Kiểm toán năng lượng, giải pháp giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả cạnh tranh trên thị trường

Cập nhật ngày: 07/04/2020 06:22:50

ĐTO - Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả (SDNLTK&HQ), bảo vệ môi trường được xem là quốc sách quan trọng và trách nhiệm của toàn xã hội. Việc tăng cường kiểm toán năng lượng; xây dựng cơ chế, chính sách đồng bộ, chế tài đủ mạnh và khả thi để khuyến khích đầu tư và sử dụng các công nghệ, trang thiết bị tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường sẽ góp phần thúc đẩy năng suất lao động và đổi mới mô hình tăng trưởng.


Thực hiện kiểm toán năng lượng tại doanh nghiệp

Nghị quyết 55-NQ/TW về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đưa ra 10 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Trong đó, Chương trình quốc gia về SDNLTK&HQ giai đoạn 2020-2030 kết hợp triển khai áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn bắt buộc kèm theo chế tài về sử dụng hiệu quả năng lượng đối với những lĩnh vực, ngành và sản phẩm có mức tiêu thụ năng lượng cao là một trong những nhiệm vụ, giải pháp căn cơ mang tính lâu dài và theo xu hướng chung của thế giới.

Trong giai đoạn hiện nay, để đáp ứng nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng tăng, Việt Nam phải nhập khẩu than cho các nhà máy nhiệt điện và nhập khẩu điện. Nói chung, Việt Nam ngày càng thiếu các nguồn năng lượng bảo đảm cho sự phát triển kinh tế bền vững. Trước tình trạng nhu cầu và mức tiêu thụ năng lượng tăng nhanh, bên cạnh việc khai thác các nguồn năng lượng mới, nhất là năng lượng sạch, vấn đề SDNLTK&HQ đang được đặt ra ngày càng cấp thiết. Và, kiểm toán năng lượng (KTNL) là một công cụ hỗ trợ quan trọng trong việc thúc đẩy, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.

Thực hiện KTNL đã trở thành bắt buộc đối với các doanh nghiệp thuộc loại hình cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm. Theo đó, trách nhiệm của cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm là phải “3 năm một lần thực hiện KTNL bắt buộc”. Trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, công tác KTNL được bắt đầu triển khai từ năm 2008. Tính đến thời điểm hiện tại đã có trên 70 doanh nghiệp tham gia thực hiện KTNL, trong đó nhiều doanh nghiệp đã thực hiện KTNL lần 2 và lần 3.

Thực hiện KTNL ngoài mục đích giúp doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu quy định của pháp luật, điều quan trọng hơn nữa là giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm chi phí sản xuất. Từ đó, nâng cao hiệu quả cạnh tranh trên thị trường, góp phần giảm nhu cầu sử dụng các nguồn năng lượng. Hiện nay, nhiều khách hàng từ các nước phát triển còn đặt thêm yêu cầu về sử dụng năng lượng hiệu quả vào tiêu chí đánh giá chất lượng sản phẩm, do đó việc thực hiện KTNL sẽ giúp doanh nghiệp thỏa mãn yêu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Theo kết quả KTNL do Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Đồng Tháp thực hiện, hiệu quả tiết kiệm năng lượng đạt được tại các doanh nghiệp là rất lớn, mức tiết kiệm đạt được từ 5 – 30%. Trong đó, ngành chế biến thủy sản và ngành chế biến thức ăn thủy sản mức tiết kiệm từ 5 – 15%; ngành chế biến lương thực mức tiết kiệm từ 5 – 20%; ngành sản xuất nước đá, mức tiết kiệm từ 10 – 30%.  Đặc biệt, các giải pháp mang lại hiệu quả tiết kiệm năng lượng cao là: nâng cao công tác quản lý vận hành; cải tiến thiết bị; đầu tư công nghệ thiết bị mới, sử dụng năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, bên cạnh nhiều doanh nghiệp đã chủ động thực hiện KTNL, vẫn còn một vài doanh nghiệp thuộc loại hình cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm chưa tiến hành thực hiện KTNL. Nếu không thực hiện KTNL, ngoài việc sẽ không đánh giá được hết tiềm năng tiết kiệm năng lượng có thể đạt được, các doanh nghiệp còn phải chịu chế tài xử phạt theo quy định (Nghị định số 134/2013/NĐ-CP Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, SDNLTK&HQ).

Để góp phần hỗ trợ và thúc đẩy các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện KTNL, nhất là các doanh nghiệp thuộc loại hình cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, tỉnh đã ban hành một số chính sách khuyến khích như: hỗ trợ chi phí KTNL, mức hỗ trợ là không quá 30 triệu đồng/doanh nghiệp; hỗ trợ chi phí KTNL cho các doanh nghiệp không thuộc loại hình cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, mức hỗ trợ là không quá 15 triệu đồng/doanh nghiệp.

Kiểm toán năng lượng là hoạt động khảo sát, thu thập thông tin về hiện trạng sử dụng và quản lý năng lượng, hiện trạng công nghệ thiết bị; kết hợp với việc khảo sát, đo đạc chi tiết các thiết bị trong dây chuyền sản xuất. Trên cơ sở đó phân tích, đánh giá hiện trạng sử dụng năng lượng và đề xuất các giải pháp SDNLTK&HQ.

Bùi Văn Minh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn