Ngân hàng hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn do dịch Covid-19

Cập nhật ngày: 25/03/2020 10:35:45

ĐTO - Trước những khó khăn, thiệt hại của doanh nghiệp (DN) do dịch Covid - 19, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ DN chịu ảnh hưởng. Trong đó, triển khai nhiều gói tín dụng, vay vốn hỗ trợ DN vượt qua khó khăn.


Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Chi nhánh tỉnh Đồng Tháp đo thân nhiệt khách hàng trước khi giao dịch

Hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh tỉnh Đồng Tháp (NHNN-ĐT), tính đến ngày 29/2/2020, nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt 47.800 tỷ đồng, so với đầu năm giảm 150 tỷ đồng, tỷ lệ giảm 0,31%, chủ yếu do giảm tiền gửi thanh toán của nhóm khách hàng DN để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm 2020. Tiền gửi tiết kiệm tiếp tục tăng trưởng, mức tăng là 847 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 2,5% so với đầu năm, điều này cho thấy, tâm lý người dân vẫn tin tưởng vào sự an toàn, ổn định của hoạt động ngân hàng trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và bước sang giai đoạn mới.

Bên cạnh đó, dư nợ tín dụng tính đến ngày 29/2/2020 là 64.917 tỷ đồng, so với đầu năm giảm 179 tỷ đồng, tỷ lệ giảm 0,27%, chủ yếu do giảm dư nợ ngắn hạn VNĐ của nhóm khách hàng cá nhân do ảnh hưởng bởi yếu tố mùa vụ (khách hàng thu hoạch vụ đông xuân trả nợ ngân hàng và chưa có nhu cầu vay lại). Theo đó, dư nợ cho vay đối tượng khách hàng DN đến ngày 29/2/2020 là 21.304 tỷ đồng, so với đầu năm tăng 454 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 2,18%, chiếm 32,82% tổng dư nợ toàn địa bàn. Nợ xấu là 797,09 tỷ đồng, chiếm 1,23% tổng dư nợ.

Dư nợ một số chương trình tín dụng, trong đó dư nợ cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; cho vay nuôi trồng và chế biến thủy sản; cho vay thu mua lúa, gạo; cho vay DN nhỏ và vừa... vẫn giữ mức ổn định. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của NHNN-ĐT, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã chủ động rà soát, liên hệ làm việc với khách hàng để nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh và đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng để có giải pháp hỗ trợ.

Qua tổng hợp báo cáo từ các tổ chức tín dụng, các chi nhánh ngân hàng thương mại đã liên hệ, làm việc trực tiếp với các khách hàng có dư nợ lớn thuộc các ngành lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh để tư vấn, hướng dẫn các giải pháp hỗ trợ. Đến nay, một số khách hàng chỉ gặp khó khăn tạm thời, không ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất kinh doanh cũng như khả năng trả nợ tại các tổ chức tín dụng. Các khách hàng bị ảnh hưởng phần lớn là khách hàng xuất khẩu nông sản, thủy sản sang các thị trường: Trung Quốc, Châu Âu... (việc thanh toán tiền hàng tại các đối tác chậm tiến độ do ảnh hưởng của dịch). Các chi nhánh ngân hàng thương mại đang xem xét để áp dụng các biện pháp hỗ trợ chung như giảm lãi suất để chia sẻ một phần khó khăn đối với khách hàng.

Ông Vương Trí Phong - Phó Giám đốc NHNN-ĐT đánh giá: “Thời gian qua, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện các gói tín dụng, chương trình hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Hội sở từng tổ chức tín dụng và mới đây nhất là quy định về các giải pháp hỗ trợ chung theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN của NHNN Việt Nam. Qua rà soát, các khách hàng có bị ảnh hưởng do nguồn thu từ các thị trường xuất khẩu chậm, song DN vẫn có thể cân đối khả năng tài chính để trả nợ. Về phía các chi nhánh ngân hàng thương mại cũng đã chủ động, phối hợp với DN để thực hiện các biện pháp hỗ trợ khách hàng như giảm lãi suất, kéo dài thời gian trả nợ để chia sẻ một phần khó khăn đối với khách hàng”.

Tiếp tục triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng

Bên cạnh việc triển khai các giải pháp hỗ trợ cho khách hàng vay vốn, NHNN-ĐT cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng triển khai quán triệt đến toàn thể cán bộ, nhân viên nâng cao tinh thần trách nhiệm, không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch, cũng không hoang mang trước diễn biến của dịch bệnh; triển khai các biện pháp vệ sinh, khử trùng trụ sở, trụ ATM, trang bị khẩu trang, dung dịch rửa tay cho cán bộ, nhân viên, khách hàng để ngăn chặn nguy cơ lây lan của dịch.

Đặc biệt, trước tình hình dịch đang diễn biến phức tạp và bước sang giai đoạn mới, thực hiện ý kiến chỉ đạo của NHNN Việt Nam tại Công văn số 1677/NHNN-VP ngày 13/3/2020 về việc xây dựng phương án ứng phó trong trường hợp phải cách ly do dịch Covid-19, NHNN-ĐT đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn khẩn trương xây dựng các phương án, kịch bản ứng phó trong trường hợp có cán bộ, nhân viên bị cách ly do nhiễm bệnh hoặc nghi nhiễm. Trong trường hợp điểm giao dịch bị nằm trong vùng cách ly, phải có phương án đảm bảo hoạt động ngân hàng không bị gián đoạn, phục vụ kịp thời nhu cầu của khách hàng.

Chia sẻ khó khăn với khách hàng, các chi nhánh ngân hàng thương mại cũng triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng cá nhân, DN. Trong đó, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Chi nhánh tỉnh Đồng Tháp triển khai những gói cho vay tín dụng ngắn hạn đối với khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19. Ông Nguyễn Thanh Liêm - Phó Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Chi nhánh tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Trước ảnh hưởng dịch Covid-19, đơn vị triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng như: gói tín dụng quy mô 20.000 tỷ đồng và 100 triệu USD dành cho các DN hiện hữu hoạt động sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, đơn vị thực hiện giảm lãi suất cho vay tối thiểu 1%/năm đối với khoản vay bằng VND và 0,5%/năm đối với khoản vay bằng USD so với mức lãi suất thông thường. Đơn vị cũng triển khai gói tín dụng quy mô 5.000 tỷ đồng dành riêng cho các khách hàng cá nhân có dư nợ vay phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhằm hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn, thiệt hại. Với lãi suất cố định chỉ từ 5,5%/năm – 6,5%/năm tùy từng kỳ hạn cụ thể...”.

Theo NHNN-ĐT, để thực hiện chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt, thời gian qua, hầu hết các chi nhánh ngân hàng thương mại cũng tích cực triển khai các phương thức giao dịch trực tuyến như internet-banking, mobile-banking. Tuy nhiên, do thói quen sử dụng tiền mặt trong thanh toán của người dân đã và đang đặt ra nhiều thách thức cho các ngành, lĩnh vực trong giai đoạn dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Qua tuyên truyền về tác hại của dịch bệnh cũng như nguy cơ lây lan qua việc sử dụng tiền mặt, khách hàng đã ý thức được sự tiện lợi trong các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt, nên nhiều khách hàng đã tiếp cận và sử dụng các dịch vụ thanh toán này tại nhà trong giao dịch. Trong các tháng đầu năm, số lượng tài khoản thanh toán mở mới tại Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín Đồng Tháp là hơn 4.000 tài khoản so với cuối năm 2019, tạo tiền đề đẩy mạnh các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt trong tương lai.

Cùng với đó, các chi nhánh ngân hàng thương mại cũng đã có giải pháp để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Trong đó, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam, Chi nhánh tỉnh Đồng Tháp triển khai miễn hoàn toàn các phí giao dịch chuyển khoản VNĐ trong và ngoài hệ thống đối với các khách hàng đăng ký mới dịch vụ internet banking dành cho khách hàng DN - VietinBank eFAST...

Theo ông Vương Trí Phong - Phó Giám đốc NHNN-ĐT, thời gian tới, NHNN-ĐT sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh để có những chỉ đạo kịp thời, phối hợp xử lý những khó khăn, vướng mắc xảy ra trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, giám sát việc thực hiện các ý kiến chỉ đạo của các tổ chức tín dụng trong việc hỗ trợ khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng, cũng như việc triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hoạt động, xây dựng phương án, kịch bản ứng phó để đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả trong mùa dịch trên tinh thần ngành ngân hàng luôn đồng hành, hỗ trợ cùng khách hàng trong giai đoạn khó khăn chung của nền kinh tế. Mặt khác, sẽ tăng cường trao đổi, nắm bắt thông tin từ các sở, ngành có liên quan về mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, DN để có những chỉ đạo kịp thời...”.

Khánh Phan

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn