiều sức khỏe, điều kiện không có, nên gặp nhiều khó khăn. Bản thân tôi luôn cố gắng, được Hội LHPN các cấp giúp đỡ hỗ trợ vốn, giới thiệu sản phẩm. Hiện nay, sản phẩm được bán trong, ngoài tỉnh...”.

Với sự định hướng, khuyến khích của Hội LHPN huyện, thành phố, tỉnh, những phụ nữ nghèo được giúp đỡ vốn, chế biến, sản xuất sản phẩm không sử dụng các chất bảo quản, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, sản phẩm có đầu ra ổn định. Khi đến trực tiếp tại cơ sở của các chị, điều thú vị là có nhiều chị em phụ nữ nông thôn nghèo cùng tham gia làm việc. Được biết, mỗi chị có thu nhập từ 2,5 triệu đồng - 4 triệu đồng/tháng (tùy theo công việc).

Sắp tới đây, các chị phụ nữ nghèo, cận nghèo có những sản phẩm khởi nghiệp, cùng với các chị phụ nữ có điều kiện khác sẽ tham gia cuộc thi Dự án khởi nghiệp năm 2018. Các chị sẽ được gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ, học hỏi với các chuyên gia và được định hướng, kế hoạch, mục tiêu trong tương lai đối với các sản phẩm được hình thành từ ý tưởng của bản thân. Mỗi câu chuyện của các chị là một thực tế đầy ắp những khó khăn, nhưng với ý chí, bản lĩnh, sự cần cù, chịu thương, chịu khó, chia sẻ giúp đỡ đúng hướng, đúng thời điểm, các chị đã vươn lên, vượt qua nghịch cảnh.

C.PHƯƠNG

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn