Huyện Châu Thành

Phát triển ngành hàng chủ lực trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Cập nhật ngày: 05/06/2019 15:35:33

ĐTO - Nhằm phát huy thế mạnh trong nông nghiệp, thời gian qua, huyện Châu Thành tích cực thực hiện đồng bộ các giải pháp trọng tâm tái cơ cấu ngành nông nghiệp (TCCNN) theo hướng bền vững. Điều này cũng góp phần nâng cao giá trị nông sản hàng hóa và tăng giá trị kinh tế cho nông dân.


Huyện Châu Thành sẽ tập trung phát triển cây nhãn trở thành cây trồng trọng điểm

Nhìn từ sự chuyển biến của ngành hàng nhãn và khoai lang

Qua hơn 3 năm thực hiện Đề án TCCNN theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, huyện Châu Thành đã tạo ra nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa chuyên canh, quy mô lớn gắn với tiêu thụ đầu ra.

Là loại cây trồng chủ lực và nằm trong Đề án TCCNN của địa phương, từ năm 2015, các chương trình, mô hình phát triển cây nhãn tiếp tục được huyện quan tâm, đầu tư; vì vậy diện tích, năng suất nhãn tăng lên rõ rệt theo từng năm. Đến cuối năm 2018, toàn huyện có 2.050ha diện tích trồng nhãn Edor, chiếm 58,06% diện tích trồng nhãn toàn huyện, năng suất đạt 17 tấn/ha; tổng sản lượng đạt gần 35 ngàn tấn. So với năm 2016, diện tích trồng nhãn Edor tăng 122,9%, năng suất tăng 106%, sản lượng tăng 2,5 lần. Giá trị thu nhập bình quân cho nông dân đạt 320 triệu đồng/ha/năm.

Với mục tiêu nâng cao hiệu quả ngành hàng, thời gian qua, huyện Châu Thành đã chú trọng tăng cường ứng dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, đến nay, nông dân đã biết và áp dụng thành thạo các kỹ thuật sản xuất từ khâu làm đất đến chọn giống, tỉa cành tạo tán, bón phân, xử lý ra hoa rải vụ... đáp ứng nhu cầu sản lượng cung ứng cho thị trường quanh năm. Ngoài ra, địa phương còn phối hợp với các viện, trường, triển khai thực hiện nhiều dự án, đề tài khoa học về quy trình sản xuất nhãn an toàn theo hướng VietGAP với tổng diện tích 140ha ở các xã: An Nhơn, An Khánh, An Phú Thuận.

Điểm quan trọng của cây nhãn Châu Thành là khi được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận theo Quyết định số 18572/QĐ-SHTT ngày 4/4/2016 cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Châu Thành làm chủ sở hữu. Để phát triển nhãn hiệu “Nhãn Châu Thành - Đồng Tháp” ngày 13/9/2018, UBND huyện Châu Thành cũng đăng ký, đề xuất dự án “Quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận nhãn Châu Thành của huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp” thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016 - 2020. Ngoài ra, đơn vị quản lý nhãn hiệu là Phòng NN&PTNT Châu Thành đã quyết định ban hành quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Nhãn Châu Thành Đồng Tháp” cho sản phẩm nhãn nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc phát triển sản xuất nhãn có xuất xứ từ huyện Châu Thành. Theo đó, từ tháng 7/2018 đến nay, Hợp tác xã (HTX) Nông sản an toàn An Hòa đã tiêu thụ nhãn tại 3 chợ đầu mối ở TP.Hồ Chí Minh khoảng 60 tấn nhãn; cung cấp cho Công ty TNHH Dịch vụ Xuất nhập khẩu T&T khoảng 15 tấn nhãn xuất khẩu sang Mỹ.

Cũng là ngành hàng chủ lực của huyện, đến cuối năm 2018, toàn huyện Châu Thành có tổng diện tích trồng khoai lang hơn 3.600ha (trong đó khoai lang tím Nhật chiếm 85% diện tích); năng suất 25 tấn/ha; sản lượng hơn 612 ngàn tấn (năm 2018).

Để giữ vững chuỗi giá trị ngành hàng khoai lang, trong những năm qua, huyện Châu Thành hỗ trợ nông dân trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật. Theo đó, đẩy nhanh cơ giới hóa từ khâu làm đất đến thu hoạch, giúp giảm chi phí. Từ năm 2015 - 2018, toàn huyện đã triển khai 140ha mô hình trồng khoai lang giảm giá thành gắn với tiêu thụ. Qua đó, giúp nông dân được hỗ trợ tập huấn hướng dẫn kỹ thuật sản xuất an toàn, giảm chi phí sản xuất. Về phát triển kinh tế hợp tác, toàn huyện đã thành lập được 1 HTX sản xuất dịch vụ Hòa An, xã Hòa Tân hoạt động sản xuất và kinh doanh khoai lang.

Nhìn nhận về những thay đổi chung của ngành nông nghiệp huyện Châu Thành, ông Chung Hoàng Hà - Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nông sản an toàn An Hòa, xã An Nhơn cho biết: “Từ khi làm ăn chung, các thành viên cùng nhau sản xuất theo đúng quy trình an toàn cho năng suất cao, chi phí đầu vào giảm, góp phần nâng cao thu nhập. Thời gian qua, từ sự chủ động của lãnh đạo địa phương trong việc kết nối doanh nghiệp với nông dân đã giúp khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, nâng cao thu nhập cho nông dân...”.

