Lai Vung phát triển “nóng” diện tích trồng cây có múi

Cập nhật ngày: 06/11/2015 13:12:05

Với mức lợi nhuận cao gấp 10 - 15 lần trồng lúa, cây có múi đang là loại cây trồng hấp dẫn đối với nhiều nông dân ở huyện Lai Vung hiện nay. Tuy nhiên, khi phát triển “nóng” về diện tích thì vấn đề về đầu ra và việc bảo đảm chất lượng sản phẩm là một áp lực lớn đối với ngành nông nghiệp huyện.


Diện tích lúa được nông dân lên liếp để trồng quýt đường ở xã Tân Hòa

Những ngày này, đi đến đâu ở huyện Lai Vung từ quán café ven đường cho đến những buổi họp mặt, tiệc tùng ở gia đình đều nghe bà con bàn chuyện lên vườn trồng cam, quýt. Nhiều diện tích trồng lúa, cây màu được nông dân chuyển sang trồng quýt đường và cam soàn.

Ông Nguyễn Văn Thật ngụ xã Tân Hòa, huyện Lai Vung chia sẻ: “Canh tác lúa và cây màu trung bình mỗi năm chỉ lãi khoảng 8 – 10 triệu đồng/công (1.000m2). Trong khi cùng diện tích trên, trồng cam soàn lợi nhuận từ 80 – 100 triệu đồng. Thấy nhiều bà con ở đây chuyển sang trồng quýt đường và cam soàn cho hiệu quả cao nên 2 năm trước tôi cũng lên liếp 3 công đất trồng lúa để trồng cam soàn, hiện cam soàn đang sinh trưởng và phát triển tốt, dự kiến năm tới cho sẽ cho trái vụ đầu”.

Bên cạnh diện tích cây có múi được chuyển đổi từ diện tích trồng lúa thì một số diện tích trồng cây ăn quả khác cũng được nông dân chuyển sang trồng cam soàn và quýt đường mạnh trong thời gian gần đây. Ông Phạm Văn Giờ ngụ ấp Tân Lộc, xã Tân Thành cho biết: “Tôi vừa hạ 2 công vườn dừa đang cho trái để chuyển sang trồng cam soàn. Dừa đang cho trái, chặt thì cũng tiếc nhưng 2 công dừa mỗi năm thu nhập cao lắm là 30 triệu đồng. Trong khi nhiều vườn quýt đường và cam soàn quanh đây cho lợi nhuận gấp 10 lần vườn dừa nhà tôi. Đắn đo mãi, mới đây tôi đã thuê máy xáng cạp lên liếp để trồng cam soàn”.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lai Vung, hiện tại tổng diện tích cây có múi trên địa bàn huyện khoảng 3.000ha, trong đó diện tích quýt đường trên 1.300ha, tăng gần 4,5 lần so với năm 2012 (năm 2012 khoảng 300ha), diện tích trồng cam trên 900ha, tăng gấp 3 lần so với năm 2012. Những xã có diện tích tăng đột biến là: Tân Phước, Tân Thành, Vĩnh Thới, Tân Hòa... Do diện tích trồng quýt đường và cam soàn tăng mạnh nên giá cam soàn và quýt đường hiện nay giảm rất mạnh. Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện tại giá quýt đường loại I chỉ còn khoảng 15 ngàn đồng/kg, cam soàn loại I chỉ còn 28 ngàn đồng/kg, giảm gần gấp đôi so với những năm trước đây.


Nhiều áp lực về đầu ra khi cây có múi phát triển “nóng” về diện tích

Trong khi diện tích quýt đường và cam soàn tăng mạnh trong những năm gần đây, thì diện tích quýt hồng ở Lai Vung đang có chiều hướng giảm đáng kể. Năm 2012, diện tích quýt hồng gần 1.200ha thì hiện tại con số này đã giảm xuống còn gần 750ha.

Sản xuất cây có múi cho thu nhập kinh tế cao, song chi phí đầu tư cũng không hề nhỏ. Theo tính toán của nhà vườn, đối với cây cam, quýt kể từ khi trồng cho đến thu hoạch đợt đầu tiên, thời gian mất khoảng 2,5 - 3 năm. Trong khoảng thời gian này, ngoài chi phí đầu tư ban đầu như: lên liếp, mua cây giống, trang bị hệ thống tưới, nhà vườn còn phải tốn chi phí đầu tư cho phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, khoản chi phí đầu tư ít nhất là 90 triệu đồng/công. Do đó, để chuyển đổi canh tác từ cây trồng khác sang cây có múi, nông dân cần có tiềm lực kinh tế ổn định và trang bị kiến thức tốt để canh tác loại cây trồng này hiệu quả.

Ông Huỳnh Văn Tồn - Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển huyện Lai Vung cho biết: “Mặc dù, hiện nay cây có múi đang có nhiều ưu thế về kinh tế, song với tốc độ phát triển mạnh diện tích như hiện nay thì trong thời gian ngắn sắp tới sản phẩm thế mạnh này của Lai Vung sẽ chịu áp lực cạnh tranh rất lớn. Do đó, hiện nay bên cạnh việc khuyến cáo và hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp rải vụ nhằm tránh tình trạng thu hoạch theo mùa, ngành nông nghiệp địa phương còn hướng dẫn nông dân sản xuất theo quy trình an toàn nhằm nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh cho cây có múi.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn