Nông dân tìm cơ hội cho nông sản sạch
Cập nhật ngày: 17/02/2018 06:59:41
ĐTO - Nông dân trồng quýt đường Lai Vung hăm hở khi sản phẩm của mình được vào siêu thị, nông dân nuôi vịt rọ vui bởi trứng vịt được truy xuất nguồn gốc. Với nông dân làm nông nghiệp sạch ở Đồng Tháp, Tết Nguyên đán năm nay là một cái Tết ấm áp và tràn đầy hy vọng...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ấn tượng với trái cây thế mạnh của tỉnh
Nhà vườn không chỉ có cần cù
Thật lạ tai khi lần đầu nghe những từ như mận “giăng mùng”, cam “mặc váy”. Đây là sự sáng tạo rất nông dân của nhà vườn huyện Lai Vung trong quá trình canh tác, một thay đổi nhỏ giúp nông sản sang trang.
Ông Nguyễn Văn Nguyên - Tổ trưởng Tổ hợp tác (THT) mận Phong Hòa (xã Phong Hòa, huyện Lai Vung) được xem là người tiên phong trong việc “giăng mùng cho mận” (phủ lưới quanh cây) để phòng trừ loại ruồi vàng đục trái. Trước đây, để phòng trừ loài côn trùng gây hại này, nhà vườn phải tốn nhiều chi phí phun xịt, nhưng tỷ lệ trái đạt chất lượng dưới 50%. Nhiều nhà vườn trồng mận phải chịu áp lực rất lớn về năng suất lẫn đầu ra sản phẩm.
Sau khi được tham quan một số mô hình sản xuất cây giống, nhìn các trung tâm giăng lưới bảo vệ cây con, nhận thấy cách làm này phù hợp với việc bảo vệ mận khỏi ruồi vàng gây hại, ông đã thử nghiệm và tiến hành giăng mùng cho cả vườn mận gần 5 công. Thành công của mô hình chính là giảm chi phí sản xuất từ 7-8 triệu đồng/công, năng suất thu về đạt trên 80%.
Ông Nguyên chia sẻ: “Việc giăng mùng cho mận giúp người nông dân vừa hạ giá thành sản xuất mà trái rất sạch. Cũng chính yếu tố này nên mận của địa phương được Tập đoàn VinGroup liên kết thu mua với giá bán cao hơn thị trường truyền thống từ 5.000 - 10.000 đồng/kg. Với hiệu quả của mô hình mang lại, diện tích canh tác mận “giăng mùng” tại địa phương tăng lên đến 20ha”.
Tại huyện Lai Vung, không chỉ có mận được “giăng mùng” mà còn có cam “mặc váy”, cũng là một sáng tạo rất nông dân. Do diện tích cam xoàn trên địa bàn huyện có dấu hiệu tăng mạnh, nhằm điều tiết sản lượng, giúp cho cam cho trái quanh năm, nhiều nhà vườn đã áp dụng mô hình “mặc váy cho cam”. Cụ thể vào những tháng mưa, nông dân sẽ trùm tấm bọc nilong dưới gốc cam để cây cảm thấy thiếu nước, kích thích cam ra hoa. Sau đó gỡ bọc và bón tưới bắt đầu một mùa cam mới. Mô hình này giúp nhà vườn điều tiết sản lượng và mang lại nguồn thu nhập khá cao, bởi giá nông sản mùa nghịch cao hơn nhiều so với mùa thuận.
Xoài là nông sản thế mạnh của tỉnh. Nhằm mở rộng kênh tiêu thụ cho nông sản này, Hợp tác xã (HTX) Xoài Mỹ Xương (huyện Cao Lãnh) hết sức sáng tạo với mô hình “Cây xoài nhà tôi”. Bất cứ khách hàng ở đâu cũng đều có thể sở hữu một hay nhiều cây xoài ưng ý, chỉ cần một vài cú click chuột vào trang web của HTX với những thông tin giống xoài, giá sản phẩm... Cây xoài thuộc sở hữu của khách hàng sẽ được xã viên HTX chăm sóc theo quy trình an toàn; khách hàng sẽ được thông tin về quá trình sinh trưởng của cây và được tự tay thu hoạch xoài khi chín.
Ông Võ Việt Hưng - Giám đốc HTX xoài Mỹ Xương thông tin: “Mô hình manh nha và đi vào thực hiện trong năm 2016, đến năm 2017 mô hình “Cây xoài nhà tôi” bán được gần 100 cây với sản lượng 100kg/cây. Mô hình này đang phát triển rất tốt và đơn vị tiếp tục hoàn thiện mô hình tốt hơn để kích thích nhu cầu sở hữu của người tiêu dùng”.
Sản xuất theo nhu cầu thị trường
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan từng chia sẻ với nông dân, để nông sản phát triển người nông dân phải lấy “thị trường” để quyết định sản xuất. Bằng sự nhạy bén khi thị hiếu của người tiêu dùng thay đổi, nhiều nông dân Đồng Tháp chuyên canh cây ăn trái đã áp dụng quy trình sản xuất sạch, an toàn vào canh tác để cây ăn trái tham gia vào “sân chơi” lớn không chỉ đảm bảo chất lượng mà còn an toàn.
Đơn cử như hướng đi sản xuất xoài hữu cơ còn khá mới mẻ của ông Nguyễn Phú Hiệp - Tổ trưởng THT dịch vụ sản xuất xoài số 2 xã Mỹ Hội, huyện Cao Lãnh. Trong đó, ông Hiệp sử dụng phân hữu cơ vi sinh để thay thế cho các sản phẩm phân thuốc hóa học. Nhờ hướng đi “đón đầu” xu thế, nên sản phẩm được doanh nghiệp Đại Thuận Thiên bao tiêu toàn bộ, khiến nông sản này bắt đầu sang trang mới. Bình quân mỗi hecta, người dân thu lãi khoảng 160 triệu đồng, cao hơn phương thức sản xuất xoài phổ biến hiện này là 60 triệu đồng/ha.
Thời gian qua, nhãn Châu Thành đứng trước cơ hội mới chính là xuất khẩu được sang thị trường Mỹ. Bình quân, mỗi tuần lượng nhãn cung ứng cho thị trường Mỹ khoảng 200 tấn trái. Tuy nhiên, điểm trừ của loại nông sản này chính là tỷ lệ trái đạt chuẩn xuất khẩu chỉ đạt 50%, số còn lại bán cho thị trường nội địa. Là người nhạy bén với thời cuộc và có thâm niên trong nghề trồng, thu mua nhãn cung ứng cho thịt trường, ông Phạm Hữu Hiện (Út Hiện) xã An Nhơn, huyện Châu Thành vừa “chào sân” loại nhãn mới với tên Phát Tài. Loại nhãn này giống nhãn Idor nhưng hạt nhỏ, cơm dày, trái to đạt kích cỡ xuất khẩu với tỷ lệ gần như tuyệt đối, năng suất cao, kỳ vọng sẽ phát triển trong thời gian tới.
Nhãn địa phương đã có mặt trên thị trường Mỹ
Ông Út Hiện chia sẻ: “Sẽ rất khó để một loại nông sản nào đó bền chặt với thời gian. Thay đổi để thích ứng với nhu cầu người tiêu dùng là điều cần thiết. Giống nhãn mới này đáp ứng được nhu cầu của thị trường xuất khẩu. Hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu rất ưng ý với sản phẩm và có nhu cầu độc quyền nguồn cung trong xuất khẩu”.
Ngoài những yếu tố vừa nêu, trên đường hội nhập, phát triển bền vững thì không thể làm ăn riêng lẻ với chi phí đầu vào cao và áp lực đầu ra với giá bán thấp. Bằng trải nghiệm thực tế trong sản xuất, nhiều nhà vườn đã sát lại cùng nhau trong “ngôi nhà chung” THT, HTX giúp họ giảm giá thành sản xuất, đầu ra thông thoáng thông qua liên kết tiêu thụ. Chỉ tính riêng sản phẩm xoài, đến cuối tháng 11/2017, toàn tỉnh đã tiêu thụ được 3.800 tấn thông qua liên kết giữa THT, HTX với doanh nghiệp, chủ vựa. Riêng tại THT quýt đường Vĩnh Thới, trong năm 2017 có khoảng 800 tấn (quýt, cam, mận) cung cấp cho doanh nghiệp. Riêng thị trường Tết Nguyên đán, đơn vị sẽ cung cấp cho công ty khoảng 100 tấn trái cây các loại.
