Tái cơ cấu nông nghiệp ở huyện Lai Vung

Cập nhật ngày: 04/11/2015 12:21:53

Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Lai Vung xác định 4 ngành hàng: lúa gạo, cây ăn trái, rau màu, hoa kiểng và hướng đến việc gắn sản xuất với thị trường thông qua hình thức liên kết, tuy nhiên đến nay, việc sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm vẫn còn ít...


Sản phẩm dưa lê được gắn kết tiêu thụ góp phần vào định hướng sản xuất nông nghiệp bền vững

Liên kết sản xuất với tiêu thụ còn ít

Theo bà Trương Thị Nên - Phó Chủ tịch UBND huyện Lai Vung, trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện xem liên kết sản xuất theo nhu cầu thị trường sẽ giải quyết được đầu ra sản phẩm. Tuy nhiên, hiện nay chỉ một số sản phẩm chủ lực của huyện như cây lúa, rau màu tiếp cận với hình thức liên kết.

Đối với cây lúa, huyện áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nhằm giảm giá thành, giúp tiết kiệm chi phí khoảng 4 triệu đồng/ha. Huyện cũng quan tâm thực hiện mô hình cánh đồng liên kết tiêu thụ lúa tại xã Long Thắng và Hòa Long. Trong 2 vụ đông xuân, hè thu, nông dân liên kết với doanh nghiệp gần 1000ha. Theo đánh giá của huyện, nhìn chung mô hình được nông dân ủng hộ và đồng tình nhưng điểm nghẽn hiện nay là giữa nông dân và doanh nghiệp chưa “gặp nhau” trong khâu thu mua.

Song song với cây lúa, tiềm năng rau màu cũng được huyện chú trọng định hướng khai thác. Trong đó, huyện tiến hành vận động người dân trồng một số loại cây màu có giá trị kinh tế cao như mè, dưa lê, đậu bắp Nhật, nấm rơm. Trước nhu cầu đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, dưa lê và đậu bắp Nhật đã tiếp cận với doanh nghiệp tiêu thụ. Theo thống kê của huyện, trong 9 tháng đầu năm Công ty Hoàng Vinh và doanh nghiệp trái cây Hồng Huế tiêu thụ gần 160ha dưa lê, công ty Thủy sản Bạc Liêu tiêu thụ gần 70 ha đậu bắp Nhật.

Bà Nên cho biết thêm, hiện nay có doanh nghiệp đặt vấn đề sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản khoai từ để xuất khẩu. Nếu đi đến thống nhất thì trong thời gian gần, huyện vận động người dân canh tác loại nông sản này. Bởi đây là loại rau màu truyền thống của địa phương, diện tích sản xuất hiện nay khoảng 70 - 80ha.

Cây có múi và những cái khó

Hiện tại, sản phẩm nông sản mang giá trị kinh tế cao nhất của huyện vẫn là cây có múi, chủ yếu là quýt hồng và quýt đường. Để sản phẩm nông sản này có chỗ đứng trên thị trường, nhiều nhà vườn nhận thức rõ nét về sự cần thiết của nông sản an toàn. Điển hình như Tổ hợp tác (THT) quýt đường Vĩnh Thới nâng cao giá trị mặt hàng quýt đường bằng việc xây dựng quy trình sản xuất GlobalGAP với diện tích trên 10ha.

Ông Tống Văn Phong - Tổ trưởng THT chia sẻ: “Định hướng ban đầu của THT là giúp nhà vườn nâng cao ý thức trong canh tác vừa bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng và người sản xuất. Vì vậy, việc xây dựng thành công GloabalGAP khẳng định sản phẩm trong nước vẫn đáp ứng các quy chuẩn nghiêm ngặt về trái cây sạch, đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm nước ngoài trên thị trường. Điều lo lắng nhất của tôi là sản phẩm của mình thua ngay trên sân nhà so với sản phẩm cùng loại của các nước khi du nhập vào Việt Nam”.

Ngoài ra, sản phẩm quýt hồng được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa và quýt đường đang trong quá trình làm hồ sơ để được công nhận. Đây cũng là một trong những nhân tố cộng hưởng cho sự phát triển sản phẩm tiềm năng của huyện.

Hướng đi bước đầu đã mang lại tín hiệu tốt nhưng vấn đề khó đối với cây quýt hồng sản phẩm tiềm năng của huyện là diện tích bị thu hẹp, trong khi quýt đường lại phát triển nóng. Nếu như năm 2013, diện tích này đạt 1.110ha thì đến nay chỉ còn 750ha. Nguyên nhân sự sụt giảm này là đất trồng lâu năm không còn màu mỡ, ảnh hưởng đến năng suất cũng như chất lượng trái nên bà con tìm sản phẩm thay thế. Quýt hồng lại là loại cây trồng “khó tánh” trong khâu chăm sóc, sản lượng quýt chỉ tập trung cho dịp Tết gây áp lực đầu ra và giá bán.

Trong khi đó, diện tích sản xuất cây quýt đường tăng nóng do quýt đường cho trái quanh năm, giá bán khá ổn định dao động từ 18.000 - 30.000 đồng/kg. Thời gian cho trái nhanh khoảng hơn 18 tháng so với sản phẩm cùng loại. Đặt tình huống, nếu cung vượt cầu thì tỉ lệ thu hồi vốn khá cao nên người dân sẵn sàng phá bỏ để thay thế nông sản khác.

Ngoài ra, nhược điểm của trái quýt hồng (sản phẩm đặc sản) là sau khi thu hoạch một vài ngày sẽ bị rụng cuống, trái bị sượng. Khi so sánh với sản phẩm cùng loại từ nước bạn, trái giữ màu tốt, cuống vẫn giữ được trong thời gian dài. Ngoài việc trồng rải vụ thì huyện mong tỉnh hỗ trợ giải pháp công nghệ sau thu hoạch, có kho lạnh để bảo quản sản phẩm trong thời gian dài, chủ động trong việc cung ứng cho thị trường. “Nếu tình hình này chưa được giải quyết sẽ là áp lực cho nông sản địa phương thua ngay trên sân nhà khi đặt trong bối cảnh hội nhập sắp tới” - bà Nên chia sẻ.

Những thực trạng trên vẫn còn là câu chuyện dài cần giải quyết. Trong định hướng gần, huyện tiếp tục quy hoạch tổ chức lại sản xuất. Trong đó sẽ chú trọng củng cố và phát triển các hợp tác xã, THT để các đơn vị liên kết với doanh nghiệp nhằm tạo đầu ra ổn định và bền chặt hơn trong sản xuất và tiêu thụ. Đồng thời áp dụng những tiến bộ khoa học vào sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.

K.D

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn