Nông dân mạnh dạn hướng đến sản xuất giống lúa chất lượng
Cập nhật ngày: 05/03/2020 09:24:46
Kinh nghiệm đúc kết “Nhứt nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” đang dần thay đổi trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng gay gắt. Hiện tại, khâu chọn giống chính là nền tảng cho tư duy nông nghiệp chú trọng chất lượng hơn là số lượng. Tại Đồng Tháp – nơi được xem là vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long, nông dân đang mạnh dạn quay lưng với giống lúa thường, hướng đến sản xuất lúa chất lượng cao.
Là địa phương biên giới của tỉnh Đồng Tháp, từ lâu đời, nông dân Hồng Ngự với tập quán canh tác giống lúa thường IR50404, chiếm đến 70% trong tổng số gần 12.000ha xuống giống. Song, đó là chuyện của 2 – 3 năm trước. Còn hiện tại, sau thời gian chuyển đổi giống, vụ đông xuân này, giống IR50404 chỉ còn trên 10%. Kết quả này không chỉ giúp sản lượng lúa của địa phương đạt trên 182.000 tấn/năm mà quan trọng hơn là giúp nông dân có cái nhìn mới về giống lúa chất lượng cao. Ông La Văn Cọc ở xã Thường Lạc, huyện Hồng Ngự cho biết: “Trước đây làm giống IR50404, mới chuyển vụ năm ngoái, bởi giống IR50404 không có năng suất, giống lúa Đài thơm giá cao hơn từ 500 – 600 đồng/kg, năm ngoái cao 1.000 đồng/kg”.
Trước đây, những ưu điểm dễ làm, năng suất cao và chi phí thấp là câu trả lời của bà con nông dân trồng giống lúa IR50404. Song vài năm gần đây, tác động biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan đã khiến cho sản xuất gặp nhiều khó khăn. IR50404 dần bộc lộ những yếu điểm như: sâu bệnh, dễ đổ ngã, đặc biệt giá cả luôn chênh lệch so với những giống lúa triển vọng khác. Mặc khác ở cùng một khu vực, nông dân chuyển đổi giống lúa cấp xác nhận ngày càng nhiều đã khiến cho những giống lúa thường bị thu hẹp diện tích. Ông Nguyễn Kỳ Phùng - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hồng Ngự cho biết: “Có nhiều lý do giảm vì gạo IR50404 là gạo 25% tấm, xuất khẩu không được nhiều, chủ yếu để bán nội địa. Giảm giống lúa IR50404 rất phù hợp với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương - khuyến khích giảm việc sản xuất giống lúa thường”.
Mới đây, sự kiện gạo ST25 của Việt Nam được chọn là gạo ngon nhất thế giới. Điều này không chỉ nâng cao uy tín của gạo Việt trên thương trường mà đã trở thành cú hích cho cả doanh nghiệp xuất khẩu lẫn chính quyền và nông dân. Tuy nhiên, đây chỉ mới là một hiện tượng riêng biệt. Theo Giáo sư Tiến sĩ Võ Tòng Xuân - nhà nghiên cứu hàng đầu về lúa gạo ở Việt Nam, muốn nền nông nghiệp bền vững, bên cạnh nhiều tố thì vấn đề xây dựng vùng nguyên liệu lớn để sản xuất đồng nhất loại giống mới tạo ra được giá trị xuất khẩu. Mà điều này, bà con nông dân làm được và nên mạnh dạn thay đổi, bắt đầu từ câu chuyện giống lúa.
Minh Thi