Nông dân, hợp tác xã Đồng Tháp đổi mới tư duy sản xuất, tiếp cận công nghệ 4.0

Cập nhật ngày: 09/05/2021 06:31:33

ĐTO - Bắt nhịp với xu hướng công nghệ 4.0, nông dân Đồng Tháp từng bước thay đổi tư duy trong sản xuất, thực hiện cách làm mới để tiệm cận với nền nông nghiệp thông minh. Việc thay đổi này bước đầu giúp nông dân nâng cao năng suất, tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu hiện nay…


Ông Nguyễn Văn Mách đã bán được gần 30 “Cây xoài nhà tôi”

NÔNG DÂN CHỦ ĐỘNG TIẾP CẬN CÔNG NGHỆ 4.0

Chiếm hơn 40% diện tích xoài toàn tỉnh, với sản lượng khoảng 32.000 tấn, huyện Cao Lãnh được xem là “thủ phủ” xoài của tỉnh. Xoài được chọn là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực thực hiện thí điểm trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương. Cũng như nhiều loại nông sản khác, thực trạng “được mùa mất giá, được giá thất mùa” cứ lẩn quẩn khiến việc sản xuất khá bấp bênh. Chính từ thực trạng này, năm 2016, Ban quản trị Hợp tác xã (HTX) xoài Mỹ Xương nảy ra ý tưởng sản xuất xoài sạch, đồng thời thí điểm mô hình “Cây xoài nhà tôi”. Điểm nhấn của mô hình này chính là bán xoài qua mạng nhằm tạo đầu ra thông thoáng, hạn chế tình trạng phụ thuộc vào thương lái.

Theo ông Võ Việt Hưng - Giám đốc HTX xoài Mỹ Xương, để bán hàng qua mạng, HTX thành lập website xoaicaolanh.com.vn và đưa thông tin về cây xoài cần bán. Với giá mỗi cây được bán khoảng 3 triệu đồng, người mua chỉ cần vào website của HTX để lựa chọn cây ưng ý (với các giống xoài cát hòa lộc, xoài cát chu hay xoài tượng) sau đó ký hợp đồng là khách hàng sẽ được sở hữu toàn bộ số trái trên cây. Từ đây, mọi công tác chăm sóc được nhà vườn thực hiện thuê. 1 năm 2 vụ, số trái thu hoạch được dao động từ 70-150kg/cây. Tất cả trái sẽ được đóng gói chuyển đến tận nhà người mua. “Nhờ sự minh bạch trong sản xuất, chất lượng xoài của mô hình “Cây xoài nhà tôi” được đảm bảo nên thời gian qua đông đảo khách hàng trong và ngoài tỉnh đặt mua, tạo thu nhập ổn định cho bà con xã viên” - ông Hưng cho biết.

Ông Nguyễn Văn Mách - nông dân xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh gắn kết với mô hình “Cây xoài nhà tôi” chia sẻ, gia đình ông bắt đầu trồng xoài từ năm 1995. Trước đây, xoài chủ yếu bán cho thương lái, giá cả bấp bênh nên giá trị trái xoài không được phát huy. Sau khi tham gia vào hoạt động của HTX xoài Mỹ Xương, HTX triển khai mô hình “Cây xoài nhà tôi” được hỗ trợ kỹ thuật canh tác, ông Mách tham gia chuỗi giá trị sản xuất theo phương pháp hữu cơ, sản phẩm được quản lý truy xuất nguồn gốc nên chất lượng được đảm bảo. Từ khi tham gia mô hình “Cây xoài nhà tôi” với giá bán ổn định, khách hàng trả tiền trước nên tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân giảm gánh nặng chi phí đầu tư sản xuất ban đầu.

Ông Huỳnh Thanh Sơn - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Lãnh cho biết, mô hình “Cây xoài nhà tôi” được HTX xoài Mỹ Xương triển khai vào tháng 9/2016. Hơn 2 năm đi vào hoạt động với mô hình kinh doanh mới, nông dân huyện Cao Lãnh đã tiếp thị, quảng bá và bán trên 290 cây xoài từ mô hình “Cây xoài nhà tôi”, thu về hơn 900 triệu đồng. Hiện trên địa bàn có gần 30 thành viên tham gia mô hình này.

Không chỉ bán hàng qua mạng, để tránh tình trạng giả mạo nhãn hiệu xoài Mỹ Xương, hiện nay, HTX xoài Mỹ Xương còn ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc blockchain trong sản xuất xoài. Theo đó, từng thông tin trong công đoạn sản xuất xoài được lưu trữ trên blockchain. Khi dùng điện thoại quét QR code trên tem dán trên quả xoài, người tiêu dùng có thể truy xuất được toàn bộ thông tin về quy trình canh tác và phân phối sản phẩm. Theo HTX xoài Mỹ Xương, việc ứng dụng công nghệ blockchain mở ra cơ hội mới cho HTX khi xuất khẩu xoài cát chu ra nước ngoài. Theo đó, người tiêu dùng tại các nước nhập khẩu có thể truy xuất được nguồn gốc giúp họ yên tâm hơn về chất lượng xoài Cao Lãnh.

