Kinh tế nông nghiệp với bước tiến mới

Cập nhật ngày: 11/08/2018 06:23:34

ĐTO - Sau 3 năm thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội giữa nhiệm kỳ 2015 – 2020, kinh tế nông nghiệp của tỉnh phát triển khá tốt, đời sống người dân ở khu vực nông thôn có bước cải thiện.


Trồng hoa kiểng cho thu nhập cao

Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới và công tác giảm nghèo bền vững với định hướng giảm dần sản lượng, nâng cao chất lượng, hình thành chuỗi giá trị từng ngành hàng nhằm bảo đảm tăng thêm lợi nhuận và thu nhập cho người dân, tỉnh tập trung chỉ đạo các địa phương tổ chức lại sản xuất theo quy trình an toàn, ứng dụng công nghệ cao và thực hiện cơ giới hóa vào sản xuất.

 Đồng thời hình thành vùng chuyên canh quy mô lớn, đủ sức cạnh tranh trên thị trường, nhất là đẩy mạnh kết nối hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ giữa doanh nghiệp và người nông dân thông qua hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác.

Qua đó, giúp nông dân chuyển đổi nhận thức từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; từng bước chuyển dịch lao động nông thôn sang khu vực phi nông nghiệp. Ước đến cuối năm 2018, tỷ lệ lao động nông nghiệp giảm còn 50,5% trong tổng số lao động xã hội, đạt 99% kế hoạch giai đoạn 2016 – 2020.

Đồng hành với người sản xuất nông nghiệp, tỉnh đã ban hành các chính sách khuyến khích sản xuất tập trung và hỗ trợ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nông nghiệp đáp ứng yêu cầu canh tác của người dân.

Từ sự hỗ trợ đó, trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: trồng hoa kiểng trong nhà màng kết hợp hệ thống tưới phun tại HTX Hoa kiểng Tân Quy Đông; mô hình sản xuất rau an toàn tại HTX nông nghiệp Tân Phú Đông; sản xuất xoài theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP tại HTX Xoài Mỹ Xương; hình thành mô hình canh tác lúa lý tưởng tại HTX Mỹ Đông 2. Đặc biệt, mô hình trồng dưa lê, dưa lưới trong nhà màng, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt từ công nghệ Israel của Công ty TNHH MTV Nông trại sinh thái Đồng Tháp đang phát triển ổn định và đạt hiệu quả rất cao...

Quan trọng hơn, tỉnh nhạy bén thành lập Tổ Thông tin và Phân tích thị trường nông sản, hỗ trợ phát triển các HTX để liên kết với các nhà vựa, doanh nghiệp thực hiện theo quy trình khép kín từ khâu cung ứng vật tư đầu vào đến chế biến. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng an toàn, hiện đại và bền vững.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, nhìn chung bức tranh kinh tế nông nghiệp của địa phương có nhiều tín hiệu khởi sắc. Ước tổng giá trị tăng thêm của toàn ngành nông nghiệp trong 3 năm (2016 - 2018) đạt hơn 49.000 tỷ đồng, tăng bình quân 2,5%/năm, đóng góp 2,5% trong tổng mức tăng trưởng GRDP.

Theo đó, các ngành hàng thế mạnh của tỉnh đều có sự phát triển rõ nét. Tổng giá trị sản xuất ngành hàng lúa ước đạt hơn 45.400 tỷ đồng. Tính theo mức giá tiêu thụ lúa vụ đông xuân năm 2018, người sản xuất đạt mức lợi nhuận từ 20 - 22 triệu đồng/ha. Đối với ngành hàng cá tra, tổng giá trị sản xuất ước đạt 23.500 tỷ đồng, bình quân giai đoạn 2016 - 2018 tăng gần 8%/năm.

Trước nhu cầu đòi hỏi gắt gao của thị trường, nhà vườn trồng xoài đã áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất. Cộng với sự hỗ trợ của tỉnh, sản phẩm xoài Cao Lãnh và xoài Cát Chu Cao Lãnh đã xuất khẩu trực tiếp vào các thị trường khó tính như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Newzealand, Trung Quốc, Nga và Hoa Kỳ. Tổng giá trị sản xuất ngành hàng xoài ước đạt 4.700 tỷ đồng.


Mô hình nuôi vịt trong rọ tại trang trại Út Mới

Với sự hỗ trợ của tỉnh trong đầu tư ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất các giống hoa mới, tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất, chăm sóc, bảo quản..., ngành hàng hoa kiểng đạt được lợi nhuận rất cao từ 170 - 500 triệu đồng/ha/năm.

Theo đó, tổng giá trị sản xuất ngành hàng hoa kiểng đạt hơn 6.550 tỷ đồng. Ngành hàng này còn kết hợp với khai thác du lịch hứa hẹn sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới. Ngành hàng vịt tiếp tục phát triển ổn định, với tổng đàn ước đạt 3,4 triệu con, nhất là mô hình nuôi nhốt vịt đẻ trứng, bảo đảm an toàn dịch bệnh và đạt được giá trị cao hơn. Đến nay, toàn tỉnh đã có 6 Tổ hợp tác chăn nuôi liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ ổn định.

Bên cạnh đó, mô hình Hội quán được thành lập bước đầu đã phát huy hiệu quả trong việc hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ. Mô hình thể hiện được vai trò kết nối giữa các hộ nông dân với các nhà khoa học, các doanh nghiệp. Qua đó, từng bước thay đổi tập quán sản xuất cá thể, đơn lẻ để liên kết sản xuất đáp ứng theo nhu cầu thị trường. Đến nay, tỉnh đã thành lập 53 Hội quán gắn với từng làng nghề truyền thống, ngành hàng đặc trưng của địa phương...

Y DU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn