Khởi nghiệp với mô hình trồng rau thủy canh Trái Tim Việt
Cập nhật ngày: 25/03/2020 16:09:32
ĐTO - Nắm bắt nhu cầu thị trường tiêu thụ rau sạch ngày càng nhiều, từ nguồn vốn tích lũy được, anh Nguyễn Thành Trung ở xã Mỹ Quý, huyện Tháp Mười quyết định khởi nghiệp với mô hình trồng rau sạch thủy canh Trái Tim Việt...
Anh Nguyễn Thành Trung (đứng giữa) giới thiệu sản phẩm rau thủy canh Trái Tim Việt
Mô hình này được anh Nguyễn Thành Trung kỳ vọng đem lại thu nhập cho gia đình và mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm rau an toàn, chất lượng. Anh Nguyễn Thành Trung thông tin: “Khi đời sống vật chất của người dân được nâng lên, nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch của người tiêu dùng ngày càng cao. Ngoài ra, hiện nay trên địa bàn huyện vẫn chưa có nhiều mô hình trồng rau sạch. Nhận thấy thị trường cho mặt hàng này còn nhiều tiềm năng nên gia đình tôi bắt tay vào thực hiện dự án rau sạch thủy canh Trái Tim Việt”.
Mô hình rau sạch thủy canh Trái Tim Việt có diện tích sản xuất khoảng 500m2 với nhiều loại rau như: rau muống, rau dền, rau đay, cải ngọt, cải xanh... Phương pháp trồng rau thủy canh được gia đình anh Trung áp dụng theo công nghệ Israel. Theo dó, dung dịch dinh dưỡng được bơm vào lồng ống giúp cho cây hấp thụ và không phải phun xịt thuốc bảo vệ thực vật. Vì vậy, các sản phẩm rau sạch Trái Tim Việt giải quyết được các vấn đề về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ, đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.
Trong buổi đầu khởi nghiệp, anh Nguyễn Thành Trung gặp không ít khó khăn, nhất là thị trường tiêu thụ sản phẩm. Anh Trung chia sẻ: “Phần lớn người tiêu dùng địa phương chưa phân biệt được giữa rau sản xuất an toàn và rau canh tác theo truyền thống. Mặt khác, giá rau thủy canh đắt hơn so với rau truyền thống nên đầu ra gặp nhiều trở ngại”.
Sau thời gian thuyết phục người tiêu dùng bằng chất lượng, sản phẩm rau thủy canh của gia đình anh Trung có mặt tại các quầy rau an toàn tại chợ Cao Lãnh, chợ Tháp Mười, nhà hàng, quán ăn... Hàng ngày, gia đình anh Trung cung cấp cho thị trường khoảng 60kg rau các loại, với giá bán dao dộng từ 25.000-35.000 đồng/kg. Theo tính toán, sau khi trừ chi phí, mỗi tháng, anh Trung thu về lợi nhuận khoảng 8 triệu đồng.
Với những hướng đi đúng đắn, sản phẩm rau thủy canh Trái Tim Việt được người tiêu dùng đón nhận. Theo anh Trung, hiện nay sản lượng rau tại cơ sở vẫn chưa đủ cung ứng cho thị trường. Trong thời gian tới, khi việc kinh doanh ổn định, anh Trung sẽ tiếp tục đầu tư thêm dây chuyền, thiết bị máy móc để mở rộng quy mô sản xuất, đa dạng thêm các mặt hàng rau, củ.
Anh Nguyễn Thành Trung chia sẻ: “Thị trường vẫn là nhân tố quyết định sự thành bại của dự án. Vì vậy, ngoài việc nâng cao quy trình canh tác, xây dựng thương hiệu rau thủy canh Trái Tim Việt, phát huy kênh tiêu thụ truyền thống, cơ sở sẽ đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp giúp giảm giá thành sản xuất và có đầu ra ổn định”.
Ông Lê Văn Ngọt - Phó Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười cho biết, địa phương đánh giá rất cao mô hình trồng rau thủy canh Trái Tim Việt khi sản xuất nông nghiệp theo hướng sạch, an toàn. Mô hình này cung ứng cho thị trường sản phẩm sạch, đồng thời nâng cao giá trị nông sản, đúng với tinh thần tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Để dự án khởi nghiệp phát triển, huyện thực hiện các chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh cho các dự án. Đồng thời tiếp tục làm cầu nối để cơ sở kết nối với doanh nghiệp tiêu thụ nhằm tạo đầu ra ổn định cho nông sản...
Y DU