LẤP VÒ
Phát huy mọi nguồn lực, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội theo hướng toàn diện và bền vững
Cập nhật ngày: 04/05/2020 13:15:39
ĐTO - Từ năm 2016 đến nay, các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân tích cực triển khai mọi nguồn lực, nhất là khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của địa phương để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo hướng toàn diện và bền vững đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Với vị trí, điều kiện tự nhiên khá thuận lợi, huyện Lấp Vò tập trung phát triển hài hòa cả 3 khu vực kinh tế; trong đó phát triển mạnh về công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ - du lịch. Bên cạnh đó, nhiều công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn huyện được Trung ương, tỉnh đầu tư như: cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống và đường nối 2 cầu Cao Lãnh - Vàm Cống; nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 54, xây dựng mới đường tỉnh lộ 852B, dự kiến công trình đường nối tỉnh lộ 849 đến Quốc lộ 54 góp phần tạo động lực cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của huyện. Kết quả, tổng giá trị sản xuất tăng trưởng bình quân 5 năm (2016 – 2020) ước đạt khoảng 7,2%/năm.
Hạ tầng thương mại trên địa bàn Lấp Vò được đầu tư nâng cấp, mở rộng, đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân trên địa bàn và các khu vực lân cận. Đến nay, Lấp Vò có 31 chợ đang hoạt động, 2 siêu thị Điện Máy Xanh, nhiều cửa hàng tiện ích, bách hóa tổng hợp, hệ thống bán lẻ điện thoại di động, máy tính, đồ dùng điện tử... được hình thành, phục vụ tốt nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân. Các hoạt động vui chơi giải trí được đầu tư, góp phần thúc đẩy ngành thương mại của huyện phát triển. Trong giai đoạn 2015-2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng bình quân là 12,80%/năm, thêm 0,72%/năm so với kế hoạch.
Các công trình hạ tầng đô thị được tập trung đầu tư, góp phần mở rộng không gian đô thị để tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Dự kiến đến cuối năm 2020, 2 xã Tân Khánh Trung và xã Mỹ An Hưng B đạt tiêu chí đô thị loại V. Qua thời gian đầu tư phát triển trung tâm xã Tân Khánh Trung và trung tâm xã Mỹ An Hưng B cơ bản đạt 70% các tiêu chuẩn đã được quy định tại Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc phân loại đô thị. Tính đến thời điểm này, trung tâm xã Mỹ An Hưng B đạt khoảng 73 điểm và trung tâm xã Tân Khánh Trung đạt khoảng 71 điểm. Huyện đang tập trung đầu tư hạ tầng đô thị loại IV và loại V theo chương trình phát triển đô thị đề ra.
Trong giai đoạn từ năm 2016 - 2020, hệ thống trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập trên địa bàn huyện Lấp Vò được quan tâm đầu tư, nâng cấp, cơ bản đạt chỉ tiêu đề ra. Đến nay, toàn huyện có 60 trường và 1 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp. Bên cạnh đó, việc nâng cao trình độ chuyên môn và lý luận chính trị cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục cũng được quan tâm thực hiện. Huyện cũng đã đưa lịch sử địa phương vào giáo trình dạy học phổ thông cho các em học sinh biết được truyền thống tốt đẹp của quê hương Lấp Vò nhằm nâng cao chất lượng giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống, tạo điều kiện cho thế hệ trẻ học tập, lao động, giải trí, phát triển toàn diện.
Công tác đào tạo nghề hằng năm được thực hiện tốt, chất lượng đào tạo nghề được nâng lên, đáp ứng nhu cầu lao động cho các cụm, tuyến công nghiệp và mục tiêu chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn. Từ đầu năm 2016 đến năm 2018, tổ chức được 79 lớp với 2.530 học viên; ước thực hiện đến năm 2020 là 99 lớp với 3.890 học viên. Qua đó, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2020 là 70%, trong đó đào tạo nghề là 52%. Cũng trong giai đoạn từ năm 2016 - 2020, huyện Lấp Vò phấn đấu giới thiệu việc làm cho khoảng 25.900 lao động; đã đưa hơn 650 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, đạt 140% so với chỉ tiêu đề ra.
Xác định xây dựng và phát huy nguồn nhân lực là nhiệm vụ trọng tâm và mang tính chiến lược nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, các cấp ủy, chính quyền huyện Lấp Vò lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều chủ trương, chính sách để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là xây dựng con người Lấp Vò có trí tuệ, năng lực, sáng tạo, có phẩm chất đạo đức, có tâm huyết với quê hương, có trách nhiệm với cộng đồng và có ý thức chấp hành pháp luật. Từ đó, địa phương thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm bảo đảm cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đạt chuẩn về trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới, chất lượng và hiệu quả công việc ngày càng được nâng cao. Đồng thời, việc xây dựng và thực hiện văn hóa trong lãnh đạo, quản lý và ứng xử của cả hệ thống chính trị nhằm nâng cao văn hóa công vụ, phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân.
|
DŨNG CHINH