Nông nghiệp vẫn duy trì đà tăng trưởng khá

Cập nhật ngày: 02/01/2020 09:40:58

ĐTO - Khép lại năm 2019 với nhiều khó khăn trong sản xuất nhưng nông nghiệp của tỉnh vẫn duy trì được đà tăng trưởng khá, giá trị sản xuất 42.828 tỷ đồng, tăng 3,64% so với năm 2018; giá trị sản xuất ngành thủy sản tăng 12% so với năm 2018; tốc độ tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích đất trồng trọt tăng 4,12%/năm... Đây là những kết quả đáng phấn khởi để tỉnh tiếp tục phấn đấu thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu của ngành trong năm mới, nhất là hoàn thành mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.


Mô hình “Cây xoài nhà tôi” tại Hợp tác xã Mỹ Xương (huyện Cao Lãnh) đã được cấp mã số vùng trồng và ứng dụng công nghệ Blockchain vào việc truy xuất nguồn gốc xoài

Kết quả nổi bật

“Năm 2019, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng chúng ta vẫn giữ vững được các chỉ tiêu tăng trưởng của ngành nông nghiệp, điều này đã đem lại niềm tin cho nhân dân trong tỉnh”. Đây là đánh giá của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dương tại hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp khi nói về những nỗ lực của ngành, các địa phương và nhân dân trong tỉnh.

Có thể nói, năm 2019 sản xuất nông nghiệp diễn ra trong bối cảnh có nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là dịch tả heo Châu Phi gây thiệt hại chưa từng có đối với ngành chăn nuôi trong tỉnh. Tuy nhiên, xác định nông nghiệp là động lực cho sự phát triển kinh tế của tỉnh, với việc phân tích, nhận định được tình hình thực tế và sự chỉ đạo, điều hành tại mỗi thời điểm của lãnh đạo tỉnh và các địa phương, nên các chỉ tiêu nông nghiệp của tỉnh vẫn duy trì được đà tăng trưởng khá và đạt được những kết quả tích cực.

Điểm nhấn quan trọng là nông dân đã phát huy hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng an toàn, thích ứng với biến đổi khí hậu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chẳng hạn, các mô hình trồng rau thủy canh ở huyện Cao Lãnh; mô hình trồng rau thủy canh kết hợp nuôi cá Aquaponics ở huyện Lấp Vò; mô hình trồng dưa lê, dưa lưới trong nhà màng, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt từ công nghệ Israel ở huyện Thanh Bình... đã giúp nông dân tăng thêm lợi nhuận từ 370-450 triệu đồng/ha so với canh tác lúa trên cùng một diện tích.

Sự thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp của nông dân ngày càng rõ nét. Người nông dân ngày càng nhận thức được hiệu quả của việc áp dụng các kỹ thuật trong sản xuất theo hướng an toàn, quan tâm đến nhu cầu của thị trường; nhận thức được hiệu quả kinh tế trong liên kết sản xuất – tiêu thụ. Từ đó, chủ động thực hiện các tiêu chí trong sản xuất để tham gia vào chuỗi truy xuất nguồn gốc. Tỉnh ngày càng xuất hiện nhiều mô hình sản xuất hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, có liên kết tiêu thụ ổn định như: mô hình canh tác lúa lý tưởng, sản xuất xoài theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP, mô hình sản xuất cá tra được chứng nhận theo hướng an toàn, mô hình “Cây xoài nhà tôi”, mô hình “Cây cam vườn tôi”, “Ruộng nhà mình”... Ngành hàng xoài năm 2019 đã được cấp mã số vùng trồng và ứng dụng công nghệ Blockchain vào việc truy xuất nguồn gốc xoài, tập huấn cho nhà vườn đáp ứng đủ tiêu chuẩn, quy cách, chất lượng của trái xoài để tham gia xuất khẩu. Xoài Cao Lãnh đã được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc. Ông Nguyễn Phước Thiện - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp đánh giá việc cấp mã vùng trồng cho cây ăn trái là nền tảng quan trọng cho việc đáp ứng nhu cầu xuất khẩu của các nước trong thời gian tới.

Kinh tế hợp tác và Hội quán đã góp phần quan trọng trong kết quả đạt được của ngành nông nghiệp. Theo đó, thông qua mô hình đã góp phần vào phát triển kinh tế, phát huy tính tự quản cộng đồng, thay đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, phát huy tính chủ động, sáng tạo, cách làm hay trong sản xuất, trong đời sống ở cơ sở. Mô hình trở thành nền tảng hình thành và phát triển các hợp tác xã mới. Đến cuối năm 2019, toàn tỉnh đã thành lập 85 Hội quán và hoạt động ổn định, có hiệu quả, với gần 3.800 thành viên tham gia; đồng thời đã có 17 hợp tác xã được thành lập trên nền tảng mô hình Hội quán. Trong đó, có một số Hội quán đã xây dựng, kết nối liên kết tiêu thụ nông sản mang lại hiệu quả kinh tế ổn định cho người nông dân.

Mô hình du lịch nông nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng phát triển ngày càng mạnh mẽ và bài bản. Người dân Đồng Tháp đã dần bắt nhịp theo chủ trương của tỉnh, chuyển hướng sang kinh doanh du lịch từ những lợi thế sẵn có của địa phương và đã mang lại những hiệu quả nhất định từ mô hình này. Có thể kể đến đó là mô hình gắn kết làm du lịch giữa người dân với doanh nghiệp để phát triển du lịch thông qua “Hội quán cùng nhau làm du lịch” của người dân Sa Đéc; mô hình du lịch tham quan của những hộ dân trồng quýt hồng Lai Vung; các mô hình nông nghiệp gắn với du lịch tại huyện Cao Lãnh, Tam Nông...

Năm 2019, cũng ghi nhận sự nỗ lực của các ngành, địa phương trong việc kết nối giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất với các kênh phân phối hiện đại, đưa các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh vào các kênh phân phối này ngày càng sâu rộng. Đến nay, nhiều sản phẩm của tỉnh đã có mặt trên hệ thống các hệ thống siêu thị Vinmart, Saigon Co.op, siêu thị Tứ Sơn...


Hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 827ha nuôi cá tra được chứng nhận an toàn

Vì một nền nông nghiệp sạch

Phát huy những kết quả đạt được trong năm qua, ngành nông nghiệp đề ra chỉ tiêu trong năm 2020 phấn đấu giá trị sản xuất toàn ngành đạt 44.184 tỷ đồng; giá trị tăng thêm đạt 18.640 tỷ đồng, tăng trưởng đạt 3,5% so với năm 2019.

Tuy nhiên, theo nhận định của các cơ quan chuyên môn và các chuyên gia, năm 2020 nền nông nghiệp vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức, trong đó áp lực cạnh tranh, rào cản thương mại, chính sách bảo hộ... tiếp tục ảnh hưởng lớn đến việc xuất khẩu 2 sản phẩm chủ lực của tỉnh là gạo và thủy sản. Trung Quốc cũng siết chặt xuất khẩu chính ngạch, với những điều khoản khắt khe hơn về an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tác động trực tiếp đến nông dân và doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Đồng Tháp nói riêng.

Ông Nguyễn Phước Thiện - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, trước những thách thức này, ngành nông nghiệp đã đặt ra các giải pháp cụ thể, đó là tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nhằm thay đổi tư duy phát triển, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng, theo cơ chế thị trường, chú trọng về chất lượng và giá trị gia tăng; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn với việc kiến tạo mạnh mẽ nền nông nghiệp hiện đại 4.0 theo hướng tích hợp công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nano và cơ giới hóa. Ngành nhân rộng các mô hình giảm giá thành, bón phân thông minh, mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, sản xuất sạch gắn với thương hiệu... Đặc biệt, chú trọng việc xây dựng các vùng nguyên liệu sạch, an toàn, có truy suất nguồn gốc đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, nhất là đối với thị trường Trung Quốc.

Đối với Đồng Tháp, cho đến thời điểm này, nông nghiệp vẫn là thế mạnh, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu GRDP và vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển. Các hiệp định thương mại tự do vừa được ký kết là cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần nâng cao giá trị nông sản. Do đó, địa phương cần phải mạnh dạn đặt mục tiêu cao hơn để tiên phong phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững. Vấn đề còn lại là bà con nông dân phải chủ động thay đổi để thích ứng với các rào cản kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu của thị trường nhằm cải thiện thu nhập từ chính mảnh vườn, thửa ruộng của mình. Đồng Tháp hoàn toàn có cơ sở khi đặt ra mục tiêu phấn đấu trở thành trung tâm sản xuất, chế biến lúa gạo, thủy sản đứng đầu cả nước. Bên cạnh, việc tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh chính sách để thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển, ngành nông nghiệp phải chú trọng nhân rộng các mô hình hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, mô hình hợp tác liên kết theo chuỗi phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, bởi nông dân vốn phải thấy mới tin và từ đó mới mạnh dạn làm theo. Đồng thời, ngành cần chú trọng lựa chọn xây dựng sản phẩm chủ lực để tập trung đầu tư, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu để nâng cao giá trị nông sản quê mình.

Ngành nông nghiệp cần làm tốt hơn nữa công tác thị trường, bao gồm dự báo, cân đối cung cầu, phát triển thị trường mới...; phát huy vai trò của doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Trong giai đoạn hiện nay, nếu không có doanh nghiệp, không có hợp tác xã thì không thể có nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa có giá trị cao. “Tôi có niềm tin rằng, với truyền thống đoàn kết, không ngại khó khăn, vất vả, ngành nông nghiệp sẽ quyết tâm hành động vì một nền nông nghiệp sạch, hướng đến xuất khẩu, giúp cho bà con nông dân khá hơn, giàu hơn, đóng góp quan trọng vào việc hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương” - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương nói.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương cho biết, UBND tỉnh đã chọn giải pháp thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp là 1 trong 4 nhóm vấn đề trọng tâm để tập trung chỉ đạo thực hiện. Tuy nhiên, để cùng quyết tâm cho sự thay đổi này, ngành nông nghiệp phải là “đầu tàu” đứng ra hỗ trợ, định hướng, đào tạo để nông dân chủ động nắm bắt cơ hội và thích ứng nhanh với sự thay đổi. “Cán bộ ngành nông nghiệp phải sống cùng nông dân để làm cuộc cách mạng mới trong nông nghiệp, nông thôn; phải luôn gần gũi, sát cánh cùng bà con nông dân để giúp bà con hiểu, từ đó mạnh dạn chuyển đổi từ tư duy, tích cực ứng dụng khoa học công nghệ, tăng mạnh chế biến nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thị trường, trong bối cảnh hội nhập và thích ứng với biến đổi khí hậu”, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định.

Mỹ Nhân

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn