Nông dân huyện biên giới Hồng Ngự bắt đầu thu “quả ngọt” từ cây sen
Cập nhật ngày: 19/04/2018 10:04:22
ĐTO - Đất liên tục được canh tác không ngơi nghỉ, nước dưới kênh ngày một cạn kiệt, trồng lúa thấy không hiệu quả, nên nhiều nông dân huyện biên giới Hồng Ngự đã chuyển sang trồng sen và bước đầu mang lại thành công.
Cây sen đang phát triển tốt trên các thửa ruộng ở Hồng Ngự và rất thu hút du khách
Thời gian qua, việc trồng sen trên đất lúa đã được nông dân ở các huyện: Tháp Mười, Tam Nông,... thực hiện đạt hiệu quả tốt. Riêng trên địa bàn huyện biên giới Hồng Ngự, nông dân mới bắt đầu canh tác trong vài vụ gần đây. Ít kinh nghiệm, nhưng nhờ sự tỉ mẩn, dày công học hỏi của mình, các nông dân đã thu được “quả ngọt” từ cây sen, đất đai bạc màu dần được cải thiện. Hiện ngó sen, gương sen thương phẩm của nông dân Hồng Ngự đã có mặt trong nhiều bữa tiệc sang trọng. Người trồng sen rất phấn khởi vì công sức của họ đã được đền đáp.
Anh Phạm Văn Tèo ngụ xã Thường Thới Tiền có 3.000m2 đất trồng lúa không đạt hiệu quả. Từ vụ đông xuân 2017-2018, gia đình anh chuyển sang trồng sen lấy ngó và mang lại kết quả rất tốt. Hiện tại, mỗi đợt thu hoạch ngó sen, anh có thu nhập cả triệu đồng. Anh Phạm Văn Tèo phấn khởi nói: “Mô hình trồng sen lấy ngó giúp tôi phát triển kinh tế. Trồng sen, hái mấy cử đầu tôi đã lấy lại vốn. Từ đây trở về sau, hái cử nào tôi thu lãi cử đó”.
Nhiều nông dân trồng sen tại Hồng Ngự cho hay, họ không phải khổ công chăm sóc như trồng lúa. Do áp dụng khoa học kỹ thuật, cùng với việc chủ động được tưới tiêu vì có hệ thống đê bao khép kín giữ nước và những kinh nghiệm đúc kết được qua từng vụ sen canh tác đã giúp người trồng sen tự tin với loại cây mình đã chọn.
Đây là vụ thứ 2, gia đình ông Đào Văn Trách ngụ xã Thường Thới Tiền gắn bó với cây sen. Ông Trách có 7.000m2 đất trước đây chuyên trồng lúa. Qua nghiên cứu, cuối năm 2017, ông bắt đầu trồng sen lấy gương, đến nay ruộng sen của ông Trách đã cho thu hoạch.
Nhìn ruộng sen hồng nở rợp cả một góc trời của gia đình ông Trách, ai nấy cũng phấn khích. Ông Trách chia sẻ: “Sau nhiều vụ trồng lúa cho thu hoạch kém nên tôi quyết định chuyển sang trồng sen. Tôi tính, mỗi công đất trồng lúa lãi chỉ khoảng 1 triệu đồng, còn sen mỗi công lãi 3-4 triệu đồng/vụ. Chi phí trồng sen nhẹ hơn nhiều so với lúa, chỉ tốn 600 - 700 ngàn đồng/công, nên cũng bớt lo về chi phí đầu tư”.
Chỉ riêng ở xã Thường Thới Tiền đã có gần chục hộ chuyển đổi cây trồng từ lúa sang sen, với tổng diện tích hơn 2ha. Theo ông Hồ Hoàng Giang - Phó Chủ tịch UBND xã Thường Thới Tiền, việc chuyển đổi cây trồng của các hộ dân nhằm thích nghi với bối cảnh biến đổi khí hậu và giải quyết được tình trạng đất đai ngày càng bạc màu sau nhiều năm liên tục canh tác lúa và đồng ruộng không có phù sa do 5 năm liên tiếp không có lũ để cho vào đồng. Cây sen đang thích nghi tốt trên vùng đất lúa của địa phương, góp phần tăng thêm lợi nhuận cho người dân.
Ông Hồ Hoàng Giang cho biết thêm: “Việc chuyển đổi cây trồng từ lúa sang trồng sen đã bắt đầu mang lại hiệu quả tốt, cứ 2 ngày là nông dân hái sen bán một lần, tiền vô đều đều. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay,việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng mô hình trồng sen trên đất lúa kém hiệu quả hay các diện tích đất trũng thấp giúp bà con giảm chi phí canh tác, tăng lợi nhuận”.
Bên cạnh việc trồng sen giúp phát triển kinh tế, khoảng 2 năm trở lại đây, cùng với huyện Tháp Mười, cây sen ở Hồng Ngự còn là cây trồng trọng điểm trong Đề án phát triển du lịch của huyện. Thời gian qua, những cánh đồng sen bát ngát ở huyện biên giới đã thu hút hàng trăm lượt du khách đến tham quan. Trong hành trình tham quan các di tích nhà cổ, làng nghề dệt choàng và bãi tắm cồn ở xã cù lao Long Khánh A, du khách trong và ngoài nước đã có thêm điểm đến là các ruộng sen và thưởng thức các món ăn được chế biến từ sen. Hình ảnh cây sen và các sản phẩm từ sen - nét đặc trưng trong sản phẩm du lịch của Đất Sen hồng Đồng Tháp đang dần được quảng bá rộng rãi tại vùng biên giới Hồng Ngự.
Anh Lý Phước Khoa Nam - Việt kiều Úc đến Hồng Ngự tham quan cho biết: “Ở bên Úc cũng có đồng sen, họ sưu tầm hơn 30 giống sen trên thế giới rất đẹp, nhưng trở về đây mới biết ở Đồng Tháp có một đồng sen đẹp hơn cả đồng sen ở bên Úc. Quả thật, đồng sen đã tạo nên danh tiếng cho Đồng Tháp”.
Các sản phẩm từ sen như: hoa sen, gương sen, củ sen, ngó sen và lá sen đang rất được thị trường ưa chuộng. Điều này mang lại một cơ hội mới cho người trồng sen ở huyện Hồng Ngự.
Tuy nhiên, không vì thế mà người dân đổ xô trồng sen. Chỉ tính riêng toàn huyện Hồng Ngự hiện có khoảng 20ha đất trồng sen. Nếu tính cả tỉnh Đồng Tháp và các tỉnh, thành khác thì diện tích sen sẽ lên đến cả ngàn ha. Vì thế, nếu không có thị trường tiêu thụ hay chưa tổ chức liên kết tiêu thụ sản phẩm được, nông dân cần thận trọng khi chuyển đổi diện tích lúa và các loại hoa màu khác sang trồng sen. Bởi, nếu nguồn cung các sản phẩm từ cây sen vượt quá nhu cầu, ắt hẳn sẽ dẫn đến tình trạng tồn hàng dội chợ, giá cả bấp bênh như đã từng xảy ra đối với các cây trồng khác trong thời gian qua.
Phú Thuận