Nông dân an tâm đón Tết
“Mọi năm gần giáp Tết, quýt phải “chạy” theo thương lái, nếu hút hàng thì họ chạy “nườm nượp” tìm mình, còn giá thấp thì nông dân trông ngóng họ từng ngày. Nhưng năm nay, ký hợp đồng với công ty nên chẳng còn ký quýt nào tồn đọng, mà giá lại ổn định”, ông Tống Văn Phong - Tổ trưởng THT quýt đường Vĩnh Thới hồ hởi cho hay. Theo ông Phong, sản phẩm quýt đường của THT đã đạt chứng nhận GlobalGAP (cuối năm 2016) và đã ký hợp đồng tiêu thụ với Công ty VinEco, được bán tại hệ thống siêu thị Vinmart của Tập đoàn VinGroup. Thời điểm này, trung bình tổ cung cấp khoảng 30-40 tấn quýt đường cho VinEco. Ngoài quýt đường, các loại trái cây như: quýt hồng, cam soàn, mận... của THT cũng được công ty bao tiêu với giá cao hơn sản phẩm thông thường từ 15-20%. Nông dân trong tổ đều rất phấn khởi và chọn vườn cây ăn trái làm điểm du xuân. “Giá bán cao, thị trường ổn định nên mình cũng quên luôn Tết, chỉ muốn ở đây làm có quýt càng nhanh càng tốt” - ông Trần Văn Hậu, ở xã Vĩnh Thới lý giải về việc vợ chồng ông có mặt thường xuyên ở vườn quýt những ngày giáp Tết.
Trong khi nông dân THT quýt đường Vĩnh Thới phấn khởi vì quýt được vào siêu thị thì người nuôi vịt rọ ở THT chăn nuôi vịt (xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười) cũng đầy hứng khởi khi giá trứng vịt ổn định, nhờ được gắn mã vạch truy xuất nguồn gốc và đưa vào các hệ thống siêu thị tại TP.Hồ Chí Minh thông qua Công ty Vĩnh Thành Đạt. Theo ông Lê Ngọc Mới - Tổ trưởng THT nuôi vịt xã Mỹ Hòa, mặc dù nuôi vịt rọ (nuôi nhốt vịt một chỗ và cho ăn thức ăn) chi phí cao nhưng bù lại ít xảy ra dịch bệnh, tỷ lệ trứng đạt cao nên người dân cũng khá yên tâm. Thấy tình hình nuôi vịt rọ chuyển biến theo hướng tích cực, các hộ trong THT cũng “bắt chước” và tiếp tục gầy đàn theo hướng này.
Cơ sở nuôi vịt Út Mới là trang trại đầu tiên ở đồng bằng sông Cửu Long được cấp mã vạch truy xuất nguồn gốc
Chỉ vào đàn vịt 7.000 con đang cho trứng trên 80%, ông Lê Ngọc Mới hào hứng cho rằng, vụ tới, nông dân THT sẽ tiếp tục thắng lớn. Bởi theo ông thì Sở Công Thương TP.Hồ Chí Minh đã hứa hẹn, sau truy xuất nguồn gốc tại trại vịt của ông, họ sẽ tiếp tục xuống khảo sát 3 trại vịt của 3 tổ viên khác, nếu đủ điều kiện sẽ gắn mã vạch truy xuất nguồn gốc và đưa vào hệ thống siêu thị, khi đó trứng vịt của nông dân sẽ có dịp lên kệ khắp các siêu thị trong cả nước. “Tổ có 11 tổ viên thì 6 hộ đã chuyển qua nuôi vịt rọ, 5 hộ còn lại cũng đang “nhấp nhỏm” làm theo. Anh Đoàn Thanh Nhường, nông dân dám đầu tư hơn 1 tỷ đồng nuôi 12.000 con vịt rọ kỳ vọng: Chỉ cần năm sau trứng vịt được truy xuất nguồn gốc, tiêu thụ ổn định thì mình chỉ lo việc tăng đàn và “chờ trứng”.
Cùng với ông Phong, ông Mới, nhiều nông dân trong tỉnh làm nông nghiệp theo hướng sạch với hy vọng cái tâm của người nông dân sẽ được đón nhận xứng đáng như Lê Văn Tiếng làm lúa sạch, nhà vườn huyện Cao Lãnh trồng ổi theo quy trình an toàn, HTX chanh Cao Lãnh sản xuất chanh sạch... Theo những nông dân này, mặc dù ban đầu việc “đi ngược” có nhiều vất vả, giá cả không hơn sản phẩm thường là mấy nhưng họ vẫn quyết tâm làm đến cùng để đem sản phẩm sạch đến người tiêu dùng.
Với tiềm năng vốn có nên diện tích trồng cây ăn trái năm 2017 tăng trên 2.800ha so với năm 2016, nâng diện tích cây ăn trái toàn tỉnh lên trên 27.000ha. Trong đó, cây xoài có diện tích gần 9.000ha, sản lượng đạt trên 94.000 tấn; cây nhãn với diện tích 4.500ha, sản lượng ước đạt trên 38.000 tấn và nhóm cây có múi là 6.800ha, sản lượng ước đạt trên 95.000 tấn.
|
Y Du – Mỹ Nhân