LAN TỎA MÔ HÌNH SẢN XUẤT SẠCH, ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ 4.0

Có thể nói, mô hình “Cây xoài nhà tôi” của HTX Mỹ Xương mang lại hiệu quả thiết thực, tạo hướng đi mới cho nông sản. Từ sự ưu việt của mô hình giúp anh Võ Văn Nang ở xã Tân Thuận Đông, TP.Cao Lãnh học tập hình thành và phát triển mô hình “Cây cam vườn tôi”.

Chính nhờ sự giúp đỡ về kỹ thuật canh tác của HTX xoài Mỹ Xương, anh Nang mạnh dạn áp dụng mô hình “Cây cam vườn tôi”, ứng dụng các chế phẩm sinh học, bón phân vi sinh vào sản xuất. Đặc biệt, anh tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ sâu trên vườn. Chính vì thế, quả cam sau thu hoạch rất an toàn, độ tươi được lâu hơn và không bị tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên trái. Anh Nang chia sẻ: “Để kiểm chứng quả cam sạch, sản phẩm sau khi thu hoạch tôi lấy mẫu trái, mẫu đất, mẫu nước đến Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng (ở TP.Cần Thơ) để kiểm nghiệm. Khi kết quả kiểm tra đạt yêu cầu các tiêu chuẩn, tôi mới bán cho khách hàng...”


Anh Võ Văn Nang ghi rõ thông tin trên từng cây cam giúp khách hàng thuận tiện khi đặt mua

Nhờ sản phẩm được kiểm chứng rõ ràng, năm đầu tiên với mô hình “Cây cam vườn tôi”, anh bán được 35 cây cam. Đến nay, anh bán được 50 cây cam cho các khách hàng trong và ngoài tỉnh. Với giá bán mỗi cây cam là 4 triệu đồng, mỗi vụ, khách hàng có thể sở hữu từ 80-100kg/cây. Anh Nang cho biết, để khách hàng quản lý cây cam của mình, anh thường quay video, hình ảnh lên trang web nongsancaolanh.vn, Zalo về quá trình sinh trưởng của cây. Riêng khách hàng ở gần, đến vụ thu hoạch (thường từ tháng 8 đến tháng 11 âm lịch) anh Nang sẽ thông tin để khách hàng có thể cùng đến vườn thu hoạch cam sạch.

Theo anh Nang, ngoài những cây cam khách hàng đặt mua, số lượng cam còn lại trong vườn anh cũng trồng theo hướng an toàn. Đồng thời, anh chủ động ghi thông tin về độ tuổi, chiều cao, đường kính tán, năng suất bình quân, giá bán, sản lượng... để khách hàng online hoặc đến tham quan trực tiếp vườn nắm thông tin, đặt mua. Anh Nang cho biết: “Khách hàng chỉ cần truy cập vào trang web nongsancaolanh.vn có thể lựa chọn cây ưng ý hoặc liên hệ trực tiếp với tôi để đặt mua. Hình thức kinh doanh này khá nhanh chóng, giúp đôi bên tiết kiệm thời gian”.

Anh Nang cho rằng, trong xu thế của nền nông nghiệp hiện đại, việc người sản xuất chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ các sản phẩm của mình là hết sức quan trọng. Đó chính là cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền lợi cũng như tạo thêm nhiều giá trị cho nông sản. Muốn nông sản nhận được sự tin tưởng của người tiêu dùng, nông dân phải tự thay đổi trước sau đó mới tính đến chuyện thuyết phục khách hàng. “Sản xuất theo hướng an toàn mặc dù trách nhiệm phải gánh trên vai khá lớn, nhưng bù lại giá trị sản phẩm được nâng lên gấp nhiều lần so với sản xuất thông thường. Đó là động lực để tôi tiếp tục gắn kết với hướng đi này” - anh Nang giải bày.

Có thể thấy, mô hình “Cây cam vườn tôi”, “Cây xoài nhà tôi” đang là một hướng đi mới của nhà vườn Đồng Tháp. Bởi mô hình này là hướng đi ưu việt cho nông sản tỉnh nhà, vừa đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng vừa bảo vệ sức khỏe người sản xuất và môi trường sinh thái. Đồng thời, đây còn là kênh quảng bá nông sản của địa phương thông qua việc áp dụng công nghệ vào việc tiêu thụ nông sản, giúp nâng cao giá trị nông sản tỉnh nhà...

Ông Lê Quang Cường - Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh nhìn nhận, việc mạnh dạn triển khai những mô hình mới, áp dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến để tạo ra những sản phẩm giá trị là hướng đi mới của nhiều nông dân Đồng Tháp trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Hiện nay, với sự chủ động của nông dân, sự trợ lực của địa phương, nhiều mô hình thông minh, hiện đại đang dần hình thành như cánh đồng thông minh, công nghệ cao trong sản xuất lúa gạo, cây ăn trái, hoa kiểng, rau màu... mang lại hiệu quả tích cực. Sự thay đổi này giúp nông nghiệp tỉnh nhà ứng phó với biến đổi khí hậu và giải quyết bài toán nâng cao giá trị nông sản trên hành trình tái cơ cấu nông nghiệp trong giai đoạn mới...

MN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn