Huyện Châu Thành
Nhiều chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp
Cập nhật ngày: 09/01/2019 16:03:52
ĐTO - Nhằm đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người nông dân, huyện Châu Thành đã và đang đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; từng bước quy hoạch, đầu tư và phát triển các vùng sản xuất một cách bài bản, hợp lý. Nhờ đó, bức tranh kinh tế nông nghiệp của huyện chuyển biến khởi sắc. Phóng viên báo Đồng Tháp đã có cuộc phỏng vấn ông Phan Thanh Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành về vấn đề này.
Ông Phan Thanh Dũng – Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành
Phóng viên (PV): Xin ông cho biết, những năm gần đây, bức tranh kinh tế nông nghiệp trên địa bàn huyện Châu Thành đã có những chuyển biến ra sao?
Ông Phan Thanh Dũng: Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn” và Nghị quyết số 07-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, nhận thức của hệ thống chính trị huyện Châu Thành và toàn xã hội về vị trí, vai trò của từng chủ thể có nhiều chuyển biến tích cực.
Trong đó, kinh tế nông nghiệp huyện có bước phát triển khá, cơ cấu kinh tế nội bộ ngành nông nghiệp chuyển dịch tích cực theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, bước đầu đã hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh, tập trung (vùng trồng nhãn diện tích trồng tập trung lớn nhất ở vùng cồn xã An Nhơn, xã An Phú Thuận, xã An Khánh, xã Phú Hựu; vùng nuôi cá tra tập trung ở vùng cồn 3 xã An Nhơn, Tân Nhuận Đông, An Hiệp với diện tích cá tra xuất khẩu 246ha...).
Những năm qua, đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn cải thiện rõ rệt; thu nhập bình quân đầu người ước đạt trên 42 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn phát triển khá nhanh, từng bước đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống nhân dân. Hệ thống chính trị ở nông thôn hoạt động ngày càng hiệu quả; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn được giữ vững và ổn định.
PV: Để giải quyết vấn đề đầu ra cho nông sản, thời gian qua, huyện Châu Thành đã triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước trong việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ như thế nào? Thưa ông!
Ông Phan Thanh Dũng: Trong những năm qua, với sự hỗ trợ của các ngành chức năng từ cấp tỉnh, cùng sự quyết tâm của địa phương, Châu Thành đã triển khai thực hiện tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và giảm nghèo bền vững, kết hợp với việc huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng phát triển sản xuất, kết nối giao thông nông thôn, phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân.
Huyện đặc biệt quan tâm và thường xuyên tổ chức các cuộc khảo sát thị trường, tìm kiếm đối tác tiêu thụ lúa gạo, nhãn, khoai lang và các sản phẩm nông nghiệp chủ lực khác. Ngoài các cơ sở sản xuất hiện có, từ năm 2014 đến nay, huyện đã kêu gọi được các nhà đầu tư thực hiện nhiều dự án thuộc lĩnh vực chế biến thủy sản; lau bóng gạo, sản xuất phân bón vi sinh; sản xuất thức ăn chăn nuôi; sản xuất bánh phồng tôm, bánh tráng; chế biến, đóng gói xuất khẩu nông sản... mở ra nhiều triển vọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bên cạnh đó, năm 2016, nhãn hiệu “Nhãn Châu Thành – Đồng Tháp” đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Châu Thành làm chủ sở hữu.
Để phát triển nhãn hiệu “Nhãn Châu Thành – Đồng Tháp”, UBND huyện Châu Thành đã đăng ký, đề xuất dự án “Quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận nhãn Châu Thành của huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp” thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016 – 2020. Ngoài ra, đơn vị quản lý nhãn hiệu là Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành đã Quyết định ban hành quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Nhãn Châu Thành – Đồng Tháp” cho sản phẩm nhãn nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc phát triển sản xuất nhãn có xuất xứ từ địa phương.
Thời gian qua, các mô hình hội quán trên địa bàn huyện đã mang lại kết quả thiết thực, giúp hội viên trong các tổ chức này tiếp cận, trau dồi kiến thức trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Trong đó, có 3 hợp tác xã (HTX) được thành lập dựa trên nền tảng hội quán, đó là HTX Nông sản an toàn An Hòa, HTX Thanh Long Hội quán, HTX Sản xuất Dịch vụ nông nghiệp Hòa An. Các HTX này thành lập xuất phát từ nhu cầu phát triển thực tế của người dân. Bên cạnh đó, các HTX đã thực hiện tốt khâu liên kết tiêu thụ nông sản.
PV: Thưa ông, hiện tại các mô hình liên kết trên địa bàn huyện có tạo được sức lan tỏa và thay đổi tư duy của nông dân so với trước kia?
Ông Phan Thanh Dũng: Qua các buổi sinh hoạt tại hội quán, HTX, tổ hợp tác đã triển khai nhiều mô hình khuyến nông về trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản, tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Qua đó, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong nông dân, giúp họ thay đổi tư duy, nắm được nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Tuy nhiên, quy mô sản xuất của hộ nông dân trong huyện còn nhỏ, ruộng đất, chuồng trại và tư liệu sản xuất không nhiều, sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ gây khó khăn cho cơ giới hóa, sản phẩm hàng hóa ít, khó giữ được vùng nguyên liệu ổn định khi giá cả thị trường biến động; ý thức sản xuất của người dân một số vùng còn mang tính sản xuất nhỏ, thiếu tính hợp tác và còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
PV: Xin ông cho biết! Để mối liên kết ngày càng thắt chặt trong sản xuất nông nghiệp, nhất là vấn đề đầu ra sản phẩm, thời gian tới, huyện sẽ có những định hướng như thế nào?
Ông Phan Thanh Dũng: Thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 – 2020, huyện Châu Thành tiếp tục duy trì phát triển mới một số mô hình liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm, đồng thời tiếp tục phát huy các mô hình hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập.
Trong đó, huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo cho các ngành tập trung tuyên truyền vận động nhân dân để nâng cao vai trò chủ thể trong thực hiện liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Cùng với đó, xây dựng cơ cấu kinh tế theo quy mô vùng nhằm nâng cao giá trị và sản lượng nông sản; tổ chức nền sản xuất nông nghiệp theo các mô hình sản xuất phù hợp với cơ chế thị trường, trong đó mô hình phổ biến vẫn là HTX và mô hình kinh tế trang trại; tập trung phát triển, hỗ trợ nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện đến năm 2020. Mục tiêu chính là đẩy mạnh ứng dụng khoa học và kỹ thuật; đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi nâng cao giá trị sử dụng đất; khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, công nghiệp, bán công nghiệp gắn với công nghiệp chế biến.
Ngoài ra, huyện cũng tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các mô hình hay, cách làm hiệu quả, đặc biệt là mô hình hội quán nông dân; hỗ trợ, tạo điều kiện để mô hình hội quán hoạt động có hiệu quả nhằm tạo điều kiện cho nông dân chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp... tạo ra sản phẩm có chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường, giảm dần tình trạng được mùa mất giá, góp phần tăng thu nhập cho người dân và làm nền tảng cho việc thành lập HTX trong thời gian tới.
Để hỗ trợ cho các HTX, tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp được quảng bá, giới thiệu sản phẩm, huyện cũng tạo điều kiện tham gia các chương trình hội chợ trong và ngoài tỉnh. Đồng thời tích cực tìm các doanh nghiệp để thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ, tập trung vào một số sản phẩm chủ lực như: lúa, nhãn, chanh, khoai lang, cá tra.
PV: Xin cảm ơn ông!
Khánh Phan (thực hiện)