Song, bên cạnh những mặt thuận lợi, việc triển khai phát triển hai ngành hàng nhãn và khoai lang vẫn còn khó khăn. Bàn về vấn đề này, ông Võ Đình Trọng - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Châu Thành cho biết: “Theo tôi, cái khó chung của hai ngành hàng này chủ yếu là do việc phát triển diện tích canh tác vẫn còn quy mô nông hộ, sản xuất nhỏ vẫn là chủ yếu; thiếu những mô hình sản xuất lớn, liên kết giữa các hộ trồng trong sản xuất và kinh doanh. Cùng với đó, một số tiến bộ kỹ thuật mới trong những năm qua được mở rộng nhanh chóng nhưng còn nhiều vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện như chế độ dinh dưỡng, nước tưới, chất lượng trái, sơ chế, bảo quản, giống... Một số bộ phận nông dân còn mang nặng tư tưởng sản xuất nhỏ, chưa tuân thủ quy trình sản xuất nên chất lượng sản phẩm chưa đồng đều”.

Phát triển bền vững hai ngành hàng chủ lực

Theo UBND huyện Châu Thành, để nâng cao hơn nữa việc phát triển hai ngành hàng chủ lực, địa phương sẽ tập trung nhiều giải pháp đồng bộ. Với ngành hàng nhãn, mục tiêu đến năm 2020, toàn huyện sẽ trồng mới thêm 500ha để nâng diện tích trồng nhãn của toàn huyện là 4.000ha. Nâng tổng sản lượng nhãn đến năm 2020 là 73.800 tấn/năm. Bên cạnh đó, thành lập mới thêm 1 HTX tại các xã trọng điểm sản xuất nhãn; tiếp tục củng cố nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của HTX Nông sản an toàn An Hòa (xã An Nhơn).

Để nâng cao chuỗi giá trị, huyện sẽ hình thành các vùng sản xuất nhãn tập trung theo hướng an toàn tại các xã: An Nhơn, An Khánh, An Phú Thuận... Áp dụng sản xuất theo quy trình thực hiện nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP) tạo sản phẩm an toàn đáp ứng theo yêu cầu thị trường tiêu thụ, xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng an toàn, mô hình giảm giá thành sản xuất gắn với tiêu thụ. Huyện sẽ nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng các đề tài khoa học về đa dạng các sản phẩm chế biến từ nhãn, mở rộng nhiều kênh thị trường tiêu thụ nhãn, nâng cao giá trị sản phẩm.

Còn đối với ngành hàng khoai lang, phấn đấu đến năm 2020, toàn huyện sẽ phát triển thêm 458ha, nâng diện tích khoai lang trên địa bàn huyện đạt 4.000ha; tổng sản lượng đạt 120 ngàn tấn/năm; giá trị thu nhập bình quân đạt 100 triệu đồng/ha/năm. Phát triển và hình thành các vùng sản xuất khoai lang tập trung theo hướng an toàn tại các xã: Hòa Tân, Phú Long và Tân Phú. Song song đó, xây dựng các quy trình kỹ thuật phòng trừ bệnh bằng biện pháp sinh học trên khoai lang, áp dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng và quản lý tốt sâu bệnh. Phấn đấu đến năm 2020, địa phương sẽ phát triển thêm 2 HTX khoai lang nhằm liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm gắn với phát triển thương hiệu, nhãn hiệu đối với khoai lang. Tại các xã trọng điểm trồng khoai lang, xây dựng ít nhất 1 mô hình về ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới theo hướng VietGAP, GlobalGAP...

Ông Võ Văn Bảnh - Giám đốc HTX sản xuất dịch vụ Hòa An, xã Hòa Tân, huyện Châu Thành cho rằng, để nâng cao hiệu quả sản xuất, đề nghị địa phương và các ngành liên quan hỗ trợ đơn vị trong việc tìm nguồn giống tốt cho khoai lang. Ngoài ra, tăng cường hỗ trợ áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất ở các khâu làm đất, tưới nước, phun thuốc, thu hoạch... nhằm giảm bớt công lao động. Đồng thời nghiên cứu ứng dụng công nghệ bảo quản sau thu hoạch nhằm kéo dài thời gian vận chuyển và bán hàng...

Ông Võ Đình Trọng cho biết thêm: “Thời gian tới, huyện Châu Thành sẽ đặc biệt quan tâm và thường xuyên tổ chức các cuộc khảo sát thị trường, tìm kiếm đối tác tiêu thụ lúa gạo, nhãn, khoai lang và các sản phẩm nông nghiệp chủ lực khác. Trong đó, huyện chủ trương kêu gọi đầu tư thực hiện các dự án chế biến nông sản, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất và phát triển. Để hỗ trợ cho các HTX, tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp được quảng bá, giới thiệu sản phẩm, huyện cũng tạo điều kiện tham gia các chương trình hội chợ trong và ngoài tỉnh”.

Theo ông Phan Thanh Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo cho các ngành tập trung tuyên truyền vận động nhân dân để nâng cao vai trò chủ thể trong thực hiện liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, xây dựng cơ cấu kinh tế theo quy mô vùng nhằm nâng cao giá trị và sản lượng nông sản; tổ chức nền sản xuất nông nghiệp theo các mô hình sản xuất phù hợp với cơ chế thị trường, trong đó mô hình phổ biến vẫn là HTX và mô hình kinh tế trang trại. Mục tiêu chính là đẩy mạnh ứng dụng khoa học và kỹ thuật; đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi nâng cao giá trị sử dụng đất; khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, công nghiệp, bán công nghiệp gắn với công nghiệp chế biến”.

Khánh Phan